Giáo dục Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), vì đây đây là quốc sách hàng đầu. Đảng ta cũng nhiều lần nhấn mạnh, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước, cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển GD&ĐT, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; đồng thời, GD&ĐT phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Một trong những kết quả nổi bật về giáo dục trong nhiệm kỳ qua được dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII đánh giá là “Hợp tác quốc tế về GD&ĐT tiếp tục được mở rộng”; “công tác đào tạo nhân lực ở nước ta đã có những thay đổi theo hướng tập trung nâng cao chất lượng; đào tạo gắn kết với nhu cầu lao động của địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động; bước đầu áp dụng các phương pháp đào tạo của các tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế như công nghệ thông tin, y tế, công nghiệp xây dựng, cơ khí...”.

Trước đây, vì nhiều lý do, nên trong một thời gian khá dài, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta bị phân mảnh, liên kết giữa các bộ phận (giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học) lỏng lẻo; tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN), thế hệ công dân trong tương lai cần phải được trang bị những năng lực, kỹ năng mới để có thể thành công trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Nhận thức sâu sắc điều đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và hội nhập quốc tế” đã xác định: “Chủ động hội nhập quốc tế về GD&ĐT trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm định hướng XHCN, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, thành tựu KH&CN của nhân loại. Hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế về GD&ĐT”.

Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, những năm qua, ngành giáo dục đã chủ động xây dựng, ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức GD&ĐT, bảo đảm tính tương thích với bảng phân loại giáo dục quốc tế. Ngành giáo dục đã xây dựng, ban hành cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân với cấu trúc 8 bậc học, làm căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo; thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân; xây dựng quy hoạch, chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

5 năm qua, nước ta đã có hơn 70 thỏa thuận quốc tế và 23 điều ước quốc tế được ký kết, góp phần tạo hành lang pháp lý triển khai nhiều chương trình hợp tác, như: Trao đổi học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên; hợp tác giáo dục, nghiên cứu, đào tạo, trao đổi chuyên gia... Ngành giáo dục và các cơ sở đại học đã phê duyệt, ký kết trên 530 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, với khoảng 85.000 người đã theo học, trong đó hơn 45.000 người đã hoàn thành chương trình và được cấp bằng. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Do chủ động, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD&ĐT, chất lượng giáo dục các cấp học đều được nâng lên; được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong các đợt đánh giá PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) của Tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), Việt Nam đã đạt nhiều kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối. Đến nay, Việt Nam có 4 trường đại học nằm trong tốp 1.000 thế giới; 11 trường đại học nằm trong tốp các trường đại học hàng đầu châu Á; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong tốp 500 thế giới. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng thế giới (WB), về vốn nhân lực, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/174 nền kinh tế; tiêu chí về kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước, như: Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển...

Ảnh minh họa: TTXVN.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, sau Singapore); tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt gần 93%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN; chương trình đánh giá kết quả học tập tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019 cho thấy, học sinh tiểu học Việt Nam đứng vào tốp đầu các nước ASEAN ở cả 3 năng lực được khảo sát là đọc hiểu, viết và toán học.

Đặc biệt, Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương về kết quả, thành tích các cuộc thi Olympic quốc tế dành cho học sinh. 5 năm qua (2016-2020), Việt Nam có 174 lượt học sinh tham dự thi các môn văn hóa tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Kết quả, học sinh Việt Nam đã đoạt 170 huy chương và bằng khen, trong đó có 54 huy chương vàng, 68 huy chương bạc, 40 huy chương đồng và 8 bằng khen quốc tế. Đáng ghi nhận là số huy chương vàng mà học sinh Việt Nam đạt được tăng gấp đôi so với giai đoạn 2011-2015 và chiếm tỷ lệ 32% trong tổng số huy chương học sinh giành được. Bên cạnh đó, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công các kỳ Olympic khu vực và quốc tế, như: Olympic Sinh học quốc tế năm 2016, Olympic Vật lý châu Á năm 2018, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế về đất nước, con người và trí tuệ Việt Nam.

Tại phiên họp chuyên đề “Báo cáo quốc gia năm 2020 về tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đánh giá khả năng hoàn thành của Việt Nam đến năm 2030” vừa tổ chức đầu năm 2021 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đã nhấn mạnh: Đường lối, chính sách đổi mới và hội nhập quốc tế về GD&ĐT của Đảng, Nhà nước ta là đúng xu thế, hợp thời đại, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Bên cạnh đó, những đánh giá khách quan từ các tổ chức uy tín của quốc tế và khu vực về chất lượng giáo dục Việt Nam góp phần khẳng định tiềm năng, trí tuệ của con người người Việt Nam và nâng cao vị thế, hình ảnh của dân tộc Việt Nam trên thế giới.

GD&ĐT luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của xã hội. Chất lượng GD&ĐT có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của đất nước. Vì vậy, từ những kết quả và thành công của GD&ĐT sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng sẽ là những bài học kinh nghiệm quý để các cấp, các ngành, các địa phương nghiên cứu, vận dụng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xứng đáng với vai trò, vị trí là quốc sách hàng đầu của đất nước.

NGỌC MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/nghi-quyet-va-cuoc-song/giao-duc-viet-nam-chu-dong-tich-cuc-hoi-nhap-quoc-te-649292