Giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Đổi thay tích cực

Thời gian qua, những chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp các em học sinh nội trú, bán trú có môi trường và điều kiện học tập tốt hơn. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục vùng dân tộc.

Chính sách đi vào cuộc sống

Theo đồng chí Hoàng Minh Cảnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, toàn tỉnh hiện có 7 trường Phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, 39 trường Phổ thông dân tộc bán trú với 22.854 học sinh, trong đó có 21.120 học sinh dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2021 - 2024, số lượt học sinh trường PTDT bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP là 40.027 học sinh; số lượt học sinh trường PTDT nội trú được hưởng chế độ theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT là 9.101 học sinh.

Học sinh Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Hàm Yên với các hoạt động văn hóa thể thao dân tộc giàu bản sắc.

Học sinh Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Hàm Yên với các hoạt động văn hóa thể thao dân tộc giàu bản sắc.

Cùng với việc chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, giai đoạn 2021 - 2024, UBND các địa phương đã tích cực huy động, lồng ghép, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng mới được 184 phòng ở bán trú, 11 nhà ăn, 12 công trình vệ sinh nước sạch, 188 phòng học giúp bảo đảm quyền học tập của học sinh dân tộc, tăng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được chăm sóc, giáo dục tại các trường nội trú, bán trú.

Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Sơn Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: huyện Yên Sơn hiện có 1 trường PTDT nội trú với 382 học sinh, 8 trường PTDT bán trú với 4.359 học sinh. Giai đoạn 2021 - 2024, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã thực hiện chuyển đổi và thành lập được 5/6 trường PTDT bán trú theo kế hoạch. Để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, thời gian qua, phòng đã thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người dạy và người học theo quy định.

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường nội trú, bán trú đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục đặc thù qua các hình thức: sinh hoạt tập thể, văn nghệ, thể thao, lao động, trải nghiệm hướng nghiệp. Hằng năm, phòng đều chỉ đạo sát sao việc rà soát, tu sửa cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn; đồng thời tổ chức tốt việc ăn, ở sinh hoạt, học tập cho học sinh nội trú, bán trú, tổ chức môi trường giáo dục thân thiện, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách cho học sinh.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục

Mặc dù là trường mới thành lập năm 2021, trên cơ sở trường PTDT nội trú THCS huyện Hàm Yên, nhưng chất lượng dạy và học của trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Hàm Yên thật đáng tự hào: tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, năm đầu tiên nhà trường có học sinh dự thi tốt nghiệp lớp 12, nhưng điểm trung bình các thí sinh của trường đứng vị trí thứ 3 toàn tỉnh. Đồng chí Hà Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Hàm Yên cho biết: trường có 14 lớp với 490 học sinh. Học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm 95,1%. Trước năm 2021, cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng yêu cầu dạy và học, nhưng từ tháng 9/2021 do mở rộng quy mô trường học, lớp học cấp THPT, số học sinh ở ký túc xá tăng lên, gây quá tải về nơi ăn, ở, sinh hoạt. Cơ sở vật chất xuống cấp nhiều.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năm học vừa qua, nhà trường đã được đầu tư xây dựng 01 nhà ăn; 01 nhà ký túc xá 24 phòng; 01 nhà lắp ghép (nhà mái tôn) 07 phòng; 01 nhà lớp học 8 phòng. Hiện nay, trường tiếp tục được đầu tư giai đoạn 2 xây thêm 4 phòng học; 01 sân bóng đá mini…giúp không gian sinh hoạt của học sinh rộng rãi, thoáng mát hơn. Nhờ đó, chất lượng dạy và học của thầy trò nhà trường từng bước được nâng lên. Kết quả thi vào lớp 10 THPT hằng năm, trường luôn đứng đầu huyện Hàm Yên, đứng thứ 4/157 trường toàn tỉnh có cấp THCS và liên cấp THCS-THPT, 100% học sinh dự thi đều đỗ vào THPT.

Chị Nguyễn Thị Tám, phụ huynh có 2 con đang học tại trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Hàm Yên không giấu được niềm vui, nhờ sự quan tâm chăm lo của Nhà nước với con em đồng bào các dân tộc, nên các con của chị học ở trường nội trú Hàm Yên được hỗ trợ toàn bộ tiền học phí, tiền ăn, ở, sinh hoạt. Chị bảo: phụ huynh chúng tôi rất biết ơn những chính sách đãi ngộ của Nhà nước, biết ơn tập thể các thầy giáo, cô giáo của trường nội trú trong việc chăm sóc, thương yêu giáo dục các cháu. Qua đó, chúng tôi càng phấn khởi, yên tâm, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh với tương lai con em dân tộc tỉnh nhà.

Gia đình em Đặng Thị Thanh Xuân, dân tộc Dao đỏ, học sinh lớp 12G, Trường PTDT Nội trú tỉnh có 4 chị em, thuộc hộ nghèo ở thôn Nà Chao, xã Năng Khả (Na Hang). Bố mẹ em đều làm ruộng. Được theo học tại trường, nhận được sự quan tâm chăm lo của các cấp lãnh đạo, các thầy giáo cô giáo, Xuân đã nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt học sinh giỏi, đạt Giải Nhì cấp trường, Giải Ba cấp tỉnh môn Địa lý; Giải Nhất cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ và Giải Nhất cuộc thi đơn ca Tiếng hát học sinh.

Với nhiều chính sách đầu tư chăm lo phát triển giáo dục dân tộc, chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng ổn định và nâng cao. Đặc biệt hệ thống các trường PTDT nội trú, PTDT bán trú đã từng bước phát triển, khẳng định vị trí quan trọng trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương.

Bài, ảnh: Khánh Vân

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/giao-duc-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so%C2%A0doi-thay-tich-cuc-197349.html