Giáo dục vùng khó Bạc Liêu vượt khó vươn lên
Đông Hải là huyện ven biển, thuộc vùng sâu, xa của tỉnh Bạc Liêu. Trước đây, việc dạy và học tại địa phương gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đi đôi với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành đối với giáo dục vùng sâu, sự học nơi đây đã chuyển biến tích cực.
Gần 83% trường đạt chuẩn
Huyện Đông Hải có 41 trường học (11 trường mẫu giáo, 17 trường tiểu học, 10 trường THCS và 3 trường THPT). Các trường được đầu tư kiên cố, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học theo Chương trình GDPT 2018. Đến nay, huyện có 34/41 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 83% (mầm non: 11, tiểu học: 14, THCS: 6, THPT: 3), trong đó có 14 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, còn lại đạt mức độ 1.
Trước đây, Trường THCS Trần Phú (xã Long Điền) được xem là một trong những điểm trường khó khăn nhất tỉnh Bạc Liêu với quy mô 6 phòng học, không có phòng chức năng, thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học, sân trường mùa mưa bị ngập nước...
Hiện tại, trường được đầu tư khang trang với 14 phòng học, đầy đủ phòng chức năng, thiết bị, đồ dùng dạy học cũng trang bị đồng bộ. “Đây là sự mong đợi từ lâu của cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Năm học này, trường có 18 lớp với gần 670 học sinh, tổ chức dạy 2 buổi/ngày.
Được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất là điều kiện thuận lợi để nhà trường nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học, phấn đấu đạt thành tích cao hơn năm trước. Đồng thời, là cơ sở để trường tiến tới đạt chuẩn quốc gia mức độ 2”, thầy Vũ Đức Quý - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú chia sẻ.
Nằm trên địa bàn xã Điền Hải, Trường Tiểu học Quang Trung được đầu tư xây dựng khang trang và công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm 2021. Thầy Hiệu trưởng Trương Văn Kiên khẳng định, nhờ cơ sở vật chất trường lớp khang trang nên chất lượng giáo dục nâng lên rõ nét, tỷ lệ học sinh lên lớp hằng năm đều đạt 99%.
“Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, những năm qua, học sinh nghèo, khó khăn của trường luôn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhà hảo tâm. Theo đó, tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm giảm đáng kể”, thầy Kiên cho biết thêm.
Hơn 30 năm giảng dạy tại nhiều điểm trường trên địa bàn huyện Đông Hải, thầy Nguyễn Trọng Lâm - giáo viên Trường THCS Trần Phú kể, những năm đầu khi về huyện giảng dạy gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh phần lớn đi học bằng phương tiện đường thủy, đời sống người dân còn nghèo nên tỷ lệ học sinh bỏ học cao…
“Sự đổi thay của ngành Giáo dục huyện Đông Hải hôm nay rất lớn, mỗi giáo viên đều cảm thấy vui mừng, tự hào và quyết tâm phấn đấu vì sự nghiệp “trồng người” nơi xứ biển”, thầy Lâm nói.
Ông Trương Hà Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Hải cho biết, là địa bàn vùng sâu, xa, thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Đông Hải nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, nhất là đầu tư về cơ sở vật chất. Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục huyện đạt nhiều thành tích trong dạy và học, phong trào giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực cả về số và chất lượng.
“Các kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật, Hội khỏe Phù Đổng, hội thi hùng biện Tiếng Anh, Hội thi Tin học trẻ, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh… nhiều học sinh của huyện dự thi giành giải cao. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, tiểu học đạt 100%, công nhận tốt nghiệp THCS đạt 99,8%”, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Đông Hải thông tin.
Nỗ lực phát huy thành tích
Bên cạnh kết quả đạt được, sự nghiệp giáo dục vùng biển Đông Hải còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh chưa đi vào chiều sâu; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ còn diễn ra, nhất là ở cấp THCS; nhiều trường có quy mô nhỏ nhiều điểm lẻ; cơ sở vật chất các trường trong huyện chưa đồng đều gây khó khăn trong quy hoạch, đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia…
“Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Điền Hải) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2015. Hiện cơ sở vật chất của trường có dấu hiệu xuống cấp, thiếu phòng học để dạy theo Chương trình GDPT 2018.
Phòng chức năng không đảm bảo theo thông tư mới, cán bộ, giáo viên thiếu so với biên chế được giao là 3 người. Vị trí hiện tại của trường cũng không thể mở rộng, nếu công nhận lại theo tiêu chí mới, trường sẽ không đạt chuẩn mức độ 2”, thầy Nguyễn Văn Đông - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong nói.
Tương tự, Trường THPT Định Thành (xã Định Thành) được công nhận mức độ 1 vào năm 2020, tuy nhiên sân trường bị ngập nước vào mùa mưa, trang thiết bị còn thiếu, một số hạng mục có dấu hiệu xuống cấp.
“Nằm ở địa bàn vùng sâu, dù còn những hạn chế, khó khăn, thế nhưng thầy và trò nhà trường sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đầu duy trì thành tích đã đạt được trong dạy và học. Tính đến năm học 2023 - 2024, trường có 4 năm liên tiếp xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 8 năm liên tiếp có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 100%”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quý Tiên chia sẻ thông tin.
Trước thực trạng trên, trong năm học 2024 - 2025, Phòng GD&ĐT huyện Đông Hải tiến hành rà soát, sắp xếp hợp lý các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đồng thời bố trí hợp lý mạng lưới trường học ở các điểm trường trung tâm và điểm lẻ trên địa bàn huyện để đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh và đáp ứng đổi mới của ngành. Đơn vị sẽ tham mưu cấp trên bố trí quỹ đất cho giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày, đảm bảo đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
“Song song với quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục, chúng tôi sẽ tập trung rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, gắn việc đảm bảo các quy định về định mức số lượng giáo viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo, các chuẩn được ban hành.
Thực hiện tốt chính sách phát triển đội ngũ, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, chế độ tiền lương và các phụ cấp theo lương, trợ cấp khác; đánh giá khen thưởng… nhằm nâng cao đời sống, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề, tiếp tục gắn bó, đóng góp với sự nghiệp giáo dục vùng sâu, xa”, ông Trương Hà Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Hải nhấn mạnh.
Ngành Giáo dục huyện Đông Hải sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh các cấp học.
Ngay đầu năm học, ngành cũng đẩy mạnh phong trào xây dựng “trường học hạnh phúc”; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh… nhằm đáp ứng Chương trình GDPT 2018.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-vung-kho-bac-lieu-vuot-kho-vuon-len-post703997.html