Giáo dục vùng lũ: Điều chỉnh phù hợp, dạy bù không gây quá tải

Về phương án dạy học sau đợt thiên tai ở một số tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của mưa lũ, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Căn cứ khung thời gian năm học cùng với thời gian thực tế học sinh đã nghỉ, các địa phương cần điều chỉnh kế hoạch giáo dục của trường cho phù hợp.

Đến thời điểm này, các trường cũng như người dân địa phương, các lực lượng hỗ trợ gồm bộ đội, cảnh sát cơ động… đang khẩn trương dọn dẹp, sửa chữa và khắc phục cơ sở vật chất để đón học sinh trở lại lớp học tập.

Đến nay, học sinh nhiều tỉnh miền Trung đã nghỉ học hơn 24 ngày. Theo khung chương trình năm học Bộ GD&ĐT ban hành, quỹ thời gian dự phòng của các trường là 2 tuần. Như vậy, sắp tới các trường sẽ phải xây dựng phương án dạy bù trong năm học để hoàn thành chương trình.

Theo thông tin báo cáo về Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch giảng dạy. Theo đó, địa phương này điều chỉnh thời gian kiểm tra học kỳ 1 từ tuần 13 dịch chuyển sang tuần 15 và điều chỉnh một số nội dung từ học kỳ 1 sang học kỳ 2 nhằm đảm bảo khi học sinh đến trường trở lại không bị quá tải việc tiếp thu kiến thức.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý tới các địa phương kế hoạch dạy bù cần phù hợp để học sinh được học nhẹ nhàng, tránh tình trạng dồn ép. Ảnh: P.Thủy

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý tới các địa phương kế hoạch dạy bù cần phù hợp để học sinh được học nhẹ nhàng, tránh tình trạng dồn ép. Ảnh: P.Thủy

Với Đà Nẵng, Sở GD&ĐT cũng chủ động điều chỉnh thời gian dạy học để đảm bảo khi học sinh trở lại trường được bố trí lịch học bù một cách phù hợp.

Tại Quảng Ngãi, nhiều trường học cũng có kế hoạch bố trí chuyển sang học 2 ca để đảm bảo thời lượng dạy học cho học sinh học bù chương trình. Ông Đỗ Văn Phu, GĐ Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cũng nhấn mạnh, trước mắt, đơn vị nào thiếu phòng học sẽ tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nếu khó khăn quá về phòng học thì ưu tiên cho HS lớp 12 học trước.

Với những trường bị tốc mái, hư hỏng nặng, trước mắt, có thể sử dụng các phòng học chức năng để kê bàn ghế làm phòng học. Với những điểm trường lẻ bị tốc mái, ngập lụt, trong thời gian chờ xin kinh phí để sửa chữa, sẽ chuyển học sinh về học ở điểm trường chính để đảm bảo khung thời gian năm học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị ngành giáo dục năm 2020 nhấn mạnh: “Phải cần nhiều thời gian mới có thể khắc phục được những thiệt hại này. Nhưng ngay đây, học sinh cần sách vở để đến trường, cơ sở vật chất cần được khắc phục sớm để ổn định việc dạy và học”.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, chương trình giáo dục hiện hành được thiết kế dạy học 1 buổi/ngày, do đó, các trường vẫn có thời gian 1 buổi trong ngày để dạy bù. Tuy nhiên, địa phương phải sắp xếp kế hoạch dạy bù, giảm tải phù hợp để học sinh được học nhẹ nhàng, tránh tình trạng dồn ép, đảm bảo học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản, đồng thời có kế hoạch củng cố kiến thức cho học sinh sau đợt nghỉ do mưa lũ.

Các trường tại Thừa Thiên - Huế sớm triển khai dạy bù theo hướng: Các đơn vị nghỉ học từ 2 tuần trở lên, từ nay đến hết học kì I (15-1-2021) tổ chức dạy bù 2 tuần; đối với các đơn vị còn lại, chủ động bố trí dạy bù để hoàn thành chương trình học kì I theo kế hoạch năm học. Việc dạy bù cần tránh dồn ép, gây quá tải đối với cả người dạy và người học. Cùng với việc tổ chức các hoạt động giáo dục, các trường cần hết sức quan tâm đến công tác vệ sinh phòng dịch và các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh.

Như vậy, phương án chung là các địa phương chỉ đạo các trường linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch giảng dạy cho thầy và trò trong điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi đón học sinh quay trở lại trường học.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giao-duc-vung-lu-dieu-chinh-phu-hop-day-bu-khong-gay-qua-tai-216450.html