Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh phổ thông
Với mong muốn trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó với các mối nguy hiểm cũng như giáo dục ý thức chấp hành pháp luật tới cán bộ, giáo viên, học sinh, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Sở Giáo dục và đào tạo xây dựng mô hình 'Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học' trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình ngay khi triển khai đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền các cấp và đông đảo giáo viên, học sinh.
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đóng tại phường Hưng Bình (TP Vinh) có quy mô đào tạo lớn với 55 lớp, hơn 2.300 học sinh và 109 cán bộ, công nhân viên. Đối tượng giáo dục của nhà trường là học sinh trong độ tuổi thanh, thiếu niên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp xúc, tiêm nhiễm với các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Vì vậy, khi biết được chọn làm điểm trong xây dựng, triển khai mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống”, lãnh đạo, giáo viên và học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã rất ủng hộ và hào hứng.
Em Thái Thanh Bình, học sinh lớp 12D1 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng bày tỏ: “Chúng em nhận thấy mô hình này rất quan trọng và thiết thực không chỉ đối với học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng mà còn đối với các bạn trong lứa tuổi học sinh. Thông qua việc tham gia mô hình, chúng em hiểu được các kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, từ đó bảo vệ bản thân mình”.
Với hơn 1.600 học sinh đang theo học, Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu) thu hút học sinh các xã vùng trung và Tây Bắc tại huyện Diễn Châu và xã Đồng Thành, huyện Yên Thành đến học tập. Ngay khi Công an Nghệ An phối hợp Sở Giáo dục và đào tạo xây dựng mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học” trên địa bàn toàn tỉnh, Trường THPT Diễn Châu 3 đã tổ chức tập huấn tới toàn thể Ban Giám hiệu, giáo viên của trường.“Bên cạnh đó, nhà trường cũng tập trung phối hợp với lực lượng Công an và chính quyền địa phương để giáo dục pháp luật và kỹ năng sống, đồng thời tổ chức các câu lạc bộ, các tổ tư vấn pháp luật và kỹ năng sống cho các em ngay trong trường học”, thầy Phan Trọng Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 cho biết thêm.
Nghệ An là tỉnh đứng tốp đầu cả nước về số lượng học sinh với hơn 870.000 em đang theo học tại 1.519 đơn vị trường học từ cấp mầm non đến THPT. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có hàng trăm vụ việc về tai nạn giao thông, ma túy học đường, bạo lực học đường, trộm cắp, pháo nổ liên quan trực tiếp tới học sinh. Nhằm trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng ứng phó với các mối nguy hiểm cũng như nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, giáo viên, học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo thống nhất xây dựng mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học”. Đáng nói, Nghệ An cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình này. Để mô hình được lan tỏa, ngay sau khi lễ ký kết giữa Công an tỉnh và Sở Giáo dục và đào tạo đầu tháng 3/2024, Công an các địa phương phối hợp chính quyền sở tại cũng đã triển khai một cách khẩn trương và hiệu quả.
Trung tá Lê Đức Dũng, Trưởng Công an huyện Nghi Lộc cho biết: “Mặc dù theo kế hoạch việc xây dựng mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học” sẽ được triển khai thí điểm ở một số trường, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, tại Nghi Lộc, chúng tôi đã triển khai mô hình này ở tất cả các trường với nhiều cách làm sáng tạo. Chỉ hơn một tháng Công an huyện Nghi Lộc đã tổ chức hơn 40 buổi tuyên truyền tại các trường trên địa bàn, hiện số lượng các trường tự nguyện đăng ký với Công an huyện Nghi Lộc để được tuyên truyền liên tục tăng lên. Bên cạnh công tác tuyên truyền, Công an huyện Nghi Lộc cũng tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lứa tuổi học sinh”
Thượng tá Chu Văn Hùng, Phó Trưởng Công an huyện Diễn Châu quyết tâm, “Chúng tôi phấn đấu đến năm 2026 sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả ở tất cả các trường học trên địa bàn. Công an huyện Diễn Châu đã và đang quyết liệt phối hợp các đơn vị liên quan tạo bước chuyển mới trong vấn đề bảo đảm an ninh trường học, nhất là xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong lĩnh vực giáo dục”.
Đến nay, sau hơn 1 tháng triển khai, Công an Nghệ An và ngành Giáo dục đã tổ chức đồng bộ từ việc ký kết, ra mắt tại 100% đơn vị cấp huyện; với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Trong đó, 100% chuyên đề pháp luật đã được Ban Thanh niên Công an tỉnh phối hợp Phòng Tham mưu cùng các phòng chức năng Công an tỉnh cụ thể hóa thành “Cẩm nang cầm tay”, hiện Công an Nghệ An đã trao tặng hơn 3.800 cuốn “cẩm nang cầm tay” tới các trường học để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên. Dự kiến vào tháng 5/2024, sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, phấn đấu đến năm 2028 bảo đảm 100% trường học trên địa bàn tỉnh đều xây dựng mô hình này.
Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đánh giá: Mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học” là mô hình rất thiết thực vì có giải pháp cụ thể, có mục tiêu rõ ràng, có lộ trình hợp lý. Mô hình cũng đã tích hợp, lồng ghép nội dung các mô hình khác mà trước đây ngành Giáo dục và ngành Công an đã triển khai cũng như giữa ngành giáo dục với các ngành khác.
Về kỳ vọng khi tham mưu, triển khai xây dựng mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học”, Đại tá Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An bày tỏ: “Trước hết, Ban chỉ đạo mô hình mong muốn tạo sự chuyển biến tích cực về an ninh trật tự trên địa bàn; xây dựng một xã hội trật tự, bình yên, an toàn và hạnh phúc. Bên cạnh đó, mô hình cũng kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh, học sinh và các đơn vị liên quan trong xây dựng, ươm mầm và giáo dục thế hệ trẻ”.