Giáo hoàng Francis trong tình trạng nguy kịch
Tòa thánh Vatican cho biết Giáo hoàng 'vẫn trong tình trạng nguy kịch' sau cơn hen suyễn nghiêm trọng. Ông vẫn phải thở oxy và truyền máu tính đến ngày 22/2.

Giáo hoàng Francis đọc bài giảng trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Hội trường Paul VI ở Vatican hôm 12/2. Ảnh: Vatican Media.
“Đức Thánh cha vẫn trong tình trạng nguy kịch, do đó, như đã giải thích ngày 22/2, Ngài vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm”, Vatican thông tin.
Tòa thánh cho biết tiên lượng vẫn còn “khiêm tốn”. Các biện pháp nhằm ổn định sức khỏe của Giáo hoàng vẫn cho thấy triển vọng nhất định. Đức Francis phải thở oxy và truyền máu vào sáng 22/2.
Theo AP, đây là lần đầu tiên từ "nguy kịch" được sử dụng trong một tuyên bố chính thức để mô tả tình trạng sức khỏe của Giáo hoàng Francis kể từ khi ngài nhập viện vào ngày 14/2.
Tuyên bố cũng cho biết Giáo hoàng "vẫn tỉnh táo, dành cả ngày ngồi trên ghế bành, dù tình trạng đau đớn gia tăng so với hôm qua". Các bác sĩ từ chối đưa ra tiên lượng, nhấn mạnh rằng tình hình vẫn chưa chắc chắn.
Giáo hoàng Francis, 88 tuổi, được đưa vào Bệnh viện đa khoa Agostino Gemelli ở Rome (Italy) vào ngày 14/2 vì viêm phế quản. Đầu tuần, Vatican thông báo ông bị viêm ở cả hai lá phổi.
Xét nghiệm ban đầu cho thấy Giáo hoàng bị nhiễm trùng đường hô hấp do nhiều loại vi khuẩn. Tình trạng sức khỏe phức tạp đòi hỏi ông phải nhập viện. Một báo cáo khác cho thấy ông bị giảm tiểu cầu và cần được truyền máu. Tình trạng lâm sàng "phức tạp" làm dấy lên lo ngại ông mắc bệnh nhiễm trùng huyết.
Ngày 19/2, Tòa thánh Vatican tuyên bố sức khỏe của Giáo hoàng đã ổn định và “cải thiện đôi chút”. Lúc đó, Vatican nói thêm ông đã quay lại công việc, bao gồm hội kiến Thủ tướng Ý Giorgia Meloni.
Đức Giáo hoàng vật lộn với các vấn đề sức khỏe dai dẳng trong những năm gần đây, bao gồm bệnh cúm và nhiều vấn đề hô hấp. Ông đã thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật, hai lần nghiêm trọng nhất là do mắc bệnh về đường tiêu hóa năm 2021 và bệnh thoát vị năm 2023.
Các bác sĩ cảnh báo mối đe dọa lớn nhất đối với Giáo hoàng hiện nay là nguy cơ nhiễm trùng huyết - một biến chứng nghiêm trọng của viêm phổi khi nhiễm trùng lan vào máu. Tuy nhiên, tính đến ngày 21/2, chưa có dấu hiệu nhiễm trùng huyết, Giáo hoàng vẫn đang đáp ứng tốt với các loại thuốc được kê đơn, theo bản cập nhật chi tiết đầu tiên từ đội ngũ y tế của ngài.
Kết quả xét nghiệm máu vào ngày 22/1 cho thấy Giáo hoàng bị giảm tiểu cầu, một tình trạng được gọi là giảm tiểu cầu (thrombocytopenia). Tiểu cầu là các mảnh tế bào trong máu giúp hình thành cục máu đông, ngăn chảy máu và hỗ trợ quá trình lành vết thương. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), giảm tiểu cầu có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm tác dụng phụ của thuốc hoặc nhiễm trùng.