Giáo hoàng mới và nhịp cầu liên tôn cùng Phật giáo?

Đối với cộng đồng Phật giáo, đặc biệt là những ai quan tâm tới hòa bình toàn cầu và hợp tác tôn giáo, triều đại mới của Giáo hoàng Leo XIV có thể mang đến những cơ hội đáng kể cho đối thoại và hành động chung.

Ngày 8 tháng 5 năm 2025, Giáo hoàng Leo XIV lần đầu tiên phát biểu trước thế giới với tư cách là vị giáo chủ mới từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô.

Ngài kêu gọi thiết lập “một nền hòa bình không vũ trang và giải trừ vũ khí” (ABC News). Dù chỉ là một câu ngắn gọn, phát biểu này đã khơi mở một giai đoạn mới trong tiến trình đối thoại liên tôn, đồng thời thể hiện sự tiếp nối tinh thần của người tiền nhiệm - Giáo hoàng Francis.

Ảnh: cnbc.com

Ảnh: cnbc.com

Đối với cộng đồng Phật giáo, đặc biệt là những ai quan tâm tới hòa bình toàn cầu và hợp tác tôn giáo, triều đại mới của Giáo hoàng Leo XIV có thể mang đến những cơ hội đáng kể cho đối thoại và hành động chung.

Người kế nhiệm và trọng trách tiếp nối

Giống như Giáo hoàng Francis, người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực đối thoại liên tôn và công bằng xã hội suốt 12 năm trị vì, Giáo hoàng Leo XIV cũng tiếp quản một Giáo hội đang trên hành trình cải tổ nội bộ và tái định vị vai trò với thế giới bên ngoài.

Nhưng vị giáo hoàng mới là ai và lý lịch cũng như giá trị cá nhân của ngài sẽ có sự tương quan - tương tác như thế nào với cộng đồng Phật giáo?

Triều đại của Giáo hoàng Francis từng chứng kiến nhiều bước tiến mang tính lịch sử trong quan hệ giữa Công giáo và Phật giáo. Ngài luôn đề cao đối thoại hơn giáo điều, không ngần ngại thể hiện lòng từ bi với người tị nạn, người nghèo và những người bên lề xã hội.

Chuyến thăm của Ngài đến Mông Cổ năm 2023, nơi người Công giáo chiếm chưa đến 0,05% dân số, là minh chứng sống động cho tinh thần “mở lòng” và tôn trọng giá trị của các tôn giáo khác. Tư tưởng này hoàn toàn tương đồng với đạo lý Phật giáo, nhất là tại Đông Nam Á, nơi phật tử và Kitô hữu cùng sống trong những không gian văn hóa đan xen, phức hợp.

Ảnh: bangkokpost.com

Ảnh: bangkokpost.com

Ảnh: usccb.org

Ảnh: usccb.org

Giáo hoàng Francis cũng tạo nên dấu ấn lớn về ngoại giao liên tôn. Văn kiện lịch sử “Tình huynh đệ nhân loại” ký với Đại Imam của Al-Azhar năm 2019 đã dẫn đến việc xây dựng “Ngôi nhà Abraham” tại Abu Dhabi, một quần thể thờ tự chung của Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo. Dù Phật giáo không phải là bên ký kết, hình ảnh không gian thiêng chung này đã truyền cảm hứng sâu sắc đến nhiều cộng đồng Phật giáo đang khát vọng hướng đến sự tôn trọng lẫn nhau và hòa hợp liên tôn.

Quan hệ sâu rộng với cộng đồng Phật giáo châu Á

Những nỗ lực ấy không dừng ở biểu tượng. Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn (nay là Thánh Bộ Đối thoại Liên tôn) đã duy trì mối quan hệ lâu dài với các cộng đồng Phật giáo khắp châu Á, đặc biệt là tại Nhật Bản, Sri Lanka và Thái Lan. Dưới thời Giáo hoàng Francis, các mối quan hệ này tiếp tục được củng cố với nhiều cuộc gặp cấp cao cùng chư Tăng tại Campuchia, Myanmar và các thông điệp chúc mừng ngày lễ Vesak, trong đó nhấn mạnh các giá trị đạo đức chung giữa hai truyền thống. Đáng chú ý, thông điệp Vesak năm 2015 đã kêu gọi cùng nhau hành động chấm dứt nạn nô lệ toàn cầu. Phản hồi từ phía Phật giáo được đăng trên BDG khi ấy khẳng định mạnh mẽ: “Thông điệp Vesak của Giáo hội Công giáo xứng đáng nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ từ cộng đồng Phật giáo. Tăng đoàn của chúng ta chưa đủ sức xóa bỏ nạn nô lệ một mình, nhưng khi hợp lực cùng các tôn giáo trên thế giới, chúng ta có thể góp phần tăng tốc chấm dứt tệ nạn này”.

Kể từ đó, sự gắn kết, tôn trọng và khát vọng chung giữa hai truyền thống tôn giáo không ngừng lớn mạnh, đặt ra kỳ vọng lớn lao dành cho người kế nhiệm.

Giáo hoàng Leo XIV - Cầu nối mới giữa các truyền thống?

Sinh ra tại Chicago với tên gọi Robert Prevost, từng phục vụ hơn hai thập kỷ tại Peru, Giáo hoàng Leo XIV mang trong mình bản sắc xuyên quốc gia rõ nét. Ngài thuộc dòng Augustine, một dòng tu nổi tiếng về truyền giáo và gắn bó với người nghèo. Được đào tạo tại Học viện Thần học Công giáo (Catholic Theological Union), nơi đề cao đối thoại liên tôn và là học trò của Cha John T. Pawlikowski, người tiên phong trong đối thoại Do Thái - Kitô, Giáo hoàng Leo XIV có một nền tảng thần học sâu sắc và cởi mở.

Dù chỉ mới được phong Hồng y vào năm 2023 và từng giữ chức Tổng trưởng Thánh Bộ Giám mục trong thời gian ngắn, Giáo hoàng Leo không xa lạ với những thách thức mục vụ toàn cầu. Di sản Creole, khả năng đa ngữ và trải nghiệm tại Mỹ Latin giúp ngài tiếp tục đường hướng toàn cầu mà người tiền nhiệm khởi xướng, có thể với sự quan tâm đặc biệt hơn đến phương Nam và các cộng đồng từng bị thực dân hóa.

Đối với các quốc gia Mỹ La-tinh, nơi Phật giáo còn là một thiểu số rất nhỏ, sự hiện diện của Giáo hoàng Leo có thể mở ra cơ hội hợp tác liên tôn mới về công lý khí hậu, quyền của người bản địa và xóa đói giảm nghèo.

Giao thoa giữa Thánh Augustine và tư tưởng Phật giáo

Với tư cách là một tu sĩ Augustinô, Giáo hoàng chịu ảnh hưởng sâu đậm từ tư tưởng Thánh Augustinô, vị giám mục châu Phi nhấn mạnh đến sự chuyển hóa nội tâm, tinh thần cộng đồng và tính vô thường của quyền lực thế gian. Quan điểm về “Thành phố của Thiên Chúa” (City of God) của Thánh Augustinô có nét tương đồng với lý tưởng xây dựng cõi giới mới (loka) trong Phật giáo, một thế giới do chính tâm thức tạo thành, thông qua Giới - Định - Tuệ.

Một số học giả Phật giáo như John Makransky đã khơi mở những điểm tương đồng và dị biệt thú vị giữa Augustinô và tư tưởng Phật giáo, gợi mở tiềm năng lớn cho đối thoại thần học liên tôn.

Hơn nữa, việc khẳng định bản sắc châu Phi của Augustinô cũng góp phần phá vỡ quan niệm châu Âu là trung tâm của Kitô giáo, đồng thời thúc đẩy sự chuyển hướng về phương Nam, một xu thế tương tự với sự “tái định vị châu Á” trong diễn ngôn Phật giáo toàn cầu hiện nay.

Thái độ lắng nghe, hành động thiết thực và sự kết nối

Không phải ngẫu nhiên mà bài phát biểu nhậm chức của Đức Leo lại nhấn mạnh đến giải trừ vũ khí và kiến tạo hòa bình, những chủ đề vốn được Đức Francis đề cập nhiều lần và cũng là ưu tư của Phật giáo nhập thế đương đại. Câu nói “không còn chiến tranh nữa” được Giáo hoàng nhắc lại sau đó không lâu, như lời kêu gọi gửi đến các cường quốc trước bối cảnh xung đột tại Gaza, Ukraine và vùng biên giới Ấn Độ - Pakistan (BBC News).

Tuy vậy, Giáo hoàng Leo XIV vẫn còn là một ẩn số ở nhiều khía cạnh. Khác với người tiền nhiệm thường xuyên xuất hiện bên các nhà sư Phật giáo và trực tiếp phát biểu trước diễn đàn liên tôn, Đức Giáo hoàng chưa đưa ra tuyên bố rõ ràng nào về quan hệ Công giáo - Phật giáo. Kinh nghiệm ngoại giao hạn chế có thể khiến ngài ít có những cử chỉ mang tính biểu tượng lớn, nhưng đổi lại, điều đó có thể tạo điều kiện cho các sáng kiến mục vụ thực tiễn và sâu sắc hơn.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc, chia rẽ tôn giáo và khủng hoảng sinh thái đang trỗi dậy, cả phật tử và tín hữu công giáo đều đang được kêu gọi thể hiện những gì cao quý nhất trong truyền thống của mình. Các hình thức hợp tác, như các cuộc đối thoại giữa chiêm niệm Teresa và truyền thống Phật giáo từng được tổ chức tại Avila (Tây Ban Nha) với sự tham gia của các học giả quốc tế, có thể sẽ được tiếp thêm sức sống dưới sự dẫn dắt của Giáo hoàng.

Tinh thần sống giản dị, gần gũi với cộng đồng và trọng mục vụ của ngài cũng có thể tạo được tiếng vang với các Tăng đoàn Phật giáo đang đối mặt với áp lực hiện đại hóa và khủng hoảng thiết chế. Như Justin Whitaker từng viết trong bài về thực hành Phật giáo - Kitô giáo vì hòa hợp xã hội (BDG, 2020): “Khi mức sống vật chất ngày càng tăng, đôi khi các bức tường quanh ta cũng cao thêm, ngăn cách ta với những người bất đồng. Nhưng chính sự thực hành tâm linh của mỗi truyền thống, khi ta biết tĩnh lặng giữa dòng đời ồn ào, lại chỉ cho ta thấy sự kết nối và lòng thương yêu sâu sắc giữa con người”.

Kỳ vọng thận trọng và niềm hy vọng lặng lẽ

Trong nhiều truyền thống Phật giáo, sự xuất hiện của một vị lãnh đạo tâm linh mới thường đi kèm giai đoạn quan sát thận trọng. Có lẽ điều này cũng sẽ đúng với Đức Giáo hoàng Leo. Dù sự cuốn hút của ngài có thể không mạnh mẽ như Đức Francis và cử chỉ có phần dè dặt hơn, điều đó không đồng nghĩa với thụ động. Như mặt hồ tĩnh lặng che giấu sức sống bên dưới, những thông điệp đầu tiên của Đức Giáo hoàng cho thấy một triều đại nghiêng về lắng nghe, chữa lành và xây cầu.

Với phật tử, nhất là những ai đang dấn thân vào các sáng kiến liên tôn hay xã hội, lời mời gọi đã rất rõ ràng: hãy quan sát, hãy kết nối và hãy bước vào thời khắc này bằng sự cẩn trọng đầy trí tuệ và lòng từ bi.

Như Đức Francis từng nói trong chuyến thăm Sri Lanka năm 2015: “Việc thờ phụng Thiên Chúa đích thực không sinh ra phân biệt, hận thù hay bạo lực, mà là sự tôn trọng đối với tính thiêng liêng của sự sống, phẩm giá và tự do của tha nhân, cùng tình yêu quan tâm đến phúc lợi của tất cả mọi người” (The Guardian).

Liệu Giáo hoàng Leo XIV có tiếp nối cam kết này trong hành động liên tôn hay không, điều đó vẫn còn để ngỏ.

Nhưng với tư cách là những phật tử luôn hướng đến an lạc toàn cầu, có lẽ chúng ta nên thành tâm đón nhận lời hiệu triệu ấy: “Hãy kiến tạo một nền hòa bình không vũ trang và giải trừ vũ khí”.

Một nền hòa bình xứng đáng với tất cả các truyền thống tôn giáo.

Tác giả: Buddhistdoor Global/Chuyển ngữ và biên tập: Giác Tâm/Nguồn: buddhistdoor.net

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/giao-hoang-moi-va-nhip-cau-lien-ton-cung-phat-giao.html