Giao khoán bảo vệ rừng - Lợi ích cho cộng đồng dân cư

Giao khoán là một trong những giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả. Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo với những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho nhân dân, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, đồng thời giúp người dân, nhất là hộ nghèo có điều kiện cải thiện sinh kế để quản lý, bảo vệ, gắn bó thực sự với rừng.

Rừng được giao khoán đã tạo động lực khuyến khích các hộ dân ở huyện Hạ Hòa tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng.

Nâng cao ý thức bảo vệ rừng
Rừng đặc dụng lòng chảo Minh Hòa có diện tích hơn 300ha, nằm trên địa bàn xã Minh Hòa, huyện Yên Lập. Đây là khu rừng đặc dụng duy nhất của huyện có hệ thực vật vô cùng phong phú, quý hiếm. Để bảo vệ rừng tốt nhất, đều đặn hàng tuần, hàng tháng, các tổ bảo vệ rừng của xã phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn tổ chức tuần tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng. Đặc biệt vào những ngày thời tiết nắng nóng kéo dài, các tổ bảo vệ rừng thường trực 24/24 giờ, phân công công tác PCCCR ở những nơi trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Theo ông Đinh Văn Tiến- Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng đặc dụng lòng chảo Minh Hòa, khi đi kiểm tra, nếu phát hiện những trường hợp vi phạm, xâm hại rừng, Tổ sẽ nhanh chóng thông báo với lực lượng chức năng, đồng thời phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân các khu dân cư ký cam kết bảo vệ rừng, nhờ đó diện tích rừng ngày càng được bảo vệ tốt hơn.Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Lập cho biết: Hiện nay, huyện có trên 7.700ha rừng được giao khoán bảo vệ với trên 65 tổ, nhóm tổ bảo vệ rừng thuộc cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện; trên 760 người tham gia, thực hiện ở 16/17 xã. Từ khi được giao khoán bảo vệ rừng, đời sống của người dân nâng lên đáng kể, nhân dân rất phấn khởi khi thực hiện chính sách này. Nếu so sánh với khi chưa thực hiện chính sách giao khoán cho người dân, đến nay, công tác phòng chống cháy rừng trong cộng đồng dân cư được thực hiện tốt hơn, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm.Đến xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, một trong những xã điển hình về thực hiện việc giao khoán rừng cho nhân dân bảo vệ, chúng tôi được biết, để thực hiện tốt công tác giao khoán bảo vệ gần 500ha rừng, xã đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích khi tham gia bảo vệ rừng. Sau khi giao khoán diện tích rừng cần bảo vệ cho các khu dân cư, xã hướng dẫn và yêu cầu các khu báo cáo bằng hình ảnh những chuyến đi tuần rừng; hàng tuần Ban chỉ đạo của xã cử các thành viên về các khu để đi kiểm tra, tuần rừng cùng với tổ tuần rừng của khu... Từ khi thực hiện chính sách giao khoán rừng cho người dân đến nay, công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn xã được thực hiện tốt hơn, không còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Ông Lê Văn Tài ở khu 14 chia sẻ: Từ khi nhận bảo vệ rừng đến nay, gia đình cũng như người dân trong khu rất vui mừng, phấn khởi vì vừa góp phần bảo vệ được tài nguyên rừng, hạn chế lũ lụt, sạt lở, vừa có thêm thu nhập. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ bảo vệ rừng đã giúp người dân giảm được kinh phí đóng góp xây dựng các công trình chung của khu. Hiện đa số đường nội khu đã được bê tông hóa nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi. Đây là động lực rất lớn để người dân tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cũng như ý thức gìn giữ, bảo vệ rừng…Với hiệu quả thiết thực, chính sách giao khoán rừng cho nhân dân bảo vệ được các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai, người dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, trên địa bàn các xã, huyện có diện tích được giao khoán không còn tình trạng chặt phá rừng; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện tốt hơn; các hành vi xâm phạm rừng được phát hiện và ngăn chặn kịp thời; ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao. Đặc biệt, người dân còn có thêm thu nhập chính đáng từ rừng.

Hạt Kiểm lâm huyện Yên Lập và Tổ giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng lòng chảo Minh Hòa, huyện Yên Lập tuần tra rừng.
Vì mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng bền vững
Thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xây dựng định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3553/QĐ-UBND ngày 28/12/2016, quy định nội dung cụ thể mức khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng với từng đối tượng, là cơ sở để triển khai thực hiện trong cả giai đoạn.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện bảo vệ rừng tự nhiên với tổng diện tích trên 220.000 lượt ha, trong đó diện tích giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 trên 111.000 lượt ha. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 83 tỉ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh đang thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng theo ba mức. Với đối tượng rừng đủ điều kiện giao khoán theo Nghị định 75 (khu vực II, III), thực hiện mức hỗ trợ giao khoán 400.000 đồng/ha/năm. Với đối tượng rừng ngoài khu vực II, III, thực hiện mức hỗ trợ giao khoán 200.000 đồng/ha/năm.
Riêng với rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Xuân Sơn, thực hiện mức hỗ trợ theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ 100.000 đồng/ha/năm; cộng đồng vùng đệm được hỗ trợ 40 triệu đồng/cộng đồng/năm. Bên cạnh đó, những người tham gia khoán bảo vệ rừng ở một số địa bàn xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa; xã Kim Thượng, Xuân Sơn, huyện Tân Sơn; xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn được nhận thêm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các sở, ngành liên quan, tổng hợp xây dựng kế hoạch, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích và có hiệu quả, qua đó, hạn chế được vấn nạn chặt phá rừng trái phép, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng được giao khoán; nâng cao đời sống hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích hộ dân tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, đồng thời tiết kiệm ngân sách đầu tư cho bảo vệ rừng tại cơ sở. Thông qua thực hiện hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, tình trạng người dân làm nương, khai thác lâm sản trái phép trên đất rừng phòng hộ giảm đáng kể.
Song song với giao khoán bảo vệ rừng, tỉnh đã kết hợp xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân sống gần rừng như: Chuyển hóa rừng cây gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, nhằm từng bước nâng cao tỉ lệ che phủ rừng, giúp người dân có nguồn thu từ gỗ lớn sau này đồng thời phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ nhằm tạo điều kiện sinh kế, giúp người dân có nguồn thu nhập.Ông Đỗ Ngọc Đoàn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để chính sách giao khoán bảo vệ rừng ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới, đơn vị phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ gia đình, nhóm hộ, tổ chức nhận khoán; xây dựng các mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng; đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp đến người dân. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là ban hành Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp; tăng mức hỗ trợ, nhất là mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng so với quy định theo Nghị định số 75 và Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202203/giao-khoan-bao-ve-rung-loi-ich-cho-cong-dong-dan-cu-183277