Giao lưu trực tuyến về giải pháp và lộ trình thay thế sổ hộ khẩu và CMND

Nhiều câu hỏi liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; những thắc mắc liên quan đến quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy; lộ trình thay thế hộ khẩu giấy bằng mã số định danh cá nhân; thủ tục cấp mã số định danh cá nhân; những thách thức đặt ra khi triển khai Nghị quyết 112… đã được trao đổi, giải đáp tại buổi Giao lưu trực tuyến về giải pháp và lộ trình thay thế sổ hộ khẩu và CMND do Báo Công an nhân dân tổ chức chiều 13/11.

Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Ngày 30/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc phê duyệt đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý công dân thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an.

Đáng chú ý có việc thay thế sổ hộ khẩu và CMND bằng mã số định danh cá nhân, tránh phiền hà cho công dân được rất nhiều người hoan nghênh. Bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về sự thay đổi có tính bước ngoặt này.

Nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin mới nhất, giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của người dân liên quan đến chủ trương này, Báo điện tử CAND tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Giải pháp và lộ trình thay thế sổ hộ khẩu, CMND trong công tác quản lý dân cư".

Nhiều câu hỏi liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; những thắc mắc liên quan đến quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy; lộ trình thay thế hộ khẩu giấy bằng mã số định danh cá nhân; thủ tục cấp mã số định danh cá nhân; những thách thức đặt ra khi triển khai Nghị quyết 112… đã được các vị khác mời của buổi giao lưu là Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an; Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Thành phố Hà Nội; Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam trao đổi, giải đáp.

Đánh giá về vai trò lịch sử của sổ hộ khẩu, CMND và việc vì sao phải đổi mới phương thức quản lý dân cư theo tinh thần Nghị quyết 112, Thượng tá Trần Hồng Phú, cho biết có 8 lĩnh vực liên quan đến quản lý hành chính trong đó có quản lý cư trú và cấp CMND. Công tác đăng ký, quản lý cư trú và quản lý công dân có vai trò quan trọng để bảo đảm an ninh trật tự và quyền công dân. Từ năm 1946 đến nay, đã có nhiều quy định được ban hành trong đó ghi rõ nhiệm vụ và cách thức quản lý dân cư trong đó đáng chú ý là Luật Cư trú năm 2007 và Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 và Luật Căn cước công dân năm 2014.

Hiện công tác quản lý của các bộ ngành có liên quan đang thực hiện thủ công, chưa có sự trao đổi và chia sẻ; các thủ tục giấy tờ nhiều. Khi công dân đến làm thủ tục hành chính thì phải xuất trình nhiều loại giấy tờ gồm cả bản chính và bản sao, gây phiền hà cho người dân. Vì thế, đổi mới trong công tác quản lý dân cư là xu thế tất yếu và cần thiết.

Đánh giá như thế nào về tính ưu việt của Nghị quyết 112 nói chung, quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin nói riêng trên địa bàn Hà Nội, Đại úy Nguyễn Thành Lâm cho rằng, đối với Nghị quyết 112 của Chính phủ, việc quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin là đột phá về đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm tải các giấy tờ cho công dân. Tại Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý dân cư đã được thực hiện từ cuối năm 2013, mang lại hiệu quả lớn trong công tác quản lý dân cư, liên thông đăng ký khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi, giảm thời gian giải quyết từ 1,5 ngày đến 2,5 ngày tại cấp quận và 4,5 ngày ở cấp huyện. Dựa trên cơ sở dữ liệu này, UBND TP. Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính ở mức độ 3 và 4.

Trước câu hỏi những ngày qua, dư luận vẫn nhầm lẫn giữa khái niệm bỏ hộ khẩu và bỏ sổ hộ khẩu, nhiều người cho rằng bỏ sổ hộ khẩu chính là bỏ hộ khẩu, từ nay không cần hộ khẩu nữa, về vấn đề này, Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết, hiện nay công tác đăng ký, quản lý cư trú (thường được gọi là công tác đăng ký quản lý hộ khẩu) gồm nhiều nội dung, trong đó có đăng ký thường/tạm trú, khai báo tạm vắng… Trong đó, khi công dân đủ điều kiện đăng ký thường trú thì được quyền yêu cầu cơ quan công an làm thủ tục đăng ký thường trú và cấp sổ hộ khẩu. Do vậy, sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Do đó, “sổ hộ khẩu” và “công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu” là hoàn toàn khác nhau.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm đã trả lời trước Quốc hội rằng, chúng ta có thể đề xuất bỏ sổ hộ khẩu theo lộ trình nhưng chúng ta không bỏ công tác đăng ký, quản lý dân cư.

Công tác đăng ký quản lý cư trú là công tác tạo điều kiện cho các biện pháp quản lý Nhà nước để tiến hành quản lý con người, bảo đảm an ninh trật tự… Trong đó, sổ hộ khẩu chỉ là hình thức xác định công dân đó đã đăng ký hộ khẩu thường trú và sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Trước câu hỏi về việc Bộ Công an đang được Chính phủ giao xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đề án này thực hiện đến đâu và có những kết quả như thế nào đến thời điểm này. Thượng tá Trần Hồng Phú cho hay, để khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý thông tin về cư dân hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Dự án này đã hoàn thành thủ tục pháp lý và được chuẩn bị các điều kiện về kinh phí, hạ tầng kỹ thuật và hồ sơ, sổ sách để triển khai. Vào ngày 14/11, Bộ Công an sẽ tổ chức Hội nghị về dự án này trên quy mô toàn quốc. Dự tính đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành toàn bộ việc thu thập thông tin cơ bản gồm 15 trường thông tin của 90 triệu công dân Việt Nam để sớm đưa vào sử dụng.

Về câu hỏi việc cấp căn cước công dân chậm có ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hay không, Thượng tá Trần Hồng Phú khẳng định là không, bởi đây chỉ là một nguồn khai thác.

“Chúng tôi có thể khai thác các thông tin về cư dân từ công an cơ sở, từ thông tin bảo hiểm, từ các hồ sơ, sổ sách, biểu mẫu đã có. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phát phiếu thu thập thông tin cho các công dân và tổng hợp lại. Tóm lại, việc có mã số định danh sẽ làm giảm thời gian đi lại, cũng như rút ngắn thời gian tra cứu hồ sơ bởi người dân sẽ không phải kê khai lại, hoặc nộp các giấy tờ về những thông tin đã có”, Thượng tá Trần Hồng Phú nói.

Về câu hỏi đến thời điểm này, căn cước công dân mới chỉ thực hiện thí điểm ở 16 địa phương, theo lộ trình đến năm 2020 phải hoàn thành. Trong 2 năm còn lại liệu chúng ta có hoàn thành được không và thực tế đang gặp những khó khăn gì? Thượng tá Trần Hồng Phú cho hay, hiện nay Bộ Công An đang tổ chức cấp căn cước công dân tại 16 tỉnh/thành, còn lại 47 tỉnh vẫn đang cấp CMND 9 số cũ. Theo lộ trình, ngày 1/1/2020, cả nước phải thống nhất chuyển sang cấp căn cước công dân cho toàn bộ công dân. Hiện tại, giai đoạn 2 của dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân theo công nghệ mới” đang được xây dựng. Nếu đảm bảo được điều kiện về kinh phí, hạ tầng kỹ thuật cũng như nhân lực, dự kiến cuối năm 2019, có thể mở rộng việc cấp căn cước công dân ra phạm vi cả nước.

Khó khăn nhất hiện nay theo Thượng tá Phú là hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước là hệ thống được đầu tư rất lớn, từ máy chủ, đường truyền đến các phương tiện, từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, kinh phí rất lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, Thượng tá cũng cho biết, với sự quan tâm của các cấp, bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, thì dự án sản xuất căn cước công dân mới sẽ được triển khai đúng tiến độ./.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/giao-luu-truc-tuyen-ve-giai-phap-va-lo-trinh-thay-the-so-ho-khau-va-cmnd/321955.vgp