Giao lưu văn học quốc tế giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hiệp Hội thi nhân hiện đại Hàn Quốc
Tại thành phố Busan (Hàn Quốc) từ ngày 13-16/10/2019 đã diễn ra sự kiện Giao lưu văn học quốc tế giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hiệp Hội thi nhân hiện đại Hàn Quốc. 13 nhà thơ Việt Nam đại diện cho Hội Nhà văn Việt Nam đã tới Hàn Quốc tham dự sự kiện văn học quan trọng này.
Trước đó, vào tháng 4/2019, tại Hà Nội đã có cuộc giao lưu thơ giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hiệp Hội thi nhân hiện đại Hàn Quốc. Cuộc giao lưu ý nghĩa đã dẫn đến bản Thỏa thuận được ký kết giữa hai Hội, về việc thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu thơ giữa các nhà thơ là thành viên của hai Hội, để chia sẻ tư tưởng, vần thơ đẹp, trào lưu mới mẻ trong thơ, và sự hiểu biết, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Như vậy, sự kiện Giao lưu văn học quốc tế giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hiệp Hội thi nhân hiện đại Hàn Quốc tháng 10 này là sự kiện lần thứ hai được tổ chức, với chủ đề “So sánh văn học Việt Nam và văn học Hàn Quốc”, trong đó, 13 nhà thơ Việt Nam gặp gỡ 70 nhà thơ hiện đại Hàn Quốc. Mỗi nhà thơ Việt Nam đều đã gửi chùm thơ mới của mình tới sự kiện, được dịch sang tiếng Hàn Quốc để đồng nghiệp Hàn Quốc đọc và thảo luận. Trong tọa đàm diễn ra ngày 14/10/2019, nhiều tham luận với tư tưởng mới mẻ, cách tiếp cận thơ ca đẹp đẽ và phong phú đã được các nhà thơ hai bên trao đổi, thảo luận sôi nổi.
Trong tham luận tại Tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại nêu bật đặc điểm của thơ Hàn – Việt viết về chiến tranh, đó là sự “Thức dậy của lương tri”. Ông bộc bạch: “Tôi đồng cảm sâu sắc với TS Jeong Keun Ok, khi ông viết: “Người Hàn Quốc và người Việt Nam đều có tình yêu mãnh liệt với đất nước quê hương, tinh thần bất khuất trong chống ngoại xâm, ý chí sắt đá quyết làm đến cùng để kiến thiết xây dựng quốc gia... cháy bỏng một khát vọng hòa bình cho dân tộc, nhân loại. Tôi kính trọng sự phản tỉnh của các sĩ quan Shin Se Hoon, Kim Ho Gil, Park Kyung Sik..., các binh sĩ Min Yoon Gi, Song Duk Soo, Kim Joon Tae, Kim Tae Soo và nhiều người khác nữa đã viết những bài thơ phản đối chiến tranh, bày tỏ sự trắc ẩn chi tâm. Trong cuộc viễn chinh vào chiến trường khốc liệt ở Nam Việt Nam, những binh sĩ Hàn Quốc đó đã phát hiện ra nhiều điều phi lý và đi đến tận cùng bản thân mình để gặp một con người nhân bản, để trở thành thi sĩ. Những bài thơ của họ đã làm xúc động chúng tôi. Họ cho thấy, dù bất cứ hoàn cảnh nào, lương tri của người Hàn là bất diệt khi Lee Dong Soon viết:
Họ đã giết hai người lính Việt cộng
Và cắt đầu họ mang ra phía trước trưng bày
Và cảnh 4 người lính Mỹ vừa hút thuốc vừa cười
Trước hai bức ảnh ấy
Tôi đã nghẹn lời
(Hai bức ảnh)
Còn các nhà thơ Việt Nam thì hiểu rõ mục tiêu cầm súng: Đó là bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ tình yêu, sẵn sàng chết để bảo vệ cái Đẹp. Trong bài “Hôn” viết năm 1956, nhà thơ Phùng Quán (1932-1995) viết: Nhưng dù chết em ơi/ Yêu em anh không thể/ Hôn em bằng đôi môi/ Của một người nô lệ. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, từng là chiến sĩ xe tăng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước tự bạch Trời ơi! Nếu kẻ thù chiếm được / Chỉ một gốc sim thôi, dù chỉ gốc sim cằn / Tổ quốc sẽ ra sao, Tổ quốc! (Đường tới thành phố). Cuộc vệ quốc vĩ đại của chúng tôi đã sản sinh ra một thế hệ nhà thơ vĩ đại, một nền thơ đáng tự hào trong lịch sử thơ ca dân tộc. Sự vĩ đại ấy bắt đầu từ tâm thế sống. Phạm Tiến Duật, một sinh viên Sư phạm, nguyện hiến tuổi thanh xuân và cả cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân: Ði qua hết tuổi thanh xuân / Ðể lại trong rừng những gì quý nhất / Mất mọi thứ để nhân dân không mất (Phạm Tiến Duật, 1941-2007).”
Sau các buổi tọa đàm và giao lưu thơ, các nhà thơ hai nước đã có chuyến đi thực tế tại Busan, và Gyung-ju thăm các di tích lịch sử Hàn Quốc và các địa điểm nổi tiếng. Chương trình này đã tạo nên ấn tượng sâu sắc cho các nhà thơ hai nước và trong thời gian tới, họ sẽ tiếp tục cùng nhau thực hiện hợp tác giữa hai Hội nhằm đưa giao lưu văn học hai nước Việt Nam và Hàn Quốc phát triển bền vững.
13 nhà thơ Việt Nam tham dự sự kiện Giao lưu văn học quốc tế giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hiệp Hội thi nhân hiện đại Hàn Quốc:
Nguyễn Bình Phương
Lê Đăng Hoan
Phạm Quốc Ca
Lê Thanh My
Nguyễn Ánh Huỳnh
Nguyễn Thị Phước
Nguyễn Sĩ Đại
Đỗ Thị Tấc
Mai Văn Hoan
Phạm Xuân Trường
Nguyễn Ngọc Phú
Bình Nguyên
Thanh Kim