Giao mùa, nhiều bệnh cần đề phòng

Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa Covid-19 cũng giúp hạn chế nguy cơ mắc một số căn bệnh quen thuộc khác trong mùa nắng nóng

Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) những ngày gần đây luôn có khoảng mười mấy trẻ nằm điều trị bệnh tay chân miệng (TCM); còn tại BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), số bệnh nhi điều trị nội trú vì bệnh này hiện khoảng 9-10 em, chưa kể khá nhiều ca nhẹ hơn được cho theo dõi tại nhà.

Mùa của tay chân miệng, thủy đậu

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, từ tháng 3-6 là đợt cao điểm thứ nhất trong năm của bệnh TCM. Tuy bệnh này đã xuất hiện nhiều năm, trên 90% là nhẹ và tự khỏi sau 7-10 ngày nhưng vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng rất nhanh nên không được chủ quan. Có dấu hiệu nghi ngờ như: tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, sốt 1-2 bữa rồi hết nhưng nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở miệng... thì phải đi khám.

BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố, nhấn mạnh dù được cho điều trị ngoại trú, cần tái khám 1-2 ngày/lần trong suốt 8-10 ngày đầu của bệnh, có sốt thì phải tái khám hằng ngày. Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng như sốt cao; thở bất thường; quấy khóc liên tục; khó ngủ, ngủ li bì; giật mình, hốt hoảng, chới với; ngồi không vững hoặc đi loạng choạng; run tay, chân hoặc co giật; vã mồ hôi; nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú; yếu tay chân, da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái... thì phải đưa vào viện ngay, kể cả trong đêm.

Cô giáo hướng dẫn học sinh cách rửa tay sát khuẩn, mang khẩu trang phòng chống Covid-19, tại Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP HCM. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

Cô giáo hướng dẫn học sinh cách rửa tay sát khuẩn, mang khẩu trang phòng chống Covid-19, tại Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP HCM. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

Thủy đậu cũng là bệnh hay gặp trong mùa này, tuy nhiên có thể phòng cho trẻ bằng cách chích ngừa đầy đủ, nếu lỡ bị thì phải đi viện khám. Bệnh này thường nặng ở trẻ dưới 3 tháng tuổi và nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu vì có thể làm sẩy thai hay khiến thai nhi bị đục thủy tinh thể.

"Vì thế, phụ nữ dự định có con nên tiêm ngừa trước khi mang thai 1 tháng nếu chưa tiêm đủ 2 mũi trước đó. Nếu mẹ có kháng thể thì con ra đời cũng được bảo vệ cho đến 9 tháng tuổi" - BS Khanh cho biết.

TCM là bệnh lây qua đường tiêu hóa, thủy đậu là bệnh lây qua đường hô hấp nên các biện pháp phòng Covid-19 cơ bản như rửa tay, đeo khẩu trang có thể giúp giảm nguy cơ đối với các bệnh này.

Mùa nóng: Đừng để mất nước

BS Nguyễn Minh Tiến cho biết mùa hè cũng là mùa của một số bệnh hô hấp ở trẻ em, do thói quen dùng quạt, máy lạnh quá mức. Trẻ em có thể mệt mỏi, say nắng nếu chạy chơi quá lâu dưới trời nắng nóng. Biện pháp đơn giản để vừa chống mệt mỏi do mất nước vừa tăng khả năng chống lại các bệnh lây qua đường hô hấp là uống đủ nước, vì niêm mạc hô hấp bị khô thì mầm bệnh dễ tấn công.

Theo BS Trương Hữu Khanh, nhiều phụ huynh đã suy nghĩ sai lầm là kiêng tắm khi trẻ bị TCM hay thủy đậu. Trẻ bị 2 bệnh nói trên đều cần tắm rửa bình thường. Trẻ bị thủy đậu mà còn không vệ sinh cơ thể thì coi chừng nhiễm trùng các bóng nước.

BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Thống Nhất (TP HCM), cảnh báo người lớn tuổi, có bệnh nền cần cẩn thận với nắng hè. Mùa nắng nóng là giai đoạn các bệnh về tim mạch dễ trở chứng. Để phòng tránh, nên nhớ 3 điều cơ bản: cố gắng không đi lâu dưới trời nắng nóng, tránh để mất nước (thường xuyên uống nước), nhất là tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (từ phòng máy lạnh ra ngoài trời nóng, hay đang đi nắng về ngồi ngay trước quạt, máy lạnh hoặc tắm).

Khi bị say nắng mà biểu hiện là tăng nhịp tim, nhịp thở, hồi hộp, đánh trống ngực… thì cần vào mát nghỉ ngơi, uống bù nước ngay. Nếu say nắng nặng (mệt mỏi rã rời, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, khó thở, chuột rút…) thì cần nhờ trợ giúp của người xung quanh để được đưa đến cơ sở y tế.

Nóng ở TP HCM gây bỏng da

Ngày 5-3, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ cho biết TP HCM và nhiều tỉnh, thành lân cận đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm về nắng nóng. Dự báo 4-5 ngày tới, nhiệt độ ở mức 35-36 độ C. Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, thông tin đây chỉ là đợt đầu tiên nắng nóng diễn ra trong mùa khô năm nay. Dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều đợt nắng nóng "cao điểm" trong thời gian tới. Thời tiết nắng nóng và bức xạ nhiệt sẽ gây bỏng da, say nắng. Ngoài ra, tia cực tím tại TP HCM hiện vẫn đang ở ngưỡng cao nên người dân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng (nhất là vào buổi trưa). Đan xen những ngày nắng nóng sẽ là những cơn mưa trái mùa, gây hiện tượng sốc nhiệt, mưa kèm theo bụi bẩn rất nguy hiểm. L.Phong

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/giao-mua-nhieu-benh-can-de-phong-20210305213832383.htm