Giao quyền công nhận chức danh GS cho cơ sở giáo dục đại học: Nên hay không?

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, việc giao quyền công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho trường đại học cần thí điểm một cách rõ ràng.

Quy trình công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo đó, quy trình công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư gồm các bước đăng ký và nộp hồ sơ, thẩm định hồ sơ, xét công nhận đạt tiêu chuẩn tại Hội đồng giáo sư cơ sở; ngành, liên ngành và cuối cùng là Hội đồng giáo sư nhà nước. Sau khi được Hội đồng giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh, các cơ sở giáo dục mới được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Vừa qua, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cho phép thí điểm bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư và trợ lý giáo sư. Việc thí điểm này gắn liền với các chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển nhân tài, các nhà khoa học trẻ và nhà khoa học đầu ngành để phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu mới, phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Nên xem giáo sư, phó giáo sư như những vị trí việc làm trọng yếu của cơ sở giáo dục đại học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, việc giao quyền xét và công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các cơ sở giáo dục đại học có thể mang lại những lợi ích nhất định.

“Trước hết, việc này giúp các trường đại học chủ động hơn trong việc quản lý, phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và gia tăng tiềm lực khoa học và công nghệ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy nhận định.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, ở các nước như Mỹ, Úc, Singapore, việc xét, công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư do các cơ sở giáo dục quyết định dựa trên nhu cầu cụ thể về phát triển đội ngũ và theo mô tả vị trí việc làm. Điều này cho phép các trường linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu thực tế của họ và tăng cường sự tự chủ trong quản lý.

“Tôi cho rằng nếu xem chức danh giáo sư, phó giáo sư là những vị trí việc làm trọng yếu của trường đại học, thể hiện bộ mặt và uy tín học thuật của trường đại học, thì việc trao quyền tự chủ trong xét duyệt và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cho cơ sở giáo dục đại học là xu thế cần được xem xét.

Khi đã là vị trí việc làm của một cơ sở giáo dục đại học, thì các giáo sư, phó giáo sư sẽ được trao quyền tự chủ học thuật rất cao, đồng thời được giao thực hiện những nhiệm vụ giảng dạy, khoa học và công nghệ ở trình độ xuất sắc. Các giáo sư, phó giáo sư chính là lực lượng khoa học chủ chốt của trường đại học, đóng góp trực tiếp và đáng kể vào việc tạo lập tiềm lực khoa học và công nghệ của trường đại học.

Tất nhiên, khi đã được xem như những vị trí việc làm ở trường đại học, danh xưng giáo sư, phó giáo sư sẽ chỉ gắn liền với một cơ sở giáo dục đại học cụ thể và được công nhận trong phạm vi một cơ sở giáo dục đại học cụ thể.

Việc chủ động phát triển đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đồng nghĩa với việc cơ sở giáo dục đại học chủ động gia tăng tiềm lực khoa học và công nghệ (thông qua các kết quả nghiên cứu, công trình khoa học, sản phẩm chuyển giao do các nhà khoa học này thực hiện) và nâng cao chất lượng đào tạo (do có đội ngũ nhà giáo với năng lực sư phạm xuất sắc)”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy nêu quan điểm.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang nhận định, mỗi trường đại học sẽ có những tiêu chuẩn và yêu cầu khác nhau nên giao quyền công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các trường đại học có khả năng dẫn đến trường hợp không đảm bảo thống nhất về mặt chất lượng.

“Chẳng hạn như một người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư ở một trường đại học nhưng có thể sẽ không đảm bảo được hiệu quả công việc khi công tác ở một trường đại học khác. Các trường đại học khác nhau có thể áp dụng các tiêu chí và quy trình khác nhau, làm cho việc so sánh và đánh giá trở nên khó khăn. Điều này có thể gây ra sự không đồng nhất trong chất lượng và tiêu chuẩn của chức danh giáo sư và phó giáo sư.

Do đó, trước khi thực hiện, chúng ta cần có phương án rõ ràng và thống nhất giữa các hệ thống trường đại học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang bày tỏ.

Tăng cường tính chủ động nhưng cần có một lộ trình minh bạch và công bằng

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang, việc các trường đại học tự chủ trong việc công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư sẽ giúp nâng cao tính chủ động và linh hoạt trong quản lý nhân sự. Các cơ sở giáo dục có thể đánh giá các ứng viên dựa trên nhu cầu và tiêu chuẩn cụ thể của mình, thay vì phải tuân theo quy trình kéo dài và phức tạp của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Điều này có thể giúp rút ngắn thời gian xét duyệt và giảm bớt gánh nặng hành chính cho các ứng viên.

Cũng theo thầy Cang, khi các trường đại học có quyền tự chủ trong việc công nhận chức danh, họ sẽ có động lực lớn hơn để phát triển đội ngũ giảng viên. Việc tự chủ này có thể thúc đẩy các trường đại học xây dựng các chương trình đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao hơn, nhằm nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của mình.

Tuy nhiên, để tránh việc công nhận giáo sư, phó giáo sư diễn ra một cách ồ ạt, bão hòa, các trường đại học cần chuẩn bị đầy đủ trước khi thực hiện thí điểm, bao gồm: số lượng chỉ tiêu, tiêu chuẩn và bảo đảm quy trình xét duyệt minh bạch, công bằng.

“Đây cũng là một trong những lo ngại lớn nhất khi giao quyền công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các trường đại học. Nếu không có các cơ chế giám sát và kiểm tra chặt chẽ, có thể xảy ra tình trạng thiên vị, thiếu công bằng trong việc đánh giá các ứng viên. Điều này có thể dẫn đến sự giảm sút về chất lượng và uy tín của chức danh giáo sư và phó giáo sư”, thầy Cang nêu quan điểm.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy nhấn mạnh, việc giao quyền công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các cơ sở giáo dục đại học cần phải được thực hiện theo lộ trình rõ ràng. Nên thí điểm trước tại một số cơ sở giáo dục có uy tín để đảm bảo rằng quy trình và tiêu chí xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư được áp dụng đúng cách. Sau khi có kết quả từ các trường thí điểm, có thể mở rộng việc áp dụng cho những trường khác, đồng thời thực hiện điều chỉnh nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, việc giao quyền công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư cho các trường đại học cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Trước tiên, việc đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quy trình phong tặng chức danh là một vấn đề quan trọng để chọn ra người tài. Do đó, các cơ sở giáo dục cần phải có hệ thống thông tin và kiểm tra để đánh giá ứng viên một cách công bằng và chính xác.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục cũng cần đưa ra phương án cụ thể, rõ ràng để đảm bảo tính nhất quán về tiêu chuẩn, số lượng và yêu cầu về chất lượng.

“Nếu đảm bảo thực hiện tốt theo hướng trên thì việc giao quyền công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư cho các trường đại học sẽ là một bước đi cần thiết để cải cách quy trình quản lý và phong tặng chức danh trong ngành giáo dục.

Hơn nữa, việc thí điểm và thực hiện việc giao quyền công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng sẽ mở ra cơ hội mới cho các cơ sở giáo dục. Việc này có thể giúp các trường nâng cao tính tự chủ. Tuy nhiên, các trường đại học cần phải đảm bảo rằng mục tiêu cuối cùng là tìm được những ứng viên xuất sắc nhất, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu tại cơ sở cũng như cả nước”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy nhấn mạnh.

Cùng bàn về vấn đề này, một phó giáo sư ngành Giáo dục học, được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2023 cho rằng, yếu tố con người là quan trọng nhất trong bất kỳ quy trình xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư nào. Dù là hội đồng xét duyệt cấp nhà nước hay trao quyền cho các trường đại học, kết quả sẽ không khác nhau nếu quá trình này được thực hiện bởi những người trung thực, minh bạch và có tâm huyết với nghề.

Theo vị phó giáo sư này, vấn đề cốt lõi nằm ở việc chọn lựa đúng người và đảm bảo rằng quy trình xét duyệt luôn công bằng và minh bạch. Khi yếu tố con người được đảm bảo về mặt đạo đức và chuyên môn, việc trao quyền hay không trao quyền cho các trường đại học sẽ không phải là điều đáng lo ngại.

Tuy nhiên, nếu các yếu tố này không được thực hiện một cách nghiêm túc, dù có trao quyền hay không sẽ luôn có những rủi ro tiềm ẩn.

Một trong những rủi ro lớn nhất là nguy cơ thiếu minh bạch và công bằng trong quy trình xét duyệt. Khi quyền lực được trao về cho từng trường, có thể xuất hiện tình trạng “cả nể” hoặc “thiên vị” dẫn đến việc lựa chọn không dựa trên năng lực thực sự của ứng viên mà dựa trên mối quan hệ cá nhân hoặc áp lực từ các yếu tố bên ngoài. Từ đó, chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ giảm uy tín và chất lượng giáo dục tại các trường đại học cũng suy yếu dần.

Ngoài ra, theo phó giáo sư này, việc giao quyền công nhận chức danh cho từng trường có thể dẫn đến tình trạng lạm phát chức danh, khi mà số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận tăng lên nhanh chóng nhưng không đồng nghĩa với việc chất lượng cũng tăng theo. Điều này có thể gây ra tình trạng “tràn lan” chức danh, làm giảm giá trị và ý nghĩa của các chức danh này trong cộng đồng học thuật.

Hơn nữa, nếu không có quy định và giám sát chặt chẽ từ cấp nhà nước, các trường đại học có thể áp dụng các tiêu chí khác nhau trong việc công nhận chức danh, dẫn đến sự không đồng nhất trong tiêu chuẩn và chất lượng giữa các trường.

Thêm vào đó, việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư tại các trường đại học cũng đặt ra thách thức về khả năng duy trì chất lượng lâu dài. Nếu một cá nhân được công nhận chức danh tại một trường đại học nhưng sau đó chuyển sang một trường khác, liệu chức danh đó có còn giá trị hay không? Khi họ chuyển công tác, nếu quy trình công nhận không được thống nhất từ trước, việc đánh giá năng lực của các cá nhân sẽ càng trở nên khó khăn.

“Để việc giao quyền công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các trường đại học được thực hiện hiệu quả, cần có một lộ trình rõ ràng và cơ chế giám sát chặt chẽ. Đồng thời, cần có các cơ quan độc lập để giám sát và đảm bảo tính công bằng trong quy trình xét duyệt”, vị phó giáo sư ngành Giáo dục học nhấn mạnh.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-quyen-cong-nhan-chuc-danh-gs-cho-co-so-giao-duc-dai-hoc-nen-hay-khong-post245102.gd