Giáo sư đại học hàng đầu thế giới đọc gì trong mùa dịch?
Dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa hạ nhiệt. Cuốn sách mà những giáo sư nổi tiếng gợi ý giúp chúng ta có thêm cái nhìn mới về bệnh dịch và xu hướng thay đổi của xã hội.
Danh sách những cuốn sách này do CNBC thu thập từ các giáo sư đầu ngành của ĐH Harvard, ĐH Yale và ĐH Columbia, Mỹ.
Đây là 4 cuốn sách họ đã đọc trong thời gian tự cách ly do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Dịch hạch - Albert Camus
Cuốn sách về dịch hạch là một trong những cuốn nổi tiếng bậc nhất về chủ đề dịch bệnh. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nó nằm trong lựa chọn của nhiều giáo sư đầu ngành tại Mỹ thời điểm này.
Bill Hanage, Phó giáo sư dịch tễ học của Đại học Y tế Công cộng Harvard, Mỹ, chia sẻ với Harvard Gazette rằng cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1947 của Albert Camus đã ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của ông.
“Cuốn sách rất sinh động khi lột tả chân thực về thay đổi của một thành phố khi dịch bệnh đến và những gì xảy ra trong cách ly”, giáo sư Jenny Davidson của ĐH Columbia bày tỏ quan điểm về cuốn Dịch hạch khi trả lời phỏng vấn FiveBooks.
Nó cho thấy sự quan trọng của nhân tính và ý thức kết nối con người trong thời điểm bị đe dọa.
Dịch hạch của Albert Camus (NXB Dân Trí phát hành) xoay quanh nhóm người đàn ông cùng nhau chống dịch bệnh, trong đó, bác sĩ Bernard Rieux là người đứng đầu. Từ đây, chúng ta bắt gặp những trái tim dũng cảm, nỗi sợ hãi và cả toan tính, đắn đo khi cái chết cận kề.
Chủ nghĩa khắc kỷ - William B. Irvine
The Stoic Challenge (tựa Việt: Chủ nghĩa Khắc kỷ - Phong cách sống bản lĩnh và bình thản, NXB Công Thương, Thái Hà Books phát hành) của tác giả William B. Irvine. Đây là cuốn sách mà giáo sư tâm lý học của Đại học Yale - Laurie Santos - ưu tiên đọc trong mùa dịch này.
Yale News dẫn lời giáo sư Laurie Santos rằng cuốn sách giúp chúng ta suy nghĩ thấu đáo hơn trong thời điểm khó khăn của dịch Covid-19. Nó mang đến hy vọng về cuộc sống lạc quan và tốt đẹp hơn qua quan điểm khắc kỷ.
Tác giả, triết gia William B. Irvine sử dụng trí tuệ hàng thế kỷ để dạy chúng ta cách biến những thất bại bất ngờ thành cơ hội và bình tĩnh, kiên cường hơn.
Giáo sư Santos nhấn mạnh chúng ta hãy nhìn dịch bệnh như thách thức cần vượt qua, thay vì cuộc khủng hoảng phải chịu đựng.
A Jewish Refugee in New York - Kadia Molodovsky
Cuốn sách A Jewish Refugee in New York (tạm dịch: Một người tị nạn Do Thái ở New York của Kadia Molodovsky, Anita Norich dịch) xuất bản lần đầu năm 1941.
Câu chuyện xoay quanh phụ nữ Do Thái 20 tuổi đến New York, Mỹ, sau khi Đức Quốc xã chiếm Ba Lan - quê hương của cô. Cô phải học cách sống và thích nghi vùng đất mới.
Bà Katie Trumpener - giáo sư văn học của ĐH Yale, Mỹ - cho biết tác phẩm của nhà văn Kadia Molodovsky giúp bà giết thời gian trong lúc cách ly. Nữ giáo sư từng giành giải thưởng Rose Mary Crawshay và giải thưởng Berlin.
The Decameron - Boccaccio
Tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn Italy Boccaccio là lựa chọn của giáo sư Thiên văn học Vật lý ĐH Yale, bà Priyamvada Natarajan.
The Decameron (Tựa Việt: Mười ngày, NXB Văn học phát hành) là tuyển tập 100 câu chuyện của Italy thế kỷ XIV. Chúng được kể qua góc nhìn của 7 phụ nữ và 3 chàng kỵ sĩ trẻ trú ẩn trong biệt thự bên ngoài Florence để lánh nạn khỏi Cái chết đen (dịch bệnh năm 1348).
Mười ngày là một trong số tác phẩm quan trọng của văn học Phục Hưng. Thông qua màu sắc trào phúng, trữ tình, bi xen lẫn hài, hiện thực xen lẫn mộng ảo (mà tình yêu là sợi chỉ xuyên suốt phần lớn truyện), thiên truyện của Giovanni Boccaccio đã vẽ lên bức tranh với hàng nghìn nhân vật thuộc đủ tầng lớp xã hội.
Bà Natarajan đánh giá những câu chuyện trong Mười ngày đều rất tuyệt vời với một vài truyện bi thảm, số khác ngớ ngẩn hoặc tràn ngập phép thuật phù phiếm.