Giáo sư David L. Rogers: Chuyển đổi số là quá trình liên tục, gắn kết mọi cấp trong tổ chức
Giáo sư David L. Rogers - chuyên gia về chuyển đổi số - đã cho biết như vậy tại Hội thảo Quốc tế 'Digitalize to Revolutionize – Định hình bức tranh kinh tế tương lai', do MB tổ chức chiều 8/11.
Chia sẻ tại hội thảo, ông David L. Rogers – chuyên gia chuyển đổi số, giảng viên tại Trường Kinh doanh Columbia – cho hay, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi doanh nghiệp lâu năm để phát triển hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số.
Theo đó, bản chất cốt lõi của chuyển đổi số không đơn giản là chuyển đổi về mặt công nghệ. Quá trình này bao gồm cả việc thay đổi tư duy, áp dụng tư duy mới vào toàn hệ thống.
"Chuyển đổi số cũng không chỉ bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao, mà phải được thực hiện từ cấp thấp nhất và gắn kết mọi cấp trong tổ chức", ông nói.
Ông David L. Rogers - chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi kỹ thuật số, giảng viên tại Trường Kinh doanh Columbia
Ông David L. Rogers nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi số chắc chắn không dễ dàng. Qua khảo sát, có tới 70-80% chiến dịch chuyển đổi số của các doanh nghiệp đã không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Vị chuyên gia này đưa ra 5 rào cản chính đối với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bao gồm: Không có tầm nhìn chung; không có kỷ luật trong xác định ưu tiên; không có thói quen thử nghiệm, kiểm nghiệm; không linh hoạt trong cơ chế quản trị và không xây dựng nguồn nhân lực tương xứng.
“Chuyển đổi số phải là tổng hòa của hai yếu tố: Chiến lược và chuyển đổi tự thân trong tổ chức. Muốn thành công trong chuyển đổi số thì phải đặc biệt chú ý tới hai yếu tố này”, vị chuyên gia cho hay.
5 bước chuyển đổi số
Theo ông David L. Rogers, có 5 bước để chuyển đổi số thành công. Bước đầu tiên và cũng là tiên quyết là xác định tầm nhìn.
Vị chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng thì sự thay đổi có thể diễn ra dễ dàng hơn. Chẳng hạn, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giáo viên và học sinh chỉ mất 1 tuần để chuyển lớp học lên môi trường số.
Trường hợp không có khủng hoảng, vai trò của người đứng đầu trở nên nổi bật. Họ là những người xác định vị trí của tổ chức trong bối cảnh hiện tại và đưa ra tầm nhìn, triển vọng trong tương lai.
Bước thứ 2 là thiết lập ưu tiên, lựa chọn những vấn đề quan trọng nhất. Ông David L. Rogers cho biết, hầu hết các startup ởthung lũng Silicon đều theo đuổi chiến lược tìm ra vấn đề chứ không phải tìm giải pháp.
Toàn cảnh Hội thảo Quốc tế "Digitalize to Revolutionize – Định hình bức tranh kinh tế tương lai"
Bước thứ 3 là kiểm chứng các thử nghiệm mới. Theo đó, thay vì lập ra các kế hoạch theo mô hình truyền thống, các doanh nghiệp thành công đã không ngừng áp dụng các thử nghiệm mới trong quá trình chuyển đổi số, kiểm nghiệm và rút ra bài học.
Bước thứ 4 là quản trị, thay đổi cách thức làm việc. Đây cũng là thách thức lớn nhất đối với những doanh nghiệp lâu năm.
Theo ông David L. Rogers, chuyển đổi số phải bắt đầu một cách toàn diện, từ các cấp thấp nhất cho tới lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn và tổ chức.
Vị chuyên gia lấy ví dụ, doanh nghiệp có thể thiết lập những đội nhóm nhỏ đa chức năng. Mỗi người trong nhóm tập trung vào một thử nghiệm, có quyền tự chủ trong việc đưa ra quyết định, nhưng phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Bước cuối cùng trong lộ trình chuyển đổi số là phát triển năng lực, gồm 3 yếu tố cốt lõi là công nghệ, nhân tài và văn hóa số. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cần phải xác định giá trị cốt lõi, từ đó đề ra hướng đi hợp lý trong tương lai.
Về yếu tố công nghệ, ông David L. Rogers cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần tìm ra công nghệ số phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần kiếm những tài năng công nghệ, có thể M&A các công ty đang sở hữu những nhân sự có trình độ chuyên môn.
Cuối cùng, ông David L. Rogers nhấn mạnh, chuyển đổi số không phải là công nghệ, mà là kinh doanh và khách hàng.
Ngoài ra, chuyển đổi số không chỉ bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao, mà phải được thực hiện từ cấp thấp nhất và gắn kết từ mọi cấp trong tổ chức. "Chuyển đổi số không phải một dự án có ngày bắt đầu và kết thúc, mà là một quá trình liên tục", ông nói./.