Giáo sư Nhật vạch rõ lầm tưởng lớn sau vụ ông Abe bị ám sát

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe giữa thanh thiên bạch nhật đã khiến cả thế giới rung chuyển khi Nhật Bản được biết tới là quốc gia an toàn và có luật kiểm soát súng chặt chẽ.

Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản hôm 8/7 đã bị bắn khi đang tham gia chiến dịch vận động bầu cử cho một ứng viên của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) tại Hạ viện ở thành phố Nara. Ông đã qua đời không lâu sau đó tại bệnh viện, hai ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra.

Nghi phạm Yamagami Tetsuya đã lách luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ của Nhật Bản bằng cách tự chế tạo một khẩu súng. Cảnh sát cho biết khẩu súng dài 40 cm chắc chắn là vũ khí tự chế. Cảnh sát đã tịch thu một số vũ khí tương tự tại nhà của nghi phạm.

 Khẩu súng tự chế mà Nghi phạm Yamagami Tetsuya sử dụng trong vụ ám sát Cựu thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: AP.

Khẩu súng tự chế mà Nghi phạm Yamagami Tetsuya sử dụng trong vụ ám sát Cựu thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: AP.

Ông N.R. Jenzen-Jones, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Vũ khí, cho biết vũ khí Tetsuya sử dụng có thiết kế giống một loại súng hỏa mai với đạn và thuốc súng được nạp riêng biệt.

Động cơ cụ thể của nghi phạm cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Những vụ bạo lực súng đạn tại Nhật Bản gần như không tồn tại, với phần lớn người dân nước này chưa từng nhìn thấy hay sử dụng một khẩu súng thật trong cuộc đời. Dao là vũ khí chính trong phần lớn các vụ án mạng tại Nhật Bản.

Tuy các đại học lớn của Nhật Bản có câu lạc bộ bắn súng và lực lượng cảnh sát được vũ trang, vấn đề quyền sở hữu súng đạn đã không còn là mối quan tâm trong hàng thập kỷ. Ngay cả cảnh sát tại Nhật Bản cũng hiếm khi sử dụng súng.

Theo cảnh sát Nhật Bản, với dân số khoảng 125 triệu người, nước này chỉ có 10 vụ án có liên quan đến súng đạn trong năm 2021, khiến một người chết và 4 người khác bị thương. Trong số này có 8 vụ án có liên quan đến các băng đảng tội phạm.

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản cũng không ghi nhận bất kỳ vụ bạo lực súng đạn nào trong cùng thời kỳ, mặc dù 61 khẩu súng đã được thu giữ tại đây.

"Người dân Nhật Bản đang bị sốc vì vụ việc. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh với công chúng rằng bạo lực súng đạn có thể xảy ra tại Nhật Bản. Các biện pháp an ninh cho chính trị gia cần phải được đánh giá lại", giáo sư Shiro Kawamoto của Khoa Quản lý Rủi ro tại Đại học Nihon ở thủ đô Tokyo nói.

"Cho rằng một vụ ám sát như vậy sẽ không bao giờ xảy ra là sai lầm lớn", vị giáo sư nhấn mạnh.

Lực lượng an ninh cho các chính trị gia tại Nhật Bản thường khá mỏng, ngay cả với đội bảo vệ của các cựu thủ tướng.

Vụ tấn công có sử dụng súng được công chúng chú ý gần nhất của Nhật Bản xảy ra vào năm 2019, khi một thành viên băng đảng tội phạm bị bắn bên ngoài một quán karaoke ở Tokyo.

Theo luật của Nhật Bản, việc sở hữu và nhập khẩu súng là trái pháp luật nếu không có giấy phép đặc biệt. Quy định này cũng được áp dụng cho một số loại dao và cung nỏ.

Những người muốn sở hữu súng phải trải qua quá trình kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt, bao gồm có sự chứng nhận của bác sĩ và kê khai thông tin về các thành viên gia đình. Họ cũng phải vượt qua những bài kiểm tra nghiêm ngặt về kỹ năng sử dụng súng. Sau khi vượt qua bài kiểm tra, những người muốn sở hữu súng cũng phải mua những thiết bị khóa đặc biệt để bảo quản vũ khí.

Những người hoàn thành những yêu cầu trên chỉ được cấp giấy phép bắn các mục tiêu làm bằng sứ, trong khi hoạt động săn bắn yêu cầu một giấy phép đặc biệt khác.

Ngày rúng động của nước Nhật vì cái chết của ông Shinzo Abe Vụ ám sát một cựu thủ tướng có ảnh hưởng lớn như ông Shinzo Abe, và tại một đất nước với tỷ lệ bạo lực súng đạn thấp như Nhật Bản đã tạo nên một cơn "địa chấn" đối với người dân.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giao-su-nhat-vach-ro-lam-tuong-lon-sau-vu-ong-abe-bi-am-sat-post1334020.html