Giáo sư Thiệp đề xuất các thành viên nên có mặt ở Ban Chỉ đạo tự chủ đại học
Ban chỉ đạo tự chủ đại học cần phải có sự góp mặt của những từng tham gia quá trình tự chủ hóa đại học.
Về vấn đề tự chủ đại học, liên quan đến kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Chính phủ rằng, nên thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo là thường trực, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) ủng hộ với đề xuất “thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ đại học”.
“Tuy nhiên Ban chỉ đạo đó gồm những ai mới quan trọng”, Giáo sư Lâm Quang Thiệp đặt vấn đề.
Theo đề xuất của Giáo sư Lâm Quang Thiệp thì “Ban chỉ đạo đó cần phải có sự góp mặt của những từng tham gia quá trình tự chủ hóa đại học và họ đã có những kinh nghiệm cũng như vấp váp. Chứ nếu thành viên của Ban chỉ đạo thì đơn thuần những người ở Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không khác gì chưa có.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo đó rất cần có sự tham gia của đại diện các ban, bộ, ngành khác nhằm đồng bộ hóa các luật lệ vì hiện nay một trong những khó khăn của tự chủ là luật lệ, luật này chống luật kia”.
Được biết, một bước tiến lớn của tự chủ đại học là các trường đang thực hiện theo Nghị quyết 77 được thực hiện các quyền tự chủ theo luật mới và nhiều nội dung theo đề án đã được phê duyệt. Một số trường đã và đang lập đề án đăng ký thực hiện tự chủ và tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên.
Tại hội thảo VEC 2020, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thông tin, từ năm 2014, đã có 23 cơ sở giáo dục đại học bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77. Đến nay hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Một số chỉ số hoạt động của 23 cơ sở này: Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng gần 10%; tỉ lệ tuyển được trong tuyển sinh đại học/chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%; số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% chương trình đào tạo được kiểm định của toàn quốc; số công bố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần; tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần (mặc dù ngân sách nhà nước cấp giảm 2,1 lần); có 4 trường lọt vào bảng xếp hạng QS Asia 2021.
Lý do mà giờ đây chúng ta sốt ruột thực hiện tự chủ đại học?
Nhìn nhận từ thực tế đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn kiến nghị: Quốc hội quan tâm sửa đổi, bổ sung các luật, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ cho tự chủ đại học.
Về phía Chính phủ, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn để đồng bộ với Luật 34 và Nghị định 99, chẳng hạn như: cơ chế tài chính, đặt hàng đào tạo, khoa học và công nghệ, quản lý tài sản công, tuyển dụng người nước ngoài.
Ngoài ra, tăng tỉ trọng đầu tư ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học. Thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo là thường trực. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan quản lý trực tiếp hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc sớm thành lập, kiện toàn hội đồng trường và các vị trí lãnh đạo chủ chốt theo quy định của Luật số 34 và Nghị định 99.
Đối với cơ sở giáo dục đại học, cần nâng cao năng lực quản lý và hiểu biết pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý. Hoàn thiện hệ thống văn bản, quy chế nội bộ, phân cấp mạnh tới các đơn vị chuyên môn. Nhanh chóng hoàn thiện tổ chức bộ máy (hội đồng trường, ban giám hiệu). Tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ cơ sở trong mọi hoạt động. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện tự chủ trong giai đoạn tới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh xây dựng, ban hành các quy chế, quy định, cẩm nang hướng dẫn. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý giáo dục đại học. Hỗ trợ nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học qua các đề án, dự án.
Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, giám sát và quản lý chất lượng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đổi mới và tự chủ đại học và thành lập Ban chỉ đạo triển khai tự chủ đại học.