Giao thông bứt tốc
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư 11 dự án hạ tầng giao thông với tổng số vốn gần 6.800 tỷ đồng, trong đó các tuyến có tính chất liên kết vùng, lan tỏa lớn sẽ đưa vào sử dụng từ quý II/2025, các dự án còn lại đang được khẩn trương triển khai. Qua đó góp phần hiện thực hóa chủ trương lấy 'giao thông làm khâu đột phá', tạo không gian, dư địa phát triển mới cho giai đoạn tăng tốc, bứt phá để Thái Nguyên phát triển nhanh, mạnh, bền vững.

Nhà thầu thực hiện công đoạn san lấp nền đường Dự án đường kết nối ĐT.265 xã Bình Long, huyện Võ Nhai đi Bắc Giang. Ảnh: Vũ Công
Triển khai nhiều dự án trọng điểm
Đưa chúng tôi đến khu vực tiếp giáp với xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, điểm đầu của Quốc lộ (QL) 37- tiếp giáp với xã Bình Long, huyện Võ Nhai mà tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành tuyến đường chờ kết nối với đoạn Thái Nguyên đang thi công, anh Phạm Ngọc Toản, Trưởng xóm Chùa Bứa, phấn khởi nói: Tuyến đường được khởi công không chỉ đáp ứng sự mong đợi của nhân dân trong xã mà cả khu vực. Rào cản lớn nhất về giao thông nay đã được cấp trên quan tâm, tháo gỡ.
Ông Trần Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Bình Long, cho biết: Tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần tăng cường tính kết nối giao thông giữa tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang nói chung, kết nối giữa huyện Võ Nhai và Yên Thế nói riêng; thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khoảng 400 công nhân của xã đi làm tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh và TP. Phổ Yên cũng sẽ thuận tiện hơn.
Dự án đường kết nối ĐT.265 xã Bình Long, huyện Võ Nhai đi Bắc Giang do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, Dự án hoàn thành trong quý IV/2025. Tổng diện tích phải GPMB là 18,7ha, đến nay đã giải phóng được gần 3,6ha; giá trị giải ngân trên giá trị vốn được cấp là 47/47 tỷ đồng, đạt 100%.
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh Thái Nguyên đầu tư 11 dự án hạ tầng giao thông với tổng số vốn gần 6.800 tỷ đồng. Điều đó cho thấy mặc dù trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, nhưng lãnh đạo tỉnh đã đặt quyết tâm lớn nhằm tận dụng thời cơ, tạo không gian, dư địa phát triển mới cho giai đoạn tăng tốc, bứt phá của địa phương trong những năm tới.

Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc đang được gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Tạo sự liên kết, kết nối với các tỉnh
Bước sang năm 2025 - Năm tăng tốc và về đích để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Xây dựng đã tích cực tham mưu cho tỉnh làm việc với các bộ, ban, ngành liên quan để đề xuất các dự án trọng điểm về giao thông, như: Nâng cấp hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên từ 4 lên 6 làn xe; Đầu tư tuyến đường kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Lạng Sơn (thay thế Quốc lộ 1B); Tuyến đường kết nối, liên kết tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang.
Ngay trong những ngày đầu năm nay, lãnh đạo 2 Sở Xây dựng Thái Nguyên và Tuyên Quang đã có chương trình làm việc đi đến thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết, kết nối 2 tỉnh (đoạn từ Km11+500, ĐT.261 đến giáp ranh địa phận tỉnh Tuyên Quang) để kết nối với tuyến đường Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái.
Tuyến đường liên kết, kết nối tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang dự kiến được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cấp II, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ; bề rộng nền đường 22,5m. Tuyến sẽ tiếp nối Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc tại xã Ký Phú, huyện Đại Từ (Km11+500, tuyến ĐT.261) và kết thúc tại khu vực đèo Khế giáp ranh hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên.
Sau chương trình làm việc này, lãnh đạo 2 Sở Xây dựng đã báo cáo Tỉnh ủy, UBND 2 tỉnh, thống nhất phương án, vị trí kết nối và đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để triển khai dự án.
Việc đầu tư dự án không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang mà còn góp phần tăng cường liên kết vùng, giảm thời gian di chuyển cả hai chiều theo hướng Tuyên Quang về Thái Nguyên đi các tỉnh Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh...
Cùng với hoàn thiện tuyến đường kết nối giữa Thái Nguyên và Tuyên Quang, tại cuộc kiểm tra các dự án trọng điểm ngành giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) nghiên cứu bổ sung tuyến cao tốc Lạng Sơn - Thái Nguyên để triển khai trong giai đoạn 2026-2030. Đây là cơ sở để Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực làm mới các động lực tăng trưởng cũ, thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ Logistic…
Ngay sau khi có thông báo của Thủ tướng Chính phủ, trung tuần tháng 2 vừa qua tại huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), Sở Giao thông Vận tải 2 tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn có buổi làm việc để thống nhất các nội dung tham mưu triển khai dự án đường liên kết, kết nối Lạng Sơn - Thái Nguyên, thay thế Quốc lộ 1B cũ.
Theo đó, 2 bên thống nhất tham mưu đề xuất đầu tư đường Lạng Sơn - Thái Nguyên mới dài khoảng 70km theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế tối thiểu 80km/giờ. Tuyến đường dự kiến có điểm đầu (Km0) thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên. Vị trí khớp nối dự án giữa 2 tỉnh thuộc xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn và xã Phương Giao, huyện Võ Nhai.
Hiện nay, tuyến Quốc lộ 1B nối Thái Nguyên - Lạng Sơn có tổng chiều dài 145km. Tuyến đường có quy mô cấp IV miền núi, 2 làn xe, khó có khả năng nâng cấp, mở rộng, tốc độ di chuyển thấp. Dự án tuyến cao tốc nối 2 tỉnh Thái Nguyên - Lạng Sơn được đầu tư sẽ hình thành trục giao thông chính kết nối liên vùng Tây Bắc và Đông Bắc, từng bước hoàn thiện trục giao thông quan trọng liên kết vùng theo hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối từ cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn với các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La...
Thực tế cho thấy, điều kiện hạ tầng giao thông thuận lợi, cùng các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, minh bạch đã đưa Thái Nguyên thành điểm sáng của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Việc phát triển các tuyến giao thông trọng điểm thể hiện tầm nhìn xa của Thái Nguyên trong chính sách thu hút đầu tư giai đoạn tới, giúp tỉnh nhanh chóng đạt được các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/202505/giao-thong-but-toc-6940551/