Giao thông còn nhiều bất cập

Dù mạng lưới giao thông Việt Nam phát triển mạnh thời gian qua nhưng còn nhiều hạn chế nên đang đối diện với tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông

Sáng 28-9, Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cùng Văn phòng Quốc hội phối hợp Quỹ Hanns Seidel Foundation tổ chức diễn đàn "Giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp". Tại diễn đàn, các đại biểu đã nhìn nhận lại thành tựu và thực trạng đáng quan ngại của giao thông Việt Nam.

Khó kiểm soát xe cá nhân

Theo ông Nguyễn Chí Kiên, đại diện Ngân hàng Thế giới, đánh giá việc mở rộng đường bộ với sự hình thành các tuyến đường cao tốc đã cải thiện đáng kể khả năng kết nối giao thông và tạo điều kiện cho giao lưu thương mại, tạo sự tăng trưởng ấn tượng cho kinh tế Việt Nam. Cụ thể, trong 15 năm qua, sự phát triển của ngành giao thông vận tải (trong đó giao thông đường bộ hiện chiếm tỉ trọng 78%) đã đóng góp 245,2 tỉ USD vào GDP (thống kê năm 2018), gấp 5,44 lần so với năm 2004.

Tuy nhiên, giao thông Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn, thử thách do còn nhiều hạn chế. Mật độ đường bộ rất thấp khi quốc lộ chỉ đạt 0,075 km/km, cao tốc chỉ đạt 0,0028 km/km, từ đó dẫn đến tắc nghẽn giao thông trên các tuyến vành đai, cửa ngõ. Bên cạnh đó, thiếu ngân sách bảo trì thường xuyên, chỉ đáp ứng được 50% cho quốc lộ và 40% cho tỉnh lộ khiến chất lượng công trình giao thông xuống cấp nhanh chóng.

Phương tiện cá nhân phát triển nhanh, khó kiểm soát, đặc biệt là xe máy cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giao thông. Chỉ riêng năm 2019, số lượng xe máy bán ra đã lên đến 3,3 triệu chiếc. Trong khi đó, doanh số bán ra ôtô cũng lên đến 322.322 chiếc, tăng 11,7% so với năm 2018. Điều này khiến việc kiểm soát các vi phạm giao thông, tắc nghẽn đường bộ ngày càng khó khăn.

PGS-TS Phạm Thị Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Môi trường và Giao thông (Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM), còn chỉ ra hoạt động giao thông tạo ra phát thải cho hầu hết các chất ô nhiễm không khí. Ở TP HCM, giao thông chiếm 99% phát thải khí CO/CO2, NOX 93%, SO2 78%. Tương tự, Hà Nội lọt vào danh sách 10 TP ô nhiễm không khí trên thế giới.

Ùn tắc giao thông - vấn đề nan giải của giao thông Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ùn tắc giao thông - vấn đề nan giải của giao thông Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông

PGS-TS Nguyễn Quốc Hiển, đại diện Văn phòng Quốc hội, cho rằng các trục giao thông huyết mạch là trục hành lang phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Các trục giao thông này quy hoạch tốt sẽ giúp khai phá những vùng đất mới, biến các vùng đất hoang thành khu công nghiệp, đô thị…

Việc quy hoạch cần tôn trọng theo trục kết nối theo nguyên tắc: suối đổ ra sông, sông đổ ra biển và phải xem trọng tính "an toàn". "Một trong những điểm yếu của giao thông Việt Nam là việc kết nối các tuyến đường khác cấp với nhau như quốc lộ và tỉnh lộ, thậm chí liên xã. Điều này gây mất an toàn giao thông, tốc độ di chuyển sẽ bị chậm lại khi gặp các nút giao này" - ông Hiển nhận xét.

TS Phan Lê Bình (Trường ĐH Việt Nhật - thành viên ĐHQG Hà Nội) cho rằng Việt Nam cũng cần ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) để tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng trong hệ thống đường bộ. ITS đã được áp dụng ở Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… nhằm thanh toán phí cầu đường, xăng dầu, đỗ xe. Việt Nam cũng đang áp dụng việc thu phí không dừng (ETC, một phần của ITS) nhưng phải có tính thống nhất, thông suốt và tuyệt đối không áp dụng nhiều loại công nghệ trên các đoạn đường khác nhau.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành cho rằng để bảo đảm an toàn đường bộ cần ứng dụng chương trình đánh giá đường bộ quốc tế (iRAP), dữ liệu an toàn đường bộ, đài quan sát an toàn đường bộ quốc gia (NRSO), sử dụng bê-tông tính năng siêu cao trong xây dựng đường bộ... Để thực hiện các giải pháp đó, cần có những cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ để hỗ trợ thể chế và tài chính.

Lãng phí do quy hoạch giao thông thiếu đồng bộ

Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, giao thông phải gắn với quy hoạch sử dụng đất như con gà - quả trứng, giao thông đi trước và có các quy định về đánh giá việc kết nối, tích hợp để bảo đảm tính hiệu quả. Các khu đô thị, khu công nghiệp tạo nhu cầu giao thông và ngược lại giao thông tạo sức hút cho đất đai khu vực xung quanh.

Ông Hiển nêu ví dụ do thiếu đồng bộ giao thông nên cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) không phát huy hết công suất. Hay ở tỉnh Bình Dương, TP mới Bình Dương vẫn thưa thớt sau 10 năm vì thiếu kết nối, từ đó dẫn đến sự lãng phí lớn về nguồn lực.

KỲ NAM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giao-thong-con-nhieu-bat-cap-20200928222448373.htm