Giao thông công cộng tại Pháp tiếp tục đình trệ ngày thứ 5 liên tiếp

Các nghiệp đoàn dường như không có thiện chí thỏa hiệp với chính phủ, dự kiến một cuộc biểu tình lớn khác sẽ tiếp tục được tiến hành tại thủ đô Paris và một số thành phố.

Giao thông công cộng tại Pháp tiếp tục tê liệt ngày thứ 5 liên tiếp do cuộc đình công quy mô lớn của các nghiệp đoàn nhằm phản đối kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu của chính phủ, một trong những chính sách cải cách tham vọng nhất của Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi lên nắm quyền.

Trong ngày 9/12, hầu hết các tuyến tàu điện ngầm ở thủ đô Paris buộc phải ngừng hoạt động hoàn toàn, dẫn tới tắc đường nghiêm trọng và tình trạng này tiếp diễn trong ngày 10/12.

Chỉ 1 trong 5 tàu cao tốc TGV còn hoạt động, trong khi hãng hàng không Air France thông báo hủy 25% số chuyến bay nội địa trong ngày 10/12 và 10% số chuyến bay quốc tế.

Một số bảo tàng ở Paris cũng buộc phải đóng cửa một phần và cả hai nhà hát opera phải hủy các buổi trình diễn.

Sau cuộc biểu tình đầu tiên vào ngày 5/12 khi huy động có tới 800.000 người Pháp xuống đường tuần hành, các tổ chức công đoàn Pháp đã kêu gọi người lao động tiếp tục đình công trong cả cuối tuần qua cho đến đầu tuần này, trước khi Chính phủ Pháp chính thức công bố kế hoạch cải cách chi tiết vào ngày 11/12.

Trong ngày 9/12, Ủy viên cấp cao đặc trách vấn đề hưu trí của Chính phủ Pháp Jean-Paul Delevoye đã có cuộc gặp với lãnh đạo các nghiệp đoàn nhằm nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, các nghiệp đoàn dường như không có thiện chí thỏa hiệp và tuyên bố tiếp tục đấu tranh phản đối cải cách chế độ hưu trí.

Dự kiến, một cuộc biểu tình lớn khác sẽ được tiến hành tại Paris và các thành phố khác trong ngày 10/12, với sự tham gia các giáo viên và người lao động trong các ngành khác, cùng các nhân viên ngành giao thông.

Với Tổng thống Macron, kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu này có vai trò quan trọng, định hình cho nửa nhiệm kỳ còn lại của ông với những biện pháp cải cách khó khăn hơn trong đó có việc điều chỉnh trợ cấp lương hưu.

Tuy nhiên, các nghiệp đoàn lập luận rằng chế độ lương hưu chung sẽ đòi hỏi hàng triệu người lao động trong cả lĩnh vực công và tư nhân phải làm việc lâu hơn hoặc đối mặt với việc bị giảm lương hưu.

Nhiều công nhân viên lại cho rằng cải cách trên tước đi các quyền lợi đặc biệt dành cho họ lâu nay.

Vài tháng trước, giới chức Pháp cũng từng phải đối mặt làn sóng biểu tình của phong trào Áo vàng phản đối tăng giá nhiên liệu. Các cuộc biểu tình đã dẫn tới nhiều cuộc bạo loạn ảnh hưởng đến hình ảnh của nước Pháp trên thế giới./.

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/giao-thong-cong-cong-tai-phap-tiep-tuc-dinh-tre-ngay-thu-5-lien-tiep/612343.vnp