Giao thông đường thủy tìm hướng đi mới
Có tiềm năng to lớn với mạng lưới 1.000km sông ngòi, kênh rạch nhưng những năm qua, mạng lưới giao thông đường thủy ở TPHCM chưa phát triển đúng với kỳ vọng.
Dù có phà sông, phà biển, buýt đường sông, tàu cao tốc… nhưng thực tế, đường thủy chưa chiếm tỷ lệ đủ lớn phục vụ nhu cầu ngày càng cao của hành khách tham gia giao thông. Vì thế, mở ra các hướng đi mới, đặc biệt là mạng lưới giao thông kết nối với các địa phương khác, trong đó giao thông kết hợp du lịch là hướng đi đúng của TPHCM.
Thực tế, giao thông đường thủy kết hợp với du lịch ở TPHCM thời gian qua đã có một số tín hiệu khả quan. Tiêu biểu nhất là tuyến buýt đường sông số 1 từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi TP Thủ Đức. Theo kế hoạch ban đầu, khi vận hành vào năm 2017, tuyến buýt đường sông có 12 bến đỗ nằm ở TP Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 1… sẽ giúp người dân di chuyển từ TP Thủ Đức (khu vực bán đảo Thanh Đa) lên trung tâm quận 1 dễ dàng và kết hợp với du lịch ngắm cảnh đường sông. Đến nay, sau nhiều năm vận hành khai thác, mục đích thay thế một phần đường bộ ở cung đường trên đã không đạt được kỳ vọng. Người dân ở khu vực Thanh Đa, TP Thủ Đức không sử dụng buýt đường sông để di chuyển lên quận 1 (và ngược lại) dù trục đường bộ ở 2 địa điểm này thường xuyên ùn tắc, quá tải. Tuy nhiên, mục đích du lịch ngắm cảnh đường sông của tuyến buýt số 1 lại vượt kỳ vọng, trở thành địa điểm du lịch được nhiều người dân, du khách lựa chọn. Với chi phí rẻ (mức giá dành cho phương tiện công cộng) và nằm ở trung tâm quận 1, buýt đường sông thường chỉ đón và trả khách ở khu vực bến Bạch Đằng, nơi được quy hoạch làm trung tâm giao thông, du lịch đường thủy ở TPHCM. Ngoài ra, các tuyến đường thủy khác từ khu vực trung tâm quận 1 đi Củ Chi, Bình Dương cũng được một số hãng lữ hành đang khai thác rất hiệu quả vì lợi thế đặc trưng.
Nắm bắt được nhu cầu sử dụng phương tiện đường thủy để du lịch, TPHCM đang tìm cách mở rộng mạng lưới với nhiều tuyến đường thủy đi các tỉnh khác. Ông Đặng Ngô Quá Hải - Phó phòng Quản lý giao thông đường thủy (thuộc Sở GTVT TPHCM) cho biết, đang đẩy mạnh liên kết giao thông đường thủy từ TPHCM tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Tiền Giang. Theo ông Hải, việc kết nối đường thủy từ TPHCM đi TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) không chỉ giúp du khách dễ dàng di chuyển từ TPHCM tới TP Mỹ Tho (và ngược lại) mà TP Mỹ Tho còn là địa điểm trung chuyển của nhiều du thuyền lớn chở khách quốc tế sang Campuchia (do di chuyển dọc tuyến sông Mekong). Việc mở tuyến tàu cao tốc từ TPHCM đi TP Mỹ Tho và TP Bến Tre với lộ trình dài 120km, di chuyển trong gần 2 giờ đồng hồ có lợi thế hơn rất nhiều so với đường bộ, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của người dân.
Ngoài 2 tuyến đường thủy trên, một tuyến giao thông đường thủy quan trọng khác cũng nhận được nhiều kỳ vọng và chuẩn bị đưa vào khai thác là tuyến từ TPHCM đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Với chiều dài 230km, hiện nay hành khách di chuyển trên tuyến đường thủy trên phải dừng lại ở TP Vũng Tàu (chuyển phương tiện khác) khiến việc đi lại khó khăn. Hiện nay, nhu cầu di chuyển từ TPHCM đi Côn Đảo khá nhiều và việc phải đi 2 tuyến ghép lại khiến cho nhu cầu du khách, người dân bị giảm hoặc chuyển sang phương tiện khác.
Với đặc thù khác giao thông đường bộ, đường thủy ở TPHCM hiện đang được đầu tư, lên kế hoạch và định hướng phát triển gắn chặt với dịch vụ du lịch. Nghĩa là, phương tiện đường thủy không chỉ là vận tải mà kết hợp chặt chẽ với du lịch, gắn kết các địa điểm du lịch để tạo hướng đi mới, mang đến những trải nghiệm “kép” cho hành khách.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giao-thong-duong-thuy-tim-huong-di-moi-10268783.html