Giao thông hàng hóa mùa dịch, khởi sắc kinh tế vùng biển

Ngay tại thời điểm này, tình hình dịch Covid đang diễn biến vô cùng phức tạp, nhiều địa phương đã thực hiện việc phong tỏa, giản cách xã hội. Tuy nhiên, khác với năm Covid trước, khi phong tỏa, giản cách không chỉ cấm người qua lại giữa các vùng, mà hàng hóa cũng không được lưu thông.

Giao thông hàng hóa mùa dịch

 Chủ tịch thị xã La Gi thăm chốt cảng cá.

Chủ tịch thị xã La Gi thăm chốt cảng cá.

Bởi thế, sản phẩm của địa phương nào làm ra chỉ cung ứng cho chính địa phương đó nên xảy ra tình trạng nơi ăn không hết, nơi phải đổ đi hoặc để thối rửa ngoài đồng, nơi lại khan hiếm không có hàng để mua. Tình trạng này, đã đẩy người lao động vào cảnh khốn khó.

Còn nhớ, vào mùa Covid năm trước chợ cá La Gi, khu chợ lớn nhất chuyên cung cấp các mặt hàng hải sản tươi sống trở nên đìu hưu, cá, mực được đánh bắt lên mang ra chợ bán nhưng người bán nhiều hơn người mua. Đã thế, giá bán cũng rẻ như cho (1 ký cá trích 7-10 ngàn đồng/ký; cá thu nguyên con 90-100 ngàn/ký; cá bớp 120 ngàn/ký…) nhưng vẫn rất khó bán.

Một số ngư dân than phiền đi đánh bắt vất vả nhưng giá bán lại quá rẻ. Bởi thế, nhiều ngư dân không muốn đi biển vì tiền bán cá đôi khi chưa bằng tiền phí tổn. Trở lại Cảng ca La Gi lần này cũng vào mùa dịch Covid đang diễn biến khác thường, tuy nhiên cái không khí ảm đạm, đìu hưu của mùa Covid năm ngoái không còn nữa.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Bình Thuận và của Ủy ban nhân dân thị xã La Gi, ghe tàu ở vùng biển khác được phép cập bến cảng La Gi nhưng phải thực hiện nghiêm túc việc phòng chống Covid. Cũng như, các xe khách trong thị xã tạm thời không lưu thông vào vùng dịch nhưng xe hàng lại được phép qua lại vùng dịch cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng với điều kiện phụ xe và lái xe phải có giấy xét nghiệm Covid trong vòng 72 giờ.

Nhờ sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời như thế dù đang trong thời gian toàn xã hội căng mình phòng chống dịch thì kinh tế của ngư dân vùng biển ở La Gi cũng ít bị ảnh hưởng.

Dưới cảng, nhiều ghe thuyền cập bến, ngư dân lên tàu sau khi khai báo y tế, đo thân nhiệt là trở lại tàu để bán hải sản. Hàng chục xe ô tô, công ten nơ ra vào để bốc hàng chở đi. Một nhân viên y tế tại chốt phòng chống dịch Cảng cá cho chúng tôi biết có ngày chốt phải thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế cho khoảng 200 ngư dân cập bến.

Được biết, khá nhiều ghe tàu từ khắp nơi như đảo Phú Quý, Hoàng Sa, Kiên Giang, Vũng Tàu… ghé vào Cảng để bán hải sản và mua tổn xuống tàu.

Hàng ngày, có hàng chục chuyến xe thu mua hải sản để tỏa đi muôn nơi như lên Tây Nguyên rồi đi vùng Đông Nam Bộ mà đặc biệt là đến 3 chợ đầu mối lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.

Mùa này, biển Bình Thuận đang vào mùa cá cơm. Những ghe thuyền đi biển trong ngày cập bến có khi mang về hàng chục tấn cá cơm tươi rói. Những tàu đánh bắt xa bờ thường có nhiều loại cá ngon như cá chim, cá bớp, cá bã trầu... Do hàng bán chạy nên giá cá vẫn ổn định như những ngày bình thường.

Gặp những người ngư dân vừa rời tàu, dù vẫn còn vương những nét mệt mỏi sau một chuyến đi dài vì thức ngủ nhưng với ánh nhìn vui tươi, những điệu cười giòn tan, sảng khoái cũng đủ biết họ đang vui với chuyến biển thế nào.

Chị Hoa ở phường Phước Hội chia sẻ: “Nhờ năm nay, không phong tỏa hàng hóa nên ghe nhà vẫn đi đánh cá cơm. Có ngày ghe vào bán cũng được vài chục triệu sau khi trừ tổn, chia cho bạn hàng người cũng có được vài triệu nên đỡ khổ”.

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân, cho người dân vùng biển nhưng vẫn thực hiện đúng tinh thần vừa chống dịch, vừa lao động sản xuất chốt kiểm dịch Cảng cá đã được huy động nhiều lực lượng trợ giúp như biên phòng, kiểm ngư, quản lý cảng và y tế.

Nhờ thế, việc giao thông hàng hóa ở thị xã với nhiều địa phương diễn ra bình thường Điều này, đã góp phần ổn định kinh tế của người dân vùng biển quê tôi.

Phan Tuyết

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/giao-thong-hang-hoa-mua-dich-khoi-sac-kinh-te-vung-bien-138975.html