Giao thông kết nối, động lực phát triển
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá của Trung ương và của tỉnh; chú trọng đột phá về cơ sở hạ tầng, trong đó giao thông là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Với “giao thông đi trước một bước” là tiền đề vững chắc góp phần để đạt mục tiêu phấn đấu đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh
Những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt những kết quả khả quan. 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế của tỉnh tiếp tục khởi sắc, một số chỉ tiêu kinh tế đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung của cả nước. Trước yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông trong tình hình mới, ngay từ những ngày đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Sở Giao thông vận tải (GTVT) luôn xác định việc xây dựng quy hoạch tổng thể giao thông vận tải có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở để tỉnh chỉ đạo phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, toàn diện, từng bước hiện đại và bền vững, bảo đảm sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải; gắn kết giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đánh dấu sự nỗ lực cao, tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của ngành GTVT; hệ thống kết cấu giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư tạo thành một mạng lưới giao thông khá bền vững, liên hoàn và phát triển, góp phần đưa Hưng Yên thay đổi diện mạo mới, vị thế mới. Điển hình như: Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án xây dựng tuyến đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục ngang kết nối QL.39 với ĐT.376… Cùng với đó, nhiều dự án quan trọng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư như: Dự án xây dựng ĐT.382B đoạn từ Km0 đến Km14+420; Dự án ĐT.387 kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Dự án nâng cấp cải tạo ĐT.380 đoạn từ Km0 đến Km2+800 kết nối với tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, Sở GTVT tích cực tham mưu, trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ trương đầu tư các tuyến trục ngang, trục dọc vùng phía Đông, Tây của tỉnh để khai thác hiệu quả quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: Dự án Đường kết nối di sản du lịch, phát triển kinh tế dọc sông Hồng, Dự án xây dựng đường Tân Phúc - Võng Phan (giao cắt với ĐT.378) kết nối cầu La Tiến. Dự án xây dựng đường Chí Tân - Toàn Thắng (QL.39); Dự án xây dựng các cảng du lịch La Tiến, Bình Minh, Yên Lệnh... Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hạ tầng giao thông của tỉnh từng bước được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại. Đến nay, tổng chiều dài mạng lưới đường bộ trong toàn tỉnh đạt trên 6,1 nghìn km. Trong đó, đường cao tốc có chiều dài 26,55km; quốc lộ có tổng chiều dài 118,01km, các tuyến đường tỉnh có tổng chiều dài 390km, các tuyến đường huyện có tổng chiều dài 468,08km, đường đô thị trên 115km… Giao thông thuận lợi đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đầu tư vào địa bàn như: Hòa Phát, Viglacera, Vingroup, TOTO, Kyocera… Các tập đoàn kinh tế lớn này đã mở ra một khu vực kinh tế năng động, tạo nên diện mạo mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương, từ đó làm gia tăng giá trị sản xuất, tăng thu ngân sách nhà nước và tạo nhiều việc làm cho người dân.
Bám sát các mục tiêu trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, ngành GTVT tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, các công trình trọng điểm, cấp bách có tính lan tỏa, kết nối vùng miền, tạo động lực, điểm nhấn, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các khu vực phát triển kinh tế, các đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu với tỉnh những chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình theo đúng quy trình kỹ thuật; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.
TRẦN MINH HẢIGiám đốc Sở Giao thông vận tải
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202209/giao-thong-ket-noi-dong-luc-phat-trien-64023ca/