'Giao thông là mạch máu' và tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ

Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến GTVT. Theo Người: 'Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ'.

Tư tưởng đó của Bác Hồ không chỉ có ý nghĩa lý luận, giá trị lịch sử mà còn là tầm nhìn chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, phát triển GTVT sau này.

"Giao thông tốt thì các việc dễ dàng"

Ngày 5/6/1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Trên hành trình ấy, Người hiểu rõ vai trò quan trọng của GTVT khi tiếp xúc trực tiếp với đường biển, đường sắt, đường bộ xuyên lục địa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đại biểu có thành tích xuất sắc tại Đại hội Thi đua đảm bảo GTVT quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược năm 1966.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đại biểu có thành tích xuất sắc tại Đại hội Thi đua đảm bảo GTVT quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược năm 1966.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: "Cầu đường là mạch máu của một nước". Người chỉ rõ: "Cầu đường thì có lợi cho kinh tế, hàng hóa dễ lưu thông, sinh hoạt đỡ đắt đỏ, nhân dân khỏi thiếu thốn". Còn đối với quân sự, "bộ đội ta vận chuyển nhanh, đánh thắng nhiều".

Trong suốt thời gian lãnh đạo công cuộc kháng chiến, bảo vệ và xây dựng đất nước, vai trò của GTVT luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu.

Sau cách mạng tháng Tám, trong Chỉ thị "Công việc khẩn cấp bây giờ" đề ngày 5/11/1946, Bác nhấn mạnh phải chú ý đặc biệt đến GTVT. Theo Người: "Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ".

Dựa vào nhân dân

Tại Đại hội Thi đua bảo đảm GTVT quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ngày 24/3/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "GTVT rất quan trọng đối với chiến đấu, đối với sản xuất, đối với đời sống của nhân dân. Muốn chiến đấu tốt, muốn sản xuất tốt, muốn đời sống nhân dân được bình thường thì GTVT phải làm tốt…".

Định hướng để ngành GTVT tốt hơn, Người cũng nhấn mạnh: "Ngành của các cô, các chú, từ Bộ trở xuống về chuyên môn muốn làm cho tốt thì phải dựa vào nhân dân. Nơi nào làm công tác chính trị tốt kết hợp với nhân dân tốt thì giao thông vận tải tốt hơn".

Căn dặn thêm, Bác nói: "Giao thông vận tải có nhiều ngành. Có ngành thủy, ngành bộ, có xe, có cầu, có phà… Các cô, các chú phải ra sức thi đua với nhau. Thi đua làm cho giao thông: Một là thông suốt, hai là an toàn, ba là liên tục…".

Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn chỉ ra một số khuyết điểm ngành GTVT cần khắc phục.

Bác ân cần căn dặn: "GTVT là một mặt trận. Vì vậy, mỗi công nhân, thanh niên trong ngành phải là một chiến sĩ… GTVT thắng lợi tức là chiến tranh đã thắng lợi phần lớn rồi".

6 chữ vàng và chiến công lừng lẫy

Từ năm 1954 - 1964, ngành GTVT đã cùng với toàn dân nhanh chóng hàn gắn các vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở hạ tầng GTVT phục vụ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong gần 10 năm, chúng ta đã khôi phục và làm mới được 927km đường sắt; khôi phục và làm mới 10.600km đường ô tô; 26.000km đường sông. Các cảng biển như Hải Phòng, Bến Thủy và nhiều cảng sông được khôi phục, cải tạo, mở rộng.

Công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đang trên đà phát triển thì đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện cho cách mạng miền Nam.

Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong giai đoạn này, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: "Đảm bảo GTVT là nhiệm vụ trung tâm đột xuất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta".

Với tinh thần "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm" và "Địch phá ta cứ đi", chúng ta đã làm thêm nhiều tuyến, nhiều hướng đường, sáng tạo ra nhiều cách vượt sông bằng cầu phao, cầu cáp; làm phà cho xe lửa, nhiều biện pháp nghi binh, ngụy trang che mắt quân thù.

Bằng quyết tâm "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", ngành GTVT phối hợp cùng quân đội với sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân, chúng ta đã mở con đường Hồ Chí Minh - Đường Trường Sơn trên bộ và trên biển với biết bao chiến công lừng lẫy.

Với những thành tích xuất sắc trên, toàn ngành GTVT đã được Quốc hội, Chính phủ tuyên dương 6 chữ vàng: "Dũng cảm, thông minh, sáng tạo".

Trải qua gần 40 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới (1986 - 2024), không ngừng học tập, sáng tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ngành GTVT đã tiếp bước, phát huy sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, đạt được những thành quả to lớn.

Đến nay, cả nước đã có mạng lưới đường bộ 630.000km; hơn 3.300km đường sắt quốc gia, 44 cảng biển, hơn 300 cảng thủy nội địa, 22 cảng hàng không, sân bay.

Thành tựu trên đã đóng góp quan trọng vào thành tích về xếp hạng năng lực, chất lượng cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT):

Kim chỉ nam để ngành GTVT đột phá

Sau gần 50 năm thống nhất đất nước, tư tưởng và những bài học Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại vẫn còn nguyên giá trị, trở thành kim chỉ nam để ngành GTVT đột phá.

Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt từ Đại hội XI, XII đến XIII của Đảng, nhận thức rõ vai trò quan trọng của GTVT, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư đồng bộ trên cả 5 lĩnh vực và 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Riêng hệ thống đường bộ cao tốc ghi nhận tốc độ phát triển thần kỳ. Nếu từ năm 2020 trở về trước, cả nước mới có 1.163km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác thì chỉ trong 3 năm trở lại đây, con số này đã tăng vọt lên 2.021km.

Các dự án được thực hiện thành công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, trước hết nhờ có được sự ủng hộ của nhân dân địa phương có dự án đi qua.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển GTVT, mỗi dự án giao thông trọng điểm được triển khai, cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.

Quá trình triển khai dự án, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã đến kiểm tra cách thức tổ chức thi công ở từng công trường. Đồng thời chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, giúp các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Nam Khánh (ghi)

TS Nguyễn Đình Thuận

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giao-thong-la-mach-mau-va-tam-nhin-chien-luoc-cua-bac-ho-192240830102810707.htm