Giao thông TP Quảng Ngãi tê liệt, Quốc lộ 1 bị lũ chia cắt nhiều nơi
Hiện mực nước lũ trên các sông ở Quảng Ngãi đang rút xuống nhưng nhiều nơi vẫn còn bị ngập sâu.
Sáng 24-10, tại các địa phương ở Quảng Ngãi, tình trạng mưa lớn kéo dài như trong ngày hôm qua đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, mực nước lũ trên các sông vẫn duy trì ở mức cao, nhiều sông trên báo động 3, gây chia cắt nhiều địa phương. Hiện mực nước lũ ở các sông đang rút chậm.
Tại huyện Bình Sơn, giao thông đi lại từ trung tâm huyện Bình Sơn về các xã hầu như bị "tê liệt". Nước lũ gây xóa lở một đoạn đường sắt ở khu vực ga Trì Bình, huyện Bình Sơn. Ngoài ra, Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện này cũng có 2 đoạn bị ngập sâu gồm khu vực cầu Ô Sông, xã Bình Long và khu vực Trì Bình, xã Bình Nguyên.
Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng đã triển khai phương án chốt chặn không cho người và phương tiện qua lại khu vực ngập sâu. Đồng thời, điều tiết giao thông, hướng dẫn người dân đi vòng xuống từ Ngã Tư Bình Long theo Quốc lộ 24C để qua KKT Dung Quất lên Dốc Sỏi và ngược lại.
Tại TP Quảng Ngãi đến 9 giờ 24-10, dù mưa lớn không còn kéo dài nhưng khắp nơi vẫn bị ngập nặng. Phần lớn các hoạt động trong thành phố đều bị tê liệt do đường sá, nhà dân bị ngập sâu, không thể di chuyển. Còn tại các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây… đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, chia cắt hàng ngàn người dân.
Tính đến sáng 24-10, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận 1 người chết do mưa lũ tại huyện Nghĩa Hành. Hàng chục ngàn ha hoa màu của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thiệt hại.
Theo ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, trong 24 giờ qua, lượng mưa ghi nhận tại nhiều khu vực trong tỉnh đã vượt mức kỷ lục năm 2009.
Cụ thể, tính từ 19 giờ 22-10 đến 19 giờ ngày 23-10, lượng mưa tại trung tâm TP Quảng Ngãi là 532 mm/24 giờ. Lượng mưa này cao hơn kỷ lục cũ năm 2009 là 525mm/24 giờ. Tại Trà Khúc là 576 mm/24 giờ, cao hơn kỷ lục năm 2009 là 518 mm/24 giờ. Ngoài ra, tại Châu Ổ cũng vượt xa kỷ lục năm 2009 với lượng mưa là 641 mm/24 giờ. "Năm 2009 có cơn bão rất mạnh số 9 - Ketsana đổ bộ trực tiếp, gây mưa lớn thì cũng dễ hiểu. Nhưng lần này, lượng mưa rất lớn lại có nguyên nhân là do không khí lạnh kết hợp nhiễu động gió đông", ông Sỹ cho hay.