Giao thừa nơi đầu ngọn sóng

PTĐT - Tết đến Xuân về, nhà nhà sắm sửa chuẩn bị sum họp cùng gia đình, người thân. Nhưng nơi thềm lục địa phía Nam, những người lính nhà giàn DK vẫn đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc và thời khắc giao thừa nơi đầu sóng có lẽ là điều đáng nhớ nhất đối với mỗi người lính.

Mai vàng, cành hoa đặc trưng mỗi khi xuân về ở phía Nam của Tổ quốc

Mai vàng, cành hoa đặc trưng mỗi khi xuân về ở phía Nam của Tổ quốc

Xuân Canh Tý này, các cán bộ, chiến sĩ đang trấn giữ biển trời của Tổ quốc tại 15 nhà giàn DK được gọi là 15 “pháo đài thép” có rất nhiều cảm xúc. Đối với lính trẻ lần đầu xa quê như Binh nhì Bùi Đào Nhân sinh năm 1999 quê ở Lạng Sơn chia sẻ: “Cái Tết đầu tiên xa nhà chắc chắn em sẽ rất nhớ nhà nhưng xác định là một người chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam, bản thân tự biết phải gạt bỏ hết tình cảm riêng tư để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên nhà giàn DK1/19”.Đón Tết ở nhà giàn sớm hơn ở đất liền, bởi những cành mai, cây quất, thực phẩm đặc trưng của ngày Tết được đất liền gửi tặng ngoài khơi khá sớm. Với những người lính nhà giàn DK1, giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất. Mâm cơm giao thừa không đầy đủ hương vị mùa xuân như ở đất liền, song cũng đủ ấm lòng lính biển xa quê. Giờ khắc thiêng liêng, cán bộ, chiến sĩ mặc quân phục mới nhất, nghiêm trang đứng trước bàn thờ Tổ quốc. Chỉ huy trưởng nhà giàn đứng giữa, các chiến sĩ đứng phía sau. Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ huy trưởng báo cáo với Bác những thành tích đã đạt được trong năm cũ và ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ năm mới. Và cũng trong giây phút xúc động thiêng liêng ấy, chính trị viên nhà giàn ôn lại sự kiện 11 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh giữa sóng cuồng bão dữ bảo vệ nhà giàn. Tất cả đều xúc động bùi ngùi trước bàn thờ Tổ quốc. Đại úy Trịnh Trọng Nghĩa - Chính trị viên nhà giàn DK1/19, người đã có rất nhiều năm đón Tết tại đây cho biết: “Tình cảm và hơi ấm yêu thương của đất liền đến với chúng tôi trước thềm xuân mới là món quà vô giá mà cán bộ, chiến sĩ nhà giàn chúng tôi được đón nhận. Đây là niềm cổ vũ, động viên lớn giúp chúng tôi chắc tay súng, giữ vững biển trời Tổ quốc”.

Mâm cỗ đón giao thừa ấm lòng những người lính xa nhà.

Mâm cỗ đón giao thừa ấm lòng những người lính xa nhà.

Hiện nay, với diện tích lớn gấp đôi nhà giàn cũ, các nhà giàn thế hệ mới đã có hệ thống pin năng lượng mặt trời có khả năng tích trữ điện trong 3-4 ngày nếu gặp thời tiết không thuận lợi, nhờ đó các thiết bị như tivi, tủ trữ đông,… dễ dàng hoạt động ổn định, hệ thống lọc nước ngọt với công suất trung bình 100 lít /giờ, sóng điện thoại 2G cũng đã được Viettel phủ sóng đầy đủ. Chính vì vậy những nhu cầu giải trí, văn hóa của người lính nhà giàn cũng đã được tiếp cận nhiều hơn so với những năm trước kia. Sau nghi thức cúng giao thừa, các cán bộ, chiến sĩ tham gia các trò chơi hái hoa dân chủ, ca hát giữa biển nước mênh mông, lời ca tiếng hát hòa vào cùng sóng gió giúp những người lính vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ cái Tết đất liền. Sau những phút giây “thăng hoa” ấy, mỗi người trở về phòng ngủ của mình, đó là “góc tâm sự” của mỗi người lính. Người gọi điện về đất liền chúc Tết, người đem ảnh vợ, con, bố mẹ ra xem, người viết nhật ký, người lục lại những kỷ vật cũ đem theo từ ngày nhập ngũ.

Vượt lên trên những khó khăn những cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 vẫn kiên cường bám trụ, vững vàng nơi đầu gió ngọn sóng để hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo, thềm lục địa Việt Nam mà các thế hệ đi trước đã khai phá, xây dựng…

Đức Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/an-ninh-quoc-phong/bien-gioi-bien-dao/202001/giao-thua-noi-dau-ngon-song-168795