Giao thừa rực lửa

Chiều Ba mươi Tết. Đây là thời khắc thường mang đến những cảm xúc thật đặc biệt. Với người đi xa thì đó là nỗi nhớ thương, hoài niệm về quê hương, gia đình, về mẹ cha cùng những người thân yêu ruột thịt và không khí ấm áp đoàn viên trong bữa cơm tất niên, cùng quây quần bên nồi bánh chưng chờ đón Giao thừa.

Nhưng chiều Ba mươi Tết ở Trường Sơn thì khác lắm, khác đến lạ lùng! Tâm trạng và những gì đang diễn ra thật khó để diễn tả. Ai từng trải nghiệm những năm tháng khốc liệt ấy thì không thể nào quên được.

Trong sở chỉ huy vận hành, nỗi lo đè nặng lên Mai Phong, Chỉ huy trưởng Công trường 81. Đợt tổng công kích của Bộ tư lệnh Trường Sơn đang bước đến cao điểm. Nếu đêm Giao thừa và mồng Một Tết, địch nó ngừng ném bom như mọi năm thì trong một ngày ngắn ngủi đó, những đoàn xe có thể chuyển hàng lên phía trước gấp hàng chục lần ngày thường. Vậy mà lượng dự trữ xăng đang dần cạn kiệt. Những đoàn xe ẩn mình trong rừng già khao khát chờ xăng. Mặc dù xăng vẫn đang chảy trong tuyến ống, vượt qua đèo Mụ Giạ sang kho N2 trên đất bạn Lào, nhưng lòng ông không sao dứt khỏi bồn chồn. Ông đốt thuốc liên tục, đi đi lại lại, hồi hộp không rời mắt khỏi kỹ sư trực vận hành.

Hơn hai tháng trước, chính giây phút ông phấn khích vì thử rửa tuyến thành công, chuẩn bị ra lệnh bơm xăng thì những trận B-52 bắt đầu đánh phá ác liệt tuyến ống khu vực phía nam đèo Mụ Giạ. Mấy chục ngày liền B-52 bổ nhào, tọa độ, khiến rừng đại ngàn bị san phẳng, đá bị nghiền thành bột. Biết bao người lính của công trường đã ngã xuống khi nối tuyến ống. Đi kiểm tra dọc tuyến, ông nghẹn ngào, xót xa nhìn những ngôi mộ mới. Họ trẻ lắm, chỉ mười tám đôi mươi thôi! Ông quặn lòng nhớ tới mấy câu thơ của Quang Dũng: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ"... Cũng như những người lính Tây Tiến năm xưa, giờ những người lính của ông đang ngã xuống nơi biên cương này. Cách đây ít hôm, ông đã bị triệu về sở chỉ huy tiền phương. Chủ nhiệm gay gắt hỏi: “Nhiệm vụ khẩn cấp lắm! Anh có làm được hay không thì trả lời tôi?”. Ông đọc thấy trong giọng nói mang sức nóng của sự tức giận ấy là cả nỗi lo lắng. Ông báo cáo với chủ nhiệm rằng đơn vị đã cho làm một tuyến tránh bí mật, đồng thời nghi binh để địch nghĩ ta vẫn đang bơm xăng theo tuyến cũ. Cả đơn vị đang dốc sức ngày đêm để bơm xăng kịp phục vụ cho đợt tổng công kích. Nghe vậy, sự căng thẳng của chủ nhiệm chùng xuống: “Tôi hiểu sự cố gắng và hy sinh của cán bộ, chiến sĩ. Đã cố gắng rồi, phải cố gắng nữa. Tôi gửi lời biểu dương toàn đơn vị”. Nói rồi, ông gọi đại diện quân nhu, ra lệnh chuyển thêm quà Tết cho Công trường 81. Người cán bộ quân nhu ấp úng: “Báo cáo chủ nhiệm, tiêu chuẩn Tết của Công trường 81 đã được chuyển đủ rồi ạ!”. Chủ nhiệm gắt: “Anh sợ trùng lĩnh phải không? Trên tuyến ống, hằng ngày cán bộ, chiến sĩ đang đổ máu, bây giờ không phải lúc đắn đo mấy cân kẹo, mấy bao thuốc lá, anh biết không?”. Biết tính chủ nhiệm, người cán bộ quân nhu dập gót giày: “Báo cáo: Rõ! Chúng tôi sẽ triển khai ngay!”.

Mai Phong hiểu rất rõ rằng đơn vị ông chỉ là cấp trung đoàn, nhưng công việc giờ lại mang ý nghĩa chiến lược. Tiếp xăng dầu cho 559 là nhiệm vụ phải hoàn thành bằng mọi giá. Khi hàng triệu lít xăng vượt qua tam giác lửa Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm, phương thức vận chuyển xăng bằng đường ống đã thể hiện tính ưu việt tuyệt vời. Nhưng đó là địa hình đồng bằng và bán sơn địa nằm giữa hậu phương của ta. Còn bây giờ là vượt đỉnh Trường Sơn, dưới bom đạn hủy diệt của không lực Hoa Kỳ, nhất là các "pháo đài bay" B-52 và con mắt rình mò của các tốp thám báo địch. Lần này, nếu xăng không vượt được đỉnh Trường Sơn thì không chỉ hỏng kế hoạch tổng công kích mà còn có nguy cơ làm nặng nề hơn sự nghi ngờ thành công của chủ trương vận chuyển xăng dầu bằng đường ống trên tuyến chi viện chiến lược.

Lực lượng lùng sục của công trường hoạt động suốt ngày đêm đánh đuổi các tốp thám báo địch ra xa tuyến. Để che mắt máy bay địch, trên tuyến đang bị đánh phá, Mai Phong chỉ thị cho nối các ống hỏng ẩn hiện trong đá, dưới những thân cây đổ ngổn ngang, đồng thời đặt dọc tuyến một số phuy chứa xăng để khi bom địch đánh trúng sẽ bốc cháy, giống như tuyến đang vận hành. Phải làm sao để chắc chắn địch đang bị đánh lừa, tưởng ta vẫn sử dụng tuyến cũ.

Cửa canh van của Trung đội trưởng Hòa đặt trong một hang đá, đảm nhiệm cả hai nhiệm vụ: Nghi binh trên tuyến cũ và bảo vệ tuyến mới. Do tính chất quan trọng của đợt vận hành này, tổ canh van có đầy đủ một tiểu đội. Ba tháng trước, chưa kịp bơm xăng, địch đã đánh tuyến tan hoang. Lần này xem ra chúng đã bị lừa, vì từ chiều đến giờ chúng chỉ đánh vào tuyến cũ, tuyến mới vẫn an toàn. Xăng đã vượt đỉnh Trường Sơn, đang hướng đến kho N2. Đêm nay, Lan trực canh điện thoại. Những chiếc điện thoại trên tuyến ống được nối chữ T vào đường dây để mọi điểm điểm canh van đều nghe được diễn biến trên tuyến. Được trực canh van với Hòa, lại là đêm cuối năm, Lan vui lắm. Cô từng ước ao được canh van một lần với anh. Con người ấy, gương mặt ấy cứ nhắm mắt là cô lại thấy. Anh vô tình quá, mà cô thì đâu dám nói gì. Kíp trực cả tiểu đội vui đấy, nhưng chẳng có không gian riêng tư để được tâm tình với anh.

Đang mải suy nghĩ thì một loạt bom nổ cách cửa van vài trăm mét. Như có một bàn tay khổng lồ giật mạnh làm rung chuyển cả tuyến ống. Lan hét vào máy: “Cửa 7 bị bom, áp suất tụt!”. Rồi cô quay sang Hòa: “Báo cáo anh, sở chỉ huy đã cho dừng bơm!”. Mặc dù vậy, dòng xăng trong ống từ trên đỉnh đèo vẫn ầm ầm lao xuống. Xăng phun ra phì phì tạo thành hình rẻ quạt ngày càng lớn. Tình thế thật nguy hiểm. Dưới chân dốc là kho hàng và một đơn vị thanh niên xung phong. Nếu xảy ra cháy, không chỉ tuyến bị lộ mà tổn thất không thể lường hết được.

- Anh Hòa, để em!

Tuấn lao ra đóng van. Cái rẻ quạt xăng thu nhỏ dần. Bỗng Tuấn khựng lại, gục xuống.

Hòa hét lên:

- Quang theo tôi!

Hòa và Quang vọt ra khỏi hang. Máu đang trào ra từ bụng Tuấn. Hòa giao cho Quang cõng Tuấn vào hang, còn anh vặn nốt những vòng van cuối cùng. Máu của Tuấn đã ướt đẫm tay nắm nên rất trơn. Phải vất vả lắm anh mới đóng chặt được van. Chiếc rẻ quạt thu dần lại rồi tắt hẳn. Dòng xăng đã được chặn lại. Sau khi siết ốc nối lại tuyến, Hòa báo cáo sở chỉ huy qua điện thoại: “Báo cáo, bom giật lỏng khớp nối, ống không bị cháy, một người bị thương nặng, tuyến đã được nối thông!”. Mai Phong lập tức ra lệnh tiếp tục bơm. Rồi ông hỏi:

- Ai chỉ huy trực cửa 7?

- Báo cáo: Tôi, Trung đội trưởng Lê Đình Hòa!

- Tuyến chưa bị lộ, nhưng địch đã đánh gần đến chỗ các cậu, tuyến mới có thể bị uy hiếp! Cần tạo nên đám cháy để chúng nó tin mình vẫn đang bơm xăng theo tuyến cũ. Đã bố trí phuy xăng nghi binh trên tuyến chưa?

- Báo cáo, đã bố trí, nhưng mấy trận oanh tạc của địch chiều nay không có quả bom nào trúng phuy!

- Vậy phải tạo ra đám cháy, làm ngay đi! Giờ là thời điểm quyết định! Cậu hiểu không?

- Rõ. Tôi sẽ làm ngay!

Hòa nạp đầy 10 viên đạn xuyên cháy vào ổ khẩu CKC. Anh tin ở khả năng xạ kích của mình. Chỉ cần đứng cách mục tiêu khoảng vài trăm mét, nhằm bắn vào phuy xăng là tạo ra đám cháy. Không chỉ vậy, trong đầu anh còn hình thành những phương án khác tạo đám cháy. Hòa phân công thật nhanh công việc cho mọi người rồi khoác súng, cầm đèn pin và bật lửa lao đi làm nhiệm vụ. Lan bỗng chạy đến nắm lấy tay anh. Cô không biết bao ánh mắt ngạc nhiên đang đổ dồn về phía mình. Trong điều kiện chiến đấu ở Trường Sơn, một cử chỉ đường đột giữa nam và nữ như vậy bị xem là không phù hợp. Nhưng Lan đâu có quan tâm đến cái “không phù hợp” ấy. Nắm tay Hòa, cô cảm thấy toàn thân run lên như có một luồng điện chạy khắp người:

- Anh Hòa ơi! Anh phải rất cẩn thận. Chúng nó đánh liên tục và dữ dội lắm.

Hòa thoáng lúng túng với cái nắm tay bất ngờ của người con gái:

- Không sao đâu Lan. Dọc tuyến có hầm mà!

- Nhưng bom thì bất ngờ chụp xuống, có phải lúc nào anh cũng ở cửa hầm đâu?-Cô nói như khóc.

Hành động của Lan đã nói lên tất cả. Vào phút hiểm nghèo, cô đã không giấu được tình cảm của mình. Từ đáy lòng, Hòa cảm nhận rất rõ tình cảm cô dành cho anh. Người con gái dịu dàng, có đôi mắt lá răm, từng làm tim anh đập liên hồi khi gặp ánh mắt của nàng. Hòa đăm đắm nhìn cô, giọng ấm áp:

- Không sao đâu em. Anh đã thuộc từng gốc cây, mỏm đá trên tuyến rồi. Chúng nó chẳng dễ giết được anh đâu!

Anh bịn rịn rút tay mình ra khỏi tay nàng, lao nhanh vào đêm tối.

Hơn nửa giờ sau khi Hòa rời khỏi hang, một đám cháy bùng lên rực sáng giữa vùng ngổn ngang đại thụ đã bị băm chặt và đá bị nghiền nát. Rất nhanh, chỉ vài phút sau, bầy máy bay phản lực đã bâu lại đánh phá dữ dội. Lửa xăng, lửa bom làm khu rừng cháy sáng cả một góc trời.

Đêm nhích dần đến Giao thừa. Hòa vẫn chưa về, lòng Lan như lửa đốt. Bỗng đường dây điện thoại như vỡ òa trong tiếng reo hò. Tiếng đồng chí Phó tư lệnh Đoàn 559 như gào trong máy: “Xăng đã vào đến kho N2 rồi! Cảm ơn Công trường 81! Thật là kỳ diệu, dòng xăng ngầm vượt núi. Giờ thì chúng tôi đã hoàn toàn yên tâm vì đã có xăng cho tổng công kích”. Tiếng Mai Phong: “Cảm ơn đồng chí Phó tư lệnh. Tôi nhắc toàn tuyến, đây chỉ là thắng lợi bước đầu, phải tập trung cao độ cho đến khi xăng bơm đầy kho!”.

Đúng lúc ấy, một trận B-52 đánh vào tuyến cũ. Lửa đợt đánh trước chưa dứt, trận B-52 lại bồi thêm lửa. Những phuy xăng nghi binh trúng bom cháy rần rật. Cả khu rừng biên giới rừng rực lửa giữa đêm Giao thừa Tết Kỷ Dậu 1969.

Lan không còn lòng dạ nào chú ý đến những tiếng reo hò náo động trên đường dây. Cô lao vào bóng tối, và cứ chạy mãi. Vấp, lại bật dậy, chạy tiếp. Chẳng cần biết đôi dép đã tuột khỏi chân từ bao giờ. Chẳng cần biết đã bao lần cành cây níu rách chiếc áo quân phục. Bom B-52 rải như trấu, cái hầm nhỏ nhoi của anh nằm giữa vệt bom thì tránh sao nổi, anh ơi! Quanh cô lửa vẫn rừng rực cháy. Bỗng từ phía trước, bóng một người con trai chạy tới. Đúng là anh rồi! Lan nhào tới, ôm lấy anh òa khóc: “Vậy là anh vẫn sống! Em cảm ơn anh!”. Hòa ôm lấy nàng thổn thức: “Anh vẫn sống mà. Anh nói rồi, chúng nó dễ gì giết được anh!”.

Bóng hai người ôm nhau dưới ánh lửa in hình vào vách đá. Lúc ấy, trên tuyến tránh, xăng đang ào ào vượt đỉnh Trường Sơn.

Truyện ngắn của HỒ SỸ HẬU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/giao-thua-ruc-lua-651938