Giao thừa sợ nhất của NSND Lan Hương và ông xã Đỗ Kỷ

Vốn là người gốc Hà Nội, đi làm dâu gần 40 năm nhưng NSND Lan Hương vẫn duy trì nếp nhà và những phong tục truyền thống của Tết xưa. Tâm sự với VietNamNet, nữ diễn viên kể về giao thừa đáng nhớ và sợ nhất dịp Tết.

Video: NSND Lan Hương chia sẻ về những cái Tết đáng nhớ:

Năm nào nhà tôi cũng gói bánh chưng, làm giò thủ, nấu canh măng

- Cuộc sống bận rộn nên nhiều người dù có ở Hà Nội lâu đời cũng không còn duy trì truyền thống cũ trong ngày Tết nữa, mọi thứ giản tiện đi và thậm chí nhiều nhà không làm cỗ Tết. Gia đình nghệ sĩ vô cùng bận rộn như NSND Lan Hương thì sao?

Nhà tôi Tết không bao giờ thay đổi, năm nào cũng như năm nào, dù bận đến mấy vẫn duy trì mọi nền nếp cũ như cơm canh phải đầy đủ, Tết phải có món ăn ngon. Tất nhiên bây giờ các bạn trẻ như con dâu mình có thể đặt những món nó thích nhưng trong gia đình thì vẫn làm món truyền thống như: canh bóng, canh măng, nem rán, thịt gà, xôi gấc, giò chả.

Năm nào nhà tôi cũng gói giò thủ, bánh chưng đủ cả mặn ngọt. Truyền thống gói bánh chưng chưa có Tết nào gia đình tôi bỏ cả. Mỗi năm, tôi gói khoảng 35 bánh to kèm theo vài chiếc bánh nhỏ cho đầy 1 nồi. Ai trong nhà thích thì mang biếu, ai muốn nhiều đăng ký thêm.

Mấy năm đầu về làm dâu, con dâu tôi lấy vài chiếc mang về nhà ngoại thắp hương. Nhưng những năm gần đây, bà thông gia của tôi lại thích bánh chưng ngọt nên có cái nào méo mó mà không cần bày biện hình thức thì con dâu xin hết về cho nhà ngoại ăn từ trước Tết. Bánh chưng ngọt bên ngoài không bán nên chúng tôi cứ vẫn duy trì nếp cũ. Thêm vào đó tôi gói thêm 2 cây giò thủ, chia cho con về thắp hương bên thông gia.

Riêng 3 ngày Tết nhà tôi cúng đủ 3 bữa cơm. Cứ sáng sớm là tôi dậy làm cỗ. Có một số món không phải chế biến như tôm tẩm bột, nem sơ chế trước nên chỉ cần làm thêm đĩa xào, nấu bát canh bóng là tươm tất. Canh măng vì nấu nồi to nên mỗi ngày tôi sẽ chiết ra một bát đun lên để thắp hương.

Món canh măng các cụ vẫn hay làm vì bảo quản được lâu và càng đun nhừ càng ngon. Các con thích ăn miến và hải sản đã chuẩn bị sẵn nên lúc cúng chỉ phải nấu qua, mỗi ngày tôi thay đổi một món. Hôm nay có thể là giò lụa, chả quế nhưng hôm sau là giò thủ hay nhiều món khác nữa.

Gia đình tôi ai cũng thích Tết

- Bí quyết của chị là gì để có thể gần 40 năm vẫn duy trì được truyền thống ngày Tết trong gia đình như vậy?

Trong gia đình nếu người lớn thờ ơ với Tết thì trẻ con cũng theo, nhưng gia đình tôi năm nào cũng duy trì Tết truyền thống vì bọn trẻ rất thích. Cả con trai và con dâu đều thích không khí Tết cổ truyền. Con trai làm du lịch mà Tết phải đưa đoàn đi là rất buồn vì không ở nhà đón Tết được nhưng kiểu gì cứ đúng Giao thừa con sẽ gọi điện về.

Theo truyền thống là Giao thừa cả nhà quây quần xem Táo Quân, ăn xôi gấc... Khi cả nhà chuẩn bị ra đường tôi đã thắp hương vòng sẵn ở bàn thờ gia tiên. Mọi người xem pháo hoa xong mới quay về xông đất hóa vàng rồi quây quần mở rượu vang chúc Tết, không khí rất ấm cúng.

Ngày xưa bà luôn tổ chức như thế nên thành nếp, chúng tôi thích cách đón Tết như thế và giờ các con, các cháu cũng thích sum họp cùng nhau. Bọn trẻ dù rất nhỏ nhưng cũng thức qua Giao thừa bằng được, ra Bờ Hồ xem pháo hoa và về nhà đòi nâng ly với người lớn. Không khí ấy mang lại sự rạo rực, háo hức rất lạ lùng mà tất cả thành viên trong nhà đều thích.

Vui vẻ với nhau, không ai cáu giận, không mắng mỏ trẻ con trong ngày Tết

- Chính vì vậy theo thời gian dù mọi thứ có thay đổi thì gia đình NSND Lan Hương cũng không giản tiện bất cứ điều gì trong ngày Tết?

Chúng tôi vẫn duy trì tất cả những nét truyền thống đó trong gia đình. Mọi người cứ bảo vất vả nhưng tôi thấy bình thường vì coi đó là niềm vui. Khi cùng nhau làm, mỗi người một việc thì nhanh lắm. Đêm Giao thừa ăn uống xong dọn dẹp sạch sẽ cũng 1-2 giờ sáng mới đi ngủ nhưng 6 giờ tôi đã dậy làm cơm cúng sáng mùng 1.

Tôi không muốn các con dâu bận rộn và nghĩ nấu nướng nhanh nên không gọi các con. Nhưng chúng mà thấy tiếng lạch cạch trong bếp hớt hải chạy xuống nói sao mẹ không gọi con. Bản thân các con cũng thích làm cỗ, thậm chí đề nghị hôm nay làm món này món kia. Các con muốn thay đổi gì tùy ý, miễn mâm cơm cúng phải thịnh soạn.

Các cụ ngày xưa nói: Giỗ cha không bằng lo 3 ngày Tết. Mẹ tôi cũng dạy như thế nên ngày Tết bữa cơm lúc nào cũng no đủ và trong nhà mọi người luôn vui vẻ, không ai cáu giận, không mắng mỏ và dỗ dành để bọn trẻ không khóc trong 3 ngày Tết vì sợ đầu năm trẻ khóc sẽ dông cả năm nên lúc nào cũng chiều con cháu. Bọn trẻ biết nên cũng không ăn vạ hay khóc vào những ngày đó, thành một cái nếp rất hay trong nhà. Cả gia đình đều háo hức đón Tết và không có lý do gì mà bỏ thói quen đó.

- Rất nhiều gia đình bây giờ chọn đi du lịch trong ngày Tết để thay đổi không khí sau 1 năm tất tả ngược xuôi và né việc đầu tắt mặt tối chuẩn bị cơm nước, chúc tụng suốt ngày, còn gia đình chị thì sao?

- Rất nhiều gia đình bây giờ chọn đi du lịch trong ngày Tết để thay đổi không khí sau 1 năm tất tả ngược xuôi và né việc đầu tắt mặt tối chuẩn bị cơm nước, chúc tụng suốt ngày, còn gia đình chị thì sao?

Con tôi làm bên ngành du lịch nên có năm bạn ấy bắt buộc phải đi đoàn thì không tránh được nhưng gia đình vẫn theo nếp cũ. Sáng mùng 1 chúng tôi về hai bên nội, ngoại thắp hương rồi chúc Tết những người lớn tuổi trong họ. Gia đình nào có cô, dì, chú, bác, ông trẻ, bà trẻ lớn tuổi là phải đi thăm hỏi đầy đủ rồi mừng tuổi các cụ.

Nhà tôi đi một đoàn rồng rắn lên mây rất dài. Mùng 1 Tết các bạn đến nhà tôi chơi mà không có chỗ ngồi là chuyện hết sức bình thường. Nhà nhỏ nên có hôm đám thanh niên phải ngồi hết ngoài đường, trong nhà chỉ có chỗ cho bậc lớn tuổi. Lũ trẻ bê khay mứt ra cửa ngồi ăn. Trẻ con đến nhà lục lọi xem có món gì ngon rồi xếp hàng để được lì xì. Nhà ai có trẻ con mà chưa đi làm kể cả học sinh từ lớp 12 và thậm chí sinh viên đại học cũng xếp hàng chờ cụ, chờ ông bà mừng tuổi.

NSND Lan Hương. Ảnh: FBNV.

NSND Lan Hương. Ảnh: FBNV.

Mãi không quên cái Tết đầu tiên khi mới lấy chồng và sinh con

- Cái Tết nào đáng nhớ nhất đến nay trong ký ức của chị?

Cái Tết có dấu ấn mạnh nhất là khi vừa lấy chồng, năm đó tôi mới sinh con trai lớn. Thằng bé sinh vào tháng 7 thì đến Tết được khoảng 6 tháng. Đêm Giao thừa vẫn theo nếp là chúng tôi ra đường xem bắn pháo hoa. Anh Kỷ (NSƯT Đỗ Kỷ là chồng NSND Lan Hương - PV) năm đó hợp tuổi nên được nhờ xuống nhà ngoại xông đất. Hai vợ chồng lo cỗ bàn bày biện ở nhà nội, thắp hương xong là kém 15 phút thì đến Giao thừa. Chúng tôi nghĩ rằng đi từ đầu phố Khâm Thiên xuống gò Đống Đa rất gần thôi nên anh Kỷ chở tôi bằng xe máy Babetta.

Tôi ngồi sau xe ôm con trong chiếc chăn. Đến đúng Ô Chợ Dừa nghe thấy tiếng pháo báo Giao thừa. Chúng tôi không thể đi được nữa vì khói mù mịt không thể nhìn thấy đường, phải đứng ở ngã 4 đợi đến khi họ đốt pháo xong mới đi tiếp đến nhà ông bà ngoại để xông đất. Sau đó, quay lại nhà nội để thắp hương, hóa vàng. Đó là Giao thừa đáng nhớ và khiến tôi sợ nhất vì khi đó dân mình còn được đốt pháo, tiếng pháo quá ồn mà con trai lại quá nhỏ.

- Vậy còn cái Tết nào vui nhất với NSND Lan Hương?

Những cái Tết vui nhất là những cái Tết đầy đủ các thành viên trong gia đình và trong năm đó công việc, sức khỏe của mọi người đều tốt đẹp. Còn nếu trong năm có gì không hay thì vào ngày Tết trước giờ khắc Giao thừa, cả nhà chúc nhau bao nhiêu cái xui xẻo để lại phía sau.

Ảnh & Video: Quỳnh An

Mỹ Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giao-thua-dang-nho-va-so-nhat-cua-nsnd-lan-huong-2240549.html