Giao thừa – truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY

Vậy rồi, chúng tôi đã đi mải miết…

Má nói đến chừng sông cạn đá mòn má vẫn đi. Mà đi đâu má cũng dắt tôi theo cùng. Má đâu có bỏ tôi lại nhà? Tôi thương đôi vai gầy của má. Tôi thương đôi mắt hằn in những vết chân chim và mái tóc theo tháng năm đã bết lại, má xõa ra tóc chỉ ngắn cũn cỡn ngang vai.

Nhà họ nội không giành lấy tôi lại từ tay má, dẫu tôi có là cháu ruột của nội. Ðơn giản chỉ vì tôi là con gái, mà bên nội thì chỉ cần cháu trai để nối dõi tông đường. Nhưng thôi, miễn là được sống bên má là đủ rồi, tôi chẳng mong cầu gì hơn. Tôi biết nỗi đau, sự oan nghiệt mà má tôi gánh chịu ngần ấy năm bắt nguồn từ lời người cô ruột của tôi - tức chị của ba tôi: “Con nhỏ đó có đường chỉ tay chữ nhất, chính nó khắc chết chồng nó”.

Cô tôi cũng nhiều lần nói chuyện đường chỉ tay chữ nhất của má cho tôi nghe bằng giọng nói lanh lảnh, cái cười miệt thị, cái nhíu mày đầy dã tâm và ánh mắt lạnh lùng, ác cảm. Tôi hỏi má bàn tay chữ nhất là thế nào thì má chỉ khóc, không trả lời. Tôi đem thắc mắc đó hỏi người hàng xóm thương má con tôi như người trong nhà, người đó nhìn xa xăm rồi lắc đầu buồn bã: “Ðàn bà có đường chỉ tay chữ nhất mệnh bạc như vôi, phần số sát phu, long đong bấp bênh như lục bình trôi trên sóng”.

*

Tôi lẩm bẩm đếm, hết hai bàn tay, một bàn chân, mười lăm năm xa xứ. Má không về, ngày giỗ của ba thì má chỉ đậu ghe ở mé sông gần nhà nội nhìn lên. Trên ghe, má lủi thủi nấu mâm cơm rồi bưng ra trước mũi ghe, đốt nhang gọi ba về ăn cho ấm cúng. Rồi má ngồi một bên, tôi ngồi chếch qua bên má. Má nói: “Chừa chỗ kia cho ba mày!”. Má vẫn tin ngày giỗ ba xuống ghe ăn cùng má con tôi.

Ba chưa bao giờ bỏ má con tôi. Trên sông, trên ghe, má vẫn thường mơ thấy ba ngồi trước mũi ghe, sửa cây cưa, ngắt mấy trái ớt hiểm trồng trong cái khạp bể ngoài mũi, y như hồi còn ở nhà ba đã làm. Má vẫn có niềm tin rằng ba không hận má, ba không tin và cái chuyện “đường chỉ tay chữ nhất” như người họ nội quy ra tội lỗi phủ đầu má tôi.

Nếu ba nghĩ đàn bà bàn tay chữ nhất là xui xẻo thì ba đâu có cưới má, chết rồi đâu có hiện về trong những giấc mơ chập chờn ngắt quãng của má con tôi. Nếu nghĩ vậy thì trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ba đâu có gắng gượng níu lấy bàn tay của má mà đặt lên ngực trái, chỗ đó trái tim đang đập yếu dần, yếu dần, vẫn còn âm ấm?…

Cái Tết cuối cùng ở quê nội là cái Tết có ba. Ba cùng má con tôi đón Tết trong căn nhà nhỏ cất bên cạnh nhà của nội. Chiều ba mươi ba đốt lửa rơm ngoài sân cho ấm cúng. Trong căn nhà nhỏ cất tạm bợ để má con tôi ở, để ba khỏi chứng kiến cái cảnh mẹ chồng - nàng dâu như trong phim, để ba khỏi nghe những lời miệt thị của cô tôi dành cho má. Ba không muốn bất hiếu với gia đình, cũng không muốn má tôi phải chịu khổ, bởi vậy ba với má tôi ở chung không ra ở chung, mà ở riêng cũng không giống ở riêng. Hai vách nhà cách nhau có một cây dâu tằm ăn, bên này nói gì thì bên kia nghe thấy hết, còn ba thì chạy qua chạy lại. Nhưng có ra làm sao thì ba cũng quyết tâm bảo vệ má con tôi.

Ăn Tết xong thì ba lâm trọng bệnh rồi qua đời. Má tôi vừa đau nỗi đau mất chồng, vừa chịu oan khuất bởi những lời xỉ vả, chửi bới của người nhà họ nội. Tôi thương má, nhưng chính tôi cũng trở thành “đứa cháu ghẻ” của nội tôi. Ðòn roi thì má chịu nổi, chứ còn điều tiếng thì làm sao má chịu nổi. Sự lạnh lùng, lườm nguýt của cô tôi còn thâm độc hơn trăm ngàn roi đòn giáng vào người má tôi. Ðêm mà trong gió vẫn còn hơi xuân, má dẫn tôi xuống ghe rồi dong ghe đi biệt. Tôi hỏi má đi đâu? Má cười: “Ðất dài sông rộng, chỗ nào sống được thì đi”.

Di ảnh với lư hương của ba để thờ nhà nội. Má lấy tấm ảnh cưới của mình, tấm ảnh có hình ba tôi cười tươi rói, mặc áo sơ mi màu xanh da trời, đem cho người ta họa ra hình ba rồi cột trên vách ghe để thờ. Má đốt nhang cho ba, ăn cơm dọn dư một cái chén để ba về ăn cùng hai má con. Má nói: “Ba mày chết rồi mà má cứ ngờ ngợ ba mày sống không à. Trong thâm tâm má ba mày vẫn còn tồn tại trong chiếc ghe này, bên má con mình. Ba không bỏ má, phải không con?”.

*

Tôi lau di ảnh của ba bằng chiếc khăn bông sạch thấm nước. Ði hết con nước đêm qua, má đậu ghe lại ở một con rạch nhỏ mà đầu rạch có mấy cây tra bông vàng nghiêng ngả trổ bông. Ăn Tết. Năm nào cũng vậy, Tết đến thì neo ghe ăn Tết, qua mấy ngày Tết thì mới đi. Ngày thường má tôi bán bí, bán bầu… ngày Tết thì nghỉ ngơi, ăn Tết cho đúng phong tục. Má đi chợ ngã ba sông mua lấy đôi gà về úp sau lái ghe, củ kiệu mần dưa, hũ cải muối chua, nồi thịt kho… vậy là ấm êm qua mấy ngày Tết. Dù vất vả thế nào má tôi cũng chuẩn bị lấy vài món ăn đón Tết, cúng ba.

Nét đẹp của má ngày thường bị những cơ cực, lam lũ che khuất đi. Ðể rồi ngày Tết má không phải tần tảo đi cân hàng bông rồi bán hàng bông, bán gạo, bán nước mắm… má xõa tóc ngồi trước mũi ngắm con sông mùa xuân nước đong đầy, ngắm mấy cây tra bông vàng có bầy ong bay vù vù làm tổ trên nhánh cây gie ra mặt nước. Mặc dù tóc má đã ngắn đi, da má cũng sạm đi, nhưng bao giờ má cũng đẹp trong mắt tôi. Vẻ đẹp toát ra từ tấm lòng bao dung, nhân hậu, đức hy sinh và sự chung thủy của má.

Có lần, tôi hỏi má: “Má thích ăn Tết trên sông hay ăn Tết trên bờ hả má?”. Má tôi dịu dàng đáp: “Ăn Tết ở đâu cũng vui, miễn là có hai ba con bây là má vui”. Còn tôi, tôi thích ăn Tết trên bờ hơn Tết trên sông. Ði ghe, tôi chẳng có hàng xóm, chẳng có bạn bè. Có khi ghe này, ghe kia đậu cạnh nhau ở một cái chợ sông nào đó, tôi ló đầu ra ô cửa trên vách ghe chào người bạn nhỏ ở chiếc ghe kế bên, kể chuyện tuổi thơ cho nhau nghe. Câu chuyện còn, định ngày mai kể tiếp thì đêm đó chiếc ghe kia đã nổ máy đưa người bạn của tôi đi xa mất rồi. Riết thì tôi chẳng còn tha thiết làm bạn với ai. Lỡ đi lại buồn, lỡ thấy chiếc ghe nào quen quen chạy ngang qua lại lóng ngóng xem có phải người bạn cũ của mình khi ấy hay không.

*

Lâu lắm rồi tôi không về thăm quê nội, nơi có ngôi mộ của ba tôi. Buổi chiều hôm đó, tôi thỏ thẻ với má: “Mình về thăm mộ ba, má nghen”. Thoạt đầu má tôi bất ngờ trước ý nghĩ của tôi. Má biết nhà họ nội vẫn còn thù má, về làm sao được mà về? Người ta có thương, có cần mình đâu mà về?

“Nhưng ba cần”. Tôi nói vậy. Quyết đoán. Lần đầu tiên tôi xẵng giọng với má. Lần đầu tiên tôi thấy mình chững chạc hơn rất nhiều chứ không phải là hỗn. Má nghĩ ngợi một lúc rồi gật đầu: “Ừ, thì về. Má cũng muốn tự tay nhổ cỏ xanh quanh mộ ba mày. Má nhớ…”.

Ðêm ba mươi, chúng tôi neo ghe gần bến sông nhà ngoại. Bến sông bây giờ trụi lơ, cây gòn cũ chưa lên chín tầng đã bị cưa đổ. Má đậu ghe ở đó, đợi con nước lên, đợi qua thời khắc giao thừa, nhà đã ngủ thì má mới ra vườn thăm mộ của ba. Tôi ngồi tựa lưng vào vách, mặt dù tôi đã buồn ngủ ríu cả mắt nhưng tôi vẫn không dám ngủ. Sợ ngủ gục, tôi dặn hờ: “Nào má đi thì má kêu con dậy nghen má”. Má gật đầu để tôi yên tâm.

Chúng tôi mon men theo lối nhỏ ra vườn. Lối đi phủ rợp bóng cây, đêm sương lạnh nhểu từng giọt lên mái tóc buông dài của tôi. Chúng tôi phải rón rén sợ người nhà nội thức giấc phát hiện. Kia rồi, ngôi mộ ba tôi. Mộ được quét vôi, dưới ánh trăng, mộ hiện lên trắng muốt. Tôi với má quỳ xuống trước mộ của ba. Má tôi nói mấy câu mà mũi má nghẹt đi vì xúc động: “Anh ơi, em với con về thăm mộ anh rồi đây nè. Anh có vui không?

Anh có linh thiêng thì về đây với má con em, trong đêm giao thừa này, để má con em được ấm áp nghen anh”. Nói rồi, má lấy tay lau bụi trên bia mộ của ba. Tôi nhổ mấy bụi cỏ quanh mộ ba, cỏ cắt vào tay tôi ran rát mà tôi vẫn nhổ, bởi chúng tôi không có cơ hội để được chăm sóc mộ ba nên chúng tôi trân trọng những giây phút ngắn ngủi này. Một vệt sáng lòa xẹt ngang bầu trời trước thềm năm mới.

Má vẫn thủy chung với ba như chiếc ghe vẫn thủy chung với dòng sông xuôi về trăm ngả. Má vẫn ôm ấp trong tim một bóng hình không bao giờ phai. Tôi biết, ba vẫn sống trong tâm hồn tôi với má, ba chứng kiến tôi ngày một trưởng thành. Ba tiếp thêm cho tôi suối nguồn yêu thương, má chở che tôi qua bao thăng trầm, giông bão. Chiếc ghe là nhà. Dòng sông luôn xuôi chảy trong tâm trí của tôi…

Mười lăm cái Tết trên ghe. Mười lăm năm lang bạt trên sông nước, sống kiếp thương hồ, kinh, rạch, sông nước là nhà, bạn thương hồ là xóm làng thân thuộc… Tôi hiểu rằng: ở đâu mình cũng có thể sống, ở đâu mình cũng phải sống thật tốt, thật bản lĩnh, kiên cường. Phải vượt qua nghịch cảnh của thực tại để hướng về phía trước. Như má. Như tôi. Như dòng sông vẫn chảy băng băng, mà sông thì có bao giờ chảy thẳng? …

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/234216/giao-thua-%E2%80%93-truyen-ngan-cua-hoang-khanh-duy.html