Giao Thủy gìn giữ và phát triển môn bơi chải truyền thống
Nằm ven biển, huyện Giao Thủy có 32km bờ biển, có địa hình khá bằng phẳng, sông ngòi chằng chịt, đặc biệt là hệ thống kênh mương thủy lợi, đê điều và các cửa sông lớn đổ ra biển, là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc gắn với đời sống cư dân miền biển. Trong lịch sử hàng trăm năm khai hoang, lập làng và sinh sống bằng nghề chài lưới, vận chuyển đường thủy, cư dân nơi đây đã hình thành nên một hoạt động vui chơi tập thể là bơi chải. Bơi chải xuất hiện tại huyện Giao Thủy từ hơn một thế kỷ trước và được duy trì cho đến ngày nay, trở thành môn thể thao không thể thiếu mang đậm bản sắc địa phương trong các lễ hội truyền thống.

Đội tuyển bơi chải nữ huyện Giao Thủy thi đấu tại Giải Bơi chải tỉnh.
Toàn huyện hiện có hơn 20 đội bơi chải nam, nữ hoạt động sôi nổi, thường xuyên. Các giải bơi chải được huyện Giao Thủy và các xã tổ chức định kỳ hàng năm trong lễ hội làng, chủ yếu vào dịp đầu xuân. Các cuộc thi bơi chải diễn ra trên những khúc sông lớn, thường là đoạn sông chảy qua làng hoặc gần khu vực di tích. Nhiều xã, thị trấn trong huyện đã duy trì phong trào bơi chải liên tục hàng chục năm qua, tiêu biểu như các xã, thị trấn: Giao Long, Giao Hải, Giao Xuân, Giao Hà, Bạch Long, Giao Thủy, Quất Lâm… Trong đó, 2 xã Giao Hải và Giao Long có phong trào bơi chải phát triển mạnh nhất với nhiều tay chèo thiện nghệ quanh năm gắn bó với sông nước. Ở xã Giao Hải, trải qua nhiều thăng trầm, đến năm 2003, môn thể thao có từ trăm năm trước được chính quyền xã và người dân địa phương phục hồi và ngày càng phát triển mạnh. Hiện, cả 4 thôn trong xã đều thành lập đội bơi chải, mỗi thôn có 2 đội bơi chải nam và nữ, mỗi đội duy trì từ 15-20 thành viên. Vào dịp lễ hội làng Kiên Hành (mồng 5, 6 tháng Giêng) hàng năm, xã đều tổ chức các hoạt động thể thao truyền thống như: bơi chải, đấu vật, cờ tướng, tổ tôm điếm... Sôi nổi nhất là hội thi bơi chải với sự tham gia của 4 đội bơi chải các thôn: Tân Hùng, Bắc Cường, Tiền Lang, Lâm Thành. Khi hội thi bơi chải được tổ chức, người dân trong làng, ngoài xã, xa quê trở về, nô nức đi xem hội, hò reo cổ vũ, cờ hoa, trống mở rộn ràng, tạo nên không khí ngày hội vô cùng sôi động.
Ở xã Giao Long, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, địa phương lại tổ chức hội thi bơi chải truyền thống, quy tụ các đội bơi chải đến từ 4 thôn: Trung Long, Long Hành, Nam Long, Kiên Long; mỗi thôn gồm 1 đội chải nam và 1 đội chải nữ. Các tay chải nam đều là những người thường xuyên đi biển đánh bắt hải sản còn các tay chải nữ là những các cô gái quanh năm buôn bán thủy sản ven sông, độ tuổi từ 25-35 tuổi. Vào ngày hội, dưới sông, hình ảnh mái chèo khua sóng, những chiếc thuyền đua như những mũi tên xé nước lao nhanh, tiến về phía trước; trên bờ, hàng nghìn người xem cổ vũ hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng tưng bừng, náo nhiệt tạo nên bức tranh sống động, đậm đà sắc màu truyền thống. Các cuộc thi bơi chải trong mỗi dịp lễ hội không chỉ đơn thuần là hoạt động thể thao đơn thuần mà còn mang nhiều yếu tố tín ngưỡng dân gian. Người dân miền biển Giao Thủy coi đây là dịp để bày tỏ lòng tri ân với các bậc tiền nhân - các vị tổ có công khai hoang, lập ấp, dựng xây xóm làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trời yên biển lặng để ngư dân ra khơi thuận lợi. Tại một số địa phương trong huyện còn tổ chức lễ rước thần linh, dâng hương đình làng, chùa làng trước khi bắt đầu thi đấu môn bơi chải. Vì vậy, bơi chải không chỉ thể hiện sức mạnh thể chất của con người Giao Thủy mà còn là biểu tượng văn hóa tinh thần sâu sắc của cả cộng đồng qua nhiều thế hệ.
Các hội thi bơi chải ở Giao Thủy không chỉ diễn ra trong không gian ngày hội làng truyền thống, lễ hội mùa xuân mà còn được tổ chức trong các sự kiện văn hóa, thể thao tại địa phương chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như: Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9), kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5), Đại hội Thể dục thể thao huyện với sự tham gia của hơn 10 đội bơi chải nam và nữ đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Thông qua các cuộc thi, huyện tuyển chọn lực lượng vận động viên thành lập đội chải mạnh tham dự Giải Bơi chải tỉnh hàng năm. Tham dự cuộc thi, huyện Giao Thủy có 2 đội bơi chải nam và nữ với hơn 40 vận động viên nòng cốt ở 2 xã: Giao Hải, Giao Long. Với tinh thần thể thao đoàn kết, cao thượng, liên tục từ năm 2012 đến năm 2023 tham gia Giải Bơi chải tỉnh, đoàn vận động viên bơi chải huyện Giao Thủy đều xuất sắc giành các thứ hạng cao như: giải Nhất, giải Nhì ở các nội dung: bơi chải nam, bơi chải nữ và giải toàn đoàn.
Trong quá trình nỗ lực kế thừa, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân gian ở Giao Thủy, cùng với môn đấu vật, bơi chải truyền thống đang đối mặt với một số khó khăn nhất định. Đó là nguồn nhân lực kế cận ngày càng thiếu hụt, do lớp trẻ ít có điều kiện tiếp cận hoặc chưa thấy hết giá trị văn hóa của môn thể thao dân gian này. Nhiều thanh niên rời quê đi học, đi làm xa, việc huy động tham gia tập luyện gặp trở ngại. Bên cạnh đó, kinh phí tổ chức thi đấu, mua sắm thuyền, mái chèo, áo phao chủ yếu dựa vào nguồn lực xã hội hóa nên thiếu tính ổn định và lâu dài. Trước thực tế đó, huyện Giao Thủy đã chủ trương đẩy mạnh công tác bảo tồn gắn với phát triển phong trào thể dục thể thao cơ sở. Việc khôi phục và duy trì các đội bơi chải được đưa vào kế hoạch hằng năm của các xã, thị trấn. Cùng với đó, huyện kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà tài trợ chung tay hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, tổ chức giải đấu, tôn vinh các tập thể có thành tích xuất sắc. Một số địa phương đang thử nghiệm đưa bơi chải vào chương trình giáo dục ngoại khóa nhằm giúp học sinh sớm làm quen với các kỹ năng của bơi chải, xây dựng phong trào từ trong trường học. Việc bảo tồn môn bơi chải truyền thống không chỉ góp phần giữ gìn di sản văn hóa dân tộc mà còn tạo môi trường rèn luyện thể lực, giáo dục tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên cho thế hệ trẻ. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn, hướng tới phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.