Giao Thủy khai thác lợi thế phát triển thương mại dịch vụ
Là huyện ven biển, Giao Thủy có 16/22 xã, thị trấn có làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm nông, thủy sản đặc trưng như nước mắm Giao Châu, muối Bạch Long, mắm tôm Ngọc Lâm, sứa ăn liền, cá khô… Đặc biệt khu quần thể sinh thái đất ngập nước Vườn quốc gia Xuân Thủy và Khu du lịch biển Quất Lâm… Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Là huyện ven biển, Giao Thủy có 16/22 xã, thị trấn có làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm nông, thủy sản đặc trưng như nước mắm Giao Châu, muối Bạch Long, mắm tôm Ngọc Lâm, sứa ăn liền, cá khô… Đặc biệt khu quần thể sinh thái đất ngập nước Vườn quốc gia Xuân Thủy và Khu du lịch biển Quất Lâm… là những tiềm năng, lợi thế để huyện phát triển thương mại dịch vụ, đảm bảo tăng trưởng kinh tế - xã hội của huyện. Do đó mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm 2021 của huyện đạt 1.100 tỷ đồng, đạt 41,5% kế hoạch.
Để tạo điều kiện cho hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển, thời gian gần đây, bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng thương mại như sửa chữa, xây mới, nâng cấp chợ dân sinh, đáp ứng nhu cầu bán lẻ tổng hợp và trung chuyển, thu mua thủy, hải sản, nông sản thực phẩm cho nhân dân trong vùng, huyện Giao Thủy tập trung chỉ đạo phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương và du lịch, dịch vụ ven biển nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, huyện hỗ trợ các tập thể, cá nhân ở cả 22 xã, thị trấn tham gia chưởng trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo đó, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn mác, thông tin quảng cáo, kinh phí đăng ký thương hiệu và quảng bá, trưng bày, bán giới thiệu sản phẩm tại Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch của huyện. Năm 2020, huyện có 9 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao gồm: tép moi sấy khô, chả cá Hùng Vương; cá tẩm gia vị; tôm nõn hấp; nõn bề bề; ngao sạch Giao Thủy; 3 sản phẩm đạt 3 sao gồm: cá nục một nắng; cá thu một nắng; mật ong sú vẹt Xuân Thủy. Tất cả các sản phẩm sau khi đạt chứng nhận OCOP đều tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất. Ông Nguyễn Hùng Vương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương, xã Giao Hải cho biết: Năm 2020, Công ty vinh dự có 2 sản phẩm là tép moi sấy khô, chả cá đạt chuẩn 4 sao chương trình OCOP. Hiện tại sản phẩm đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất sang thị trường Nhật Bản.
Tiếp tục chương trình khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký phát triển sản phẩm OCOP, huyện Giao Thủy đã thông qua Đề án khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó huyện sẽ lựa chọn hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản chủ lực có tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểm soát chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc. Năm 2021, toàn huyện đăng ký 44 sản phẩm của 21 cơ sở; phấn đấu đến hết năm 2021 toàn huyện có 50 sản phẩm OCOP có chất lượng. Ngoài những tiêu chuẩn hỗ trợ chung của tỉnh, huyện hỗ trợ bằng ngân sách huyện cho mỗi sản phẩm OCOP đạt 3 sao là 20 triệu đồng, sản phẩm OCOP đạt 4 sao là 30 triệu đồng và sản phẩm OCOP đạt 5 sao là 50 triệu đồng. Đồng thời huyện hỗ trợ kinh phí cho các cửa hàng cam kết bán sản phẩm OCOP góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Ngoài việc hỗ trợ xây dựng các sản phẩm OCOP, huyện quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và trang bị kiến thức pháp luật về kinh doanh dịch vụ, thương mại, kỹ năng tiếp cận, đánh giá thị trường... cho người sản xuất. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và tổ chức giao lưu để các doanh nghiệp thu mua nông sản trực tiếp tìm hiểu, ký hợp đồng với nông dân. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các mặt hàng công nghệ phẩm phục vụ sản xuất, tiêu dùng, khai thác tiềm năng du lịch, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Hiện tại, ngoài ngao Giao Thủy, du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến; các sản phẩm mật ong Xuân Thủy, nấm sạch Xuân Thủy, muối Bạch Long, nước mắm Giao Châu, mắm tôm Ngọc Lâm, sứa ăn liền, cá mai khô, chả cá... đã từng bước khẳng định thương hiệu, ngày càng được người tiêu dùng cả nước tin tưởng lựa chọn. Hàng năm, huyện thường xuyên tổ chức hội chợ thương mại quy mô lớn giới thiệu tiềm năng kinh tế - xã hội của huyện, quảng bá sản phẩm nông, thủy sản, hàng CN-TTCN của huyện và mời các tập đoàn kinh tế, các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh tham gia, mở ra cơ hội hợp tác hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời định hướng phát triển du lịch gắn với quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống và yêu cầu các hộ kinh doanh dịch vụ tại các điểm du lịch tập trung như Vườn quốc gia Xuân Thủy, bãi tắm Quất Lâm, khu Bảo tàng Đồng Quê xã Giao Thịnh đưa sản phẩm làng nghề vào danh sách nhóm hàng đăng ký kinh doanh, bảo đảm sản phẩm nông, thủy sản, CN-TTCN của huyện Giao Thủy được tiếp cận với du khách nhiều hơn. Đối với dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, huyện tiếp tục mục tiêu xây dựng đề án đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu với bảo tồn; xúc tiến mời gọi đầu tư vào khu du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển Giao Phong; chú trọng việc đầu tư vào các dịch vụ phụ trợ. Mở rộng mô hình du lịch cộng đồng vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Để tiếp tục phát triển, đưa thương mại, dịch vụ trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương, thời gian tới huyện Giao Thủy tiếp tục tập trung hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại, hoàn thiện quy hoạch phát triển thương mại giai đoạn 2020-2030 để thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng, luân chuyển hàng hóa. Đẩy mạnh việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm địa phương để có đảm bảo cơ sở pháp lý, đủ điều kiện tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại, hướng tới mục tiêu chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm địa phương. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, góp phần lành mạnh hóa thị trường, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển, phấn đấu tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ đạt 78% trong cơ cấu kinh tế địa phương vào năm 2025./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương