Giao Thủy sẵn sàng các phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống thiên tai
Thực hiện phương châm
Thực hiện phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời” trong phòng chống thiên tai, huyện Giao Thủy đang tích cực triển khai các phương án, nhất là phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai trong mùa mưa bão năm nay.
Huyện Giao Thủy có 51,5km đê, 27 cống dưới đê, gần 5km kè sông và gần 13,5km kè biển. Theo đánh giá của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ (PCTT và TKCN) huyện Giao Thủy, trên tuyến đê hữu Hồng dài 11,602km có một số đoạn chất đất nền là cát và cát pha, thân đê chứa đựng nhiều ẩn họa, một số đoạn thân đê phía trong đồng gần chân đê có nhiều thùng, ao; phía sông một số đoạn không còn bãi hoặc có bãi hẹp, diễn biến lòng và bãi sông phức tạp, dòng chảy áp sát chân đê. Nguy hiểm nhất là các vị trí tại Km215+790 đến Km215+850 thuộc địa bàn xã Hồng Thuận; kè Cống Chúa, thị trấn Ngô Đồng; kè Cồn Nhì, kè Cồn Ba, kè Cồn Tư, xã Hồng Thuận và kè Giao Hương bãi đầu và cuối đang bị sạt lở do diễn biến của lòng sông và dòng chảy sát bờ. Cống Chúa đã bị nứt vòm; cống Cồn Năm bị hư hỏng cần phải xây mới. Tuyến đê biển dài 31,16km, phần lớn có nền cát hoặc cát pha, đất đắp đê là cát và pha cát, phía đồng có nhiều đoạn có thùng, ao sát chân đê; phía biển đoạn từ xã Giao Hải đến thị trấn Quất Lâm cao trình bãi đang bị hạ thấp, bãi ngoài phần lớn không có cây chắn sóng giữ bãi; thường xuyên chịu tác động của sóng biển và thủy triều. Trên tuyến đê sông Sò dài 8,7km, có các cống dưới đê được xây dựng lâu năm đã xuống cấp, cao trình không phù hợp, nhất là cống Cát Đầm đã bị hư hỏng cần được xây dựng lại… Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn, huyện đã xác định 4 trọng điểm PCTT cấp huyện, bao gồm: Đê kè Cồn Ba, kè Cồn Tư, xã Hồng Thuận; cống Cồn Năm, xã Giao Hương và cống Cát Đàm, xã Giao Thịnh.
Để bảo vệ an toàn các trọng điểm PCTT trong mùa mưa bão năm nay, UBND huyện đã thành lập các Ban Chỉ huy bảo vệ trọng điểm, xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng vận hành phương án bảo vệ trọng điểm; giao chỉ tiêu chuẩn bị nhân lực, vật tư dự trữ, phương tiện PCTT cho các địa phương có trọng điểm để đảm bảo “4 tại chỗ”. Cụ thể, cống Cát Đàm nằm trên tuyến đê tả sông Sò tại Km9+685 được xây dựng từ năm 1967, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Vữa trát tường cống đã bị bong tróc hoàn toàn, mạch vữa bị mục thối; cống bị nứt dọc từ phía thượng lưu về hạ lưu trên đỉnh vòm; tường cánh phần dưới mặt nước (cả 2 bên thượng, hạ lưu cống) bị mục ruỗng khoét sâu vào khoảng 40cm và rộng 30cm; tường cánh phía trong đồng bên phải bị đổ nghiêng vào lòng cống 20cm so với tường thân cống. Do vậy cống Cát Đàm là trọng điểm xung yếu cấp huyện cần được bảo vệ trong mùa bão, lũ. Theo phương án bảo vệ, khi có tình huống mưa bão nguy hiểm xảy ra, nhận được báo cáo của thủ cống, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy huy động 30 người trang bị đầy đủ dụng cụ như móng, dao, xẻng, xe rùa… đồng thời báo cáo Ban chỉ huy bảo vệ trọng điểm cống Cát Đàm và Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Giao Thủy để huy động lực lượng xung kích của các xã Giao Thịnh (100 người), Giao Tân (90 người) tham gia hộ đê, xử lý giờ đầu. Vật tư gồm đá hộc tập kết tại tây Cồn Tàu và đê Công Đoàn, thị trấn Quất Lâm 400m3, rọ thép 200 chiếc tại kho Phòng NN và PTNT huyện, 5.000 chiếc bao nilon, 12 xe tải và 2 máy xúc của Công ty TNHH một thành viên KTCTTL để ứng cứu chống nước tràn vào trong đồng... Cống Cồn Năm, xã Giao Hương có nhiệm vụ tiêu nước cho khu vực trọng điểm bao gồm các xã: Giao Hương, Giao Thiện, Giao Thanh, Hồng Thuận. Đồng thời làm nhiệm vụ tưới cho 2.400ha lúa, hoa màu các loại, phục vụ giao thông và làm nhiệm vụ ngăn mặn vào trong đồng. Do vậy, nếu sự cố xảy ra với công trình này sẽ làm ngập lụt 10 xã phía nam sông Cồn Nhất, mặn xâm nhập vào trong đồng ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định của huyện. Vì thế, để bảo vệ an toàn trọng điểm này, UBND huyện đã quyết định tăng cường lực lượng xung kích các xã: Giao Hương 90 người, Hồng Thuận 90 người, được phân bổ thành các tổ, đội do Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự 2 xã chỉ huy điều hành, trang bị dụng cụ đầy đủ theo quy định… Ngoài ra còn có lực lượng cứu thương, thông tin liên lạc. UBND huyện Giao Thủy, các xã Giao Hương và Hồng Thuận chuẩn bị vật tư giao, gồm các bao tải chứa cát (hoặc đất), dây buộc, các vật liệu gần tuyến đê, cọc tre, rọ thép, đá hộc, khai thác đất phía trong đê ở những khu vực cao; các loại xe vận tải nhỏ, nhân lực mang vác thủ công.
Cùng với việc xây dựng phương án bảo vệ cụ thể đối với từng trọng điểm PCTT, UBND huyện Giao Thủy tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt từ huyện xuống cơ sở nhằm quán triệt, triển khai thực hiện Luật PCTT, Luật Đê điều. Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và thể thao huyện phối hợp với Đài truyền thanh các xã, thị trấn phổ biến các văn bản, tài liệu, sản phẩm truyền thông để nhân dân nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, tránh, giảm thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra. Phòng NN và PTNT, Hạt quản lý đê Giao Thủy phối hợp với UBND các xã có trọng điểm PCTT cấp huyện tổ chức tập huấn cho lực lượng tuần tra canh gác, lực lượng trưởng điếm, lực lượng xung kích để xử lý có hiệu quả các hư hỏng ngay từ giờ đầu. Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy xây dựng phương án chi tiết, cụ thể, có giải pháp tối ưu xử lý sự cố công trình và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện cần thiết. Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với các Phòng: Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát lại lực lượng xung kích, tổ chức biên chế thành đơn vị tiểu đội, trung đội, đại đội có danh sách và phân công rõ ràng để thuận tiện cho việc điều động, chỉ huy đạt hiệu quả. Công an huyện chủ trì phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đồn Biên phòng Quất Lâm đảm bảo an ninh trật tự khi có sự cố xảy ra. Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế các xã đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho Ban Chỉ huy bảo vệ trọng điểm và lực lượng hộ đê. Phòng Kinh tế - Hạ tầng kiểm tra phương tiện theo chỉ tiêu đã giao của UBND huyện và hệ thống cầu đường, có phương án điều động khi có lệnh. Các cấp, các ngành và nhân dân toàn huyện quyết tâm đảm bảo chủ động trong công tác PCTT, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.
Bài và ảnh: Văn Đại