Giao tranh qua biên giới giữa Israel và Hezbollah tiếp tục diễn ra ác liệt
Ngày 15/7, các cuộc giao tranh ác liệt qua biên giới tiếp tục diễn ra giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah ở Libăng.
Quân đội Israel cho biết đã tiến hành loạt đợt không kích nhằm vào nhiều mục tiêu Hezbollah ở miền Nam Libăng, phá hủy một kho vũ khí ở khu vực Bint Jbeil và một cơ sở quân sự của lực lượng này gần làng biên giới Kfar Kila.
Trong đó, cuộc không kích vào Bint Jbeil khiến một thành viên Hezbollah thiệt mạng. Đáp trả, trong đêm 15/7, lực lượng Hezbollah đã bắn khoảng 20 quả tên lửa nhằm vào thị trấn biên giới Kiryat Shmona của Israel.
Cuộc tấn công của Hezbollah cũng nhằm vào một số địa điểm khác của Israel như Ramyah, Baranit, Al-Samaqa và Jal Al-Alam. Một nửa số vũ khí trên bị Hệ thống phòng không Vòm sắt của Israel đánh chặn.
Giao tranh giữa nhóm vũ trang Hezbollah và quân đội Israel đã leo thang trong thời gian gần đây và có nguy cơ trở thành cuộc chiến toàn diện. Hezbollah tuyên bố họ hành động để hỗ trợ cuộc đấu tranh của người dân Palestine.
Cho đến nay, hơn 500 người ở Libăng được cho là đã thiệt mạng, phần lớn trong số họ là chiến binh Hezbollah và phía Israel ghi nhận ít nhất 29 trường hợp tử vong, chủ yếu là binh lính. Xung đột cũng đã khiến hàng chục nghìn người phải di dời khỏi các cộng đồng biên giới ở miền Bắc Israel và miền Nam Libăng.
Trong diễn biến khác, báo Al-Watan đưa tin cùng ngày 15/7, doanh nhân người Syria Bara'a Al-Qaterji đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái được cho do Israel tiến hành nhắm vào ôtô của ông này gần biên giới Libăng - Syria.
Ông Al-Qaterji được cho là có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Syria và các nhóm vũ trang Iran. Ông này nằm trong danh sách trừng phạt của cả Mỹ và Anh. Hiện phía Israel chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Trong một diễn biến khác, ngày 15/7, LHQ cho biết tổ chức này sẽ bắt đầu chuyển thêm xe bọc thép và thiết bị bảo vệ cá nhân dành cho các hoạt động viện trợ nhân đạo ở Dải Gaza sau khi được chính quyền Israel tạo điều kiện.
Trao đổi với báo giới, ông Scott Anderson, Phó điều phối nhân đạo cho Dải Gaza và Bờ Tây, cho biết động thái trên của Israel là nhằm phản hồi bức thư được LHQ gửi tới nước này vào tháng trước, trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo sự an toàn của người dân và an ninh ở Dải Gaza.
Ngoài ra, việc cung cấp thêm một số thiết bị liên lạc như bộ đàm cầm tay, cũng đã được phía Israel chấp thuận. LHQ cũng đang thảo luận với Israel về yêu cầu tiếp cận mạng Internet ổn định.
LHQ từ lâu đã phàn nàn về những trở ngại trong việc vận chuyển hàng viện trợ vào Gaza khi Israel kiểm tra và phê duyệt tất cả các xe tải ra vào, đồng thời cho biết họ cũng đang gặp khó khăn trong việc phân phối viện trợ trong bối cảnh xung đột leo thang.
Tổ chức đa phương này không muốn các hoạt động thông tin liên lạc phụ thuộc vào tháp điện thoại di động vì chúng không đáng tin cậy. Tuy nhiên, Chính quyền Israel lo ngại Hamas có thể gây ra mối đe dọa an ninh nếu truy cập được dịch vụ internet vệ tinh.
Cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước Petra của Jordan đưa tin các Lực lượng vũ trang Jordan và Ai Cập đã thực hiện ba đợt thả hàng viện trợ nhân đạo xuống một số địa điểm ở phía Nam Dải Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, các đợt thả hàng cứu trợ này nhằm hỗ trợ người dân Palestine trong bối cảnh xung đột đang tiếp diễn ở Dải Gaza. Hai máy bay của Không quân Hoàng gia Jordan và một máy bay của Ai Cập đã tham gia hoạt động này.
Lực lượng vũ trang Jordan khẳng định sẽ tiếp tục gửi viện trợ nhân đạo và y tế qua cầu hàng không, vận chuyển bằng máy bay viện trợ từ sân bay Marka đến sân bay quốc tế El-Arish của Ai Cập, hoặc thông qua các hoạt động thả hàng ở Dải Gaza hoặc qua các đoàn xe viện trợ trên đất liền, với hy vọng giúp người dân Gaza vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng phát, Lực lượng vũ trang Jordan đã thực hiện 117 đợt thả dù mang hàng cứu trợ xuống Dải Gaza. Ngoài ra, nước này còn tiến hành 266 đợt thả hàng khác với sự phối hợp cùng các nước khác.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)