Giáo viên 4 ngày vừa dạy vừa phải đọc, góp ý 24 cuốn sách giáo khoa?

Bộ Giáo dục cần mở diễn đàn góp ý sách giáo khoa công khai để giáo viên, bạn đọc được tự do trình bày ý kiến của mình một cách nhanh và chính xác nhất.

4 ngày cho 24 cuốn sách đọc lướt cũng chưa xong

Người viết nhận email của tổ chuyên môn về việc góp ý sách giáo khoa lớp 2 vào ngày thứ 3, ngày hết hạn nộp góp ý vào thứ 7.

Phiếu góp ý và bình chọn sách giáo khoa lớp 2 (Ảnh: Đỗ Quyên)

Phiếu góp ý và bình chọn sách giáo khoa lớp 2 (Ảnh: Đỗ Quyên)

Được biết, 2 ngày cuối tuần để tổ trưởng chuyên môn tổng hợp gửi về trường. Sau đó, nhà trường lại tổng hợp gửi về Phòng trước ngày thứ 3. Và, chắc chắn Phòng lại tổng hợp gửi ra Sở, từ sở sẽ đến Bộ…nên thời gian mới thần tốc như vậy.

Giáo viên có 4 ngày để hoàn thành cho việc góp ý 24 cuốn sách giáo khoa mới. Nếu cho ngồi ròng rã 4 ngày chỉ để đọc sách và bình chọn cũng chưa dám chắc sẽ đọc hết (đọc và hiểu) 24 cuốn sách.

Đằng này, nói là 4 ngày nhưng suốt ngày giáo viên phải đi dạy, tối về nào hồ sơ sổ sách, ra đề kiểm tra giữa kỳ, học chương trình bồi dưỡng chương trình mới, có thầy cô còn học chứng chỉ nghề nghiệp.

Ngoài ra, còn biết bao công việc phục vụ cho việc mưu sinh để duy trì cuộc sống. Xong xuôi mọi việc, giáo viên mới có thể ngồi vào bàn để đọc sách thì lúc này trời cũng đã khuya.

Tâm tư của những thầy cô tham gia bình chọn sách giáo khoa lớp 1

Người chịu khó cũng chỉ lật chưa hết cuốn sách cũng đã díp mắt lại vì cả ngày đi dạy, tối về còn ôm cả đống việc nên mệt mỏi rã rời.

Thời gian eo hẹp, muốn kịp tiến độ giáo viên chỉ còn cách góp ý bừa, đánh dấu cho xong chuyện?

Đọc 24 cuốn sách giáo khoa trong một thời gian ngắn để nhận xét cho 3 nhóm tiêu chí (Tiêu chí 1: Phù hợp với việc học của học sinh; Tiêu chí 2: Thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; Tiêu chí 3: Phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội ở địa phương ), mỗi nhóm tiêu chí lại có từ 3 đến 4 yêu cầu, giáo viên quả là siêu nhân mới có thể đáp ứng đúng yêu cầu.

Ngoài việc nhận xét góp ý theo các tiêu chí quy định, giáo viên phải bình chọn bộ sách mình tâm đắc nhất.

Muốn bình chọn sách chính xác, thầy cô phải đọc, phải thấm và phải hiểu. Nhưng thời gian gấp gáp thế, giáo viên chỉ có thể đọc lướt hết 24 cuốn sách đã là một cố gắng lớn thì nói gì đến việc góp ý?

Nếu chỉ lật, giở từng tờ lướt qua cũng chẳng thể tìm ra điều gì để nhận xét góp ý. Chẳng khác gì việc góp ý sách lớp 1 năm học 2020-2021 vừa qua.

Lựa chọn sách giáo khoa, sao có thể là một sớm một chiều?

Nhiều địa phương tổ chức 2 buổi để góp ý cho 5 bộ sách với hơn 30 cuốn sách giáo khoa. Vậy nên, giáo viên góp ý chẳng thấy chỉ ra được sạn nhưng khi vào giảng dạy lại thấy sạn trong từng bộ sách không hề ít.

Điều lạ rằng, người phát hiện ra sạn trong sách giáo khoa không phải giáo viên (người trực tiếp giảng dạy) mà chính là độc giả. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần cũng do giáo viên không có thời gian để đọc sách.

Lệnh trên đã ban, phải góp ý sách mà không cần biết giáo viên có đủ thời gian để thực hiện hay không. Vì thế, không nhận xét góp ý, không bình chọn sẽ không được.

Thế là “cái khó ló cái khôn”, nhiều giáo viên bảo nhau, đọc lướt tìm ra vài lời nhận xét về hình thức, kênh chữ, kênh hình và cứ ghi đồng ý một bộ sách nào đó là được.

Kiến nghị mở kênh góp ý trên các diễn đàn

Hiện, ngành giáo dục đang thực hiện việc góp ý sách giáo khoa theo kiểu giáo viên gửi góp ý về tổ, tổ tổng hợp về trường, trường tổng hợp về Phòng, phòng tổng hợp về Sở và Sở gửi về Bộ.

Vì thế, thời gian góp ý của giáo viên quá ít mà việc tổng hợp các ý kiến chạy lòng vòng cấp này qua cấp khác lại mất quá nhiều thời gian.

Việc tổng hợp các ý kiến góp ý còn mang đến điều bất cập như việc có những góp ý thẳng thắn, trung thực biết đâu đó được nằm lại bên dưới mà không được xuất hiện lên trên vì khá nhiều lý do.

Bởi thế, chúng tôi nghĩ, Bộ Giáo dục cần mở diễn đàn góp ý sách giáo khoa công khai để giáo viên, bạn đọc được tự do trình bày ý kiến của mình một cách nhanh và chính xác nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-4-ngay-vua-day-vua-phai-doc-gop-y-24-cuon-sach-giao-khoa-post216367.gd