Giáo viên Bắc Giang tranh tài cải tiến đồ dùng dạy học
Hội thi KHKT chuyên đề làm mới, cải tiến đồ dùng dạy học của giáo viên huyện Lạng Giang phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy.
Ngày 28/2, Phòng GD&ĐT huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) tổ chức Hội thi khoa học kỹ thuật (KHKT) chuyên đề làm mới, cải tiến đồ dùng dạy học năm học 2022-2023 với sự tham gia sôi nổi và cống hiến tích cực của các thầy cô giáo đến từ ba cấp học (Mầm non, Tiểu học và THCS). Ông Hà Huy Giáp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) tới dự.
Tại Hội thi có 239 bộ đồ dùng phục vụ cho các môn học dự thi. Đặc biệt, ấn tượng của 239 bộ sản phẩm là sự đa dạng, sáng tạo và hiệu quả ứng dụng trong giảng dạy của giáo viên. Ở mỗi cấp học, những thiết bị đồ dùng dự thi mang những đặc trưng khác nhau, song điểm chung là tính ứng dụng, tiết kiệm, thẩm mĩ và nhân văn sâu sắc.
Vật liệu làm ra các bộ sản phẩm là các chất liệu tái chế, chất liệu tự nhiên như nắp chai nhựa, vỏ xốp, quả thông hay các linh kiện điện tử đơn giản… nhưng với óc sáng tạo, đôi tay tài hoa, tấm lòng tâm huyết, các thầy cô đã thổi hồn cho tác phẩm dự thi.
Nhiều bộ đồ dùng dự thi đến từ các trường: Mầm Non Nghĩa Hòa, Mầm non Xuân Hương, Tiểu học Tân Dĩnh, THCS Thị trấn Vôi số 1, THCS Thái Đào... khiến Ban giám khảo và người xem bất ngờ, thán phục bởi chi phí đầu tư hạn chế nhưng giá trị giáo dục và tính ứng dụng lớn trong nhà trường.
Khai mạc Hội thi, ông Đặng Thiều Quang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lạng Giang cho biết, với yêu cầu về thiết bị dạy học trong nhà trường là rất lớn, chủng loại rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, trong điều kiện thiết bị dạy học được cấp còn thiếu thốn, kinh phí còn rất hạn chế, thì đồ dùng dạy học tự làm có ý nghĩa rất thiết thực nhằm bổ sung những thiết bị còn thiếu. Đặc biệt, có ý nghĩa thực tế rất cao vì nó xuất phát từ tình hình của từng lớp học, từng trường học mà bổ sung đồ dùng dạy học một cách kịp thời, phù hợp.
"Các bộ đồ dùng đến với hội thi được yêu cầu dễ làm, dễ tìm kiếm, đơn giản mà hiệu quả, thì đồ dùng dạy học tự làm như những mắt xích góp phần lấp đầy những khoảng trống trong hệ thống đồ dùng dạy học trong nhà trường. Đồng thời, để thực hiện nhiệm vụ năm học và sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT về "quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy học" đẩy mạnh hơn nữa việc mua sắm, sử dụng, quản lý thiết bị đồ dùng dạy học...", ông Đặng Thiều Quang chia sẻ.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lạng Giang cũng nhấn mạnh, Hội thi khoa học kỹ thuật chuyên đề làm mới, cải tiến đồ dùng dạy học là một hoạt động sư phạm mang tính sáng tạo cao, hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo
"Hội thi làm mới, cải tiến đồ dùng dạy học thể hiện sự đầu tư công phu, mang tính thực tiễn, hiệu quả cao, mỗi đồ dùng là một sản phẩm trí tuệ, là sự khéo léo được gởi gắm với cả tâm huyết của người thầy , là dịp để các thầy cô giáo thể hiện niềm say mê nghiên cứu khoa học. Đây cũng là nơi để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về làm đồ dùng dạy học, qua đó khơi dậy và nhân rộng phong trào tự làm đồ dùng dạy học trong toàn ngành...", ông Đặng Thiều Quang đánh giá.
Hội thi thực sự là ngày hội đua tài, tạo cơ hội để các thầy cô giáo thể hiện sự sáng tạo, sự tâm huyết và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của các thầy, các cô. Qua Hội thi góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã lựa chọn và trao 167 giải cho các đơn vị, bộ sản phẩm. Trong đó, có 8 giải Nhất, 22 giải Nhì và 54 giải Ba. Ngoài ra Ban tổ chức cũng trao 83 giải Khuyến khích cho các bộ sản phẩm.
Nhân dịp này, Phòng GD&ĐT huyện Lạng Giang cũng khen thưởng cô Nguyễn Thị Loan - GV trường Tiểu học Dương Đức đạt giải Nhì trong Cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I - năm 2022 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.