Giáo viên chia sẻ bí quyết làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT

Ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã dần cận kề. Công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 đã cơ bản hoàn tất. Bên cạnh kiến thức thì việc thí sinh chuẩn bị cho bản thân những kỹ năng làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT là điều rất cần thiết. Với nhiều năm kinh nghiệm luyện thi tốt nghiệp THPT, các giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ bí quyết giúp thí sinh có thể làm tốt bài thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

* CÔ PHẠM THỊ DIỆU HIỀN, TỔ TRƯỞNG TỔ NGỮ VĂN:

Nắm chắc kiến thức cơ bản, tránh dài dòng

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Ngữ văn là môn thi đặc thù với hình thức thi tự luận. Đề thi môn Ngữ Văn có hai phần cơ bản gồm phần đọc hiểu và phần làm văn.

Với phần đọc hiểu, thí sinh cần bám sát và đọc kỹ phần ngữ liệu trong đề thi. Phần đọc hiểu thường chiếm khoảng 3 điểm, do đó đề thi hỏi gì thí sinh trả lời đó, đúng trọng tâm, diễn đạt thành câu văn, tránh trường hợp trả lời dài dòng, mất thời gian và có thể sẽ mất điểm đáng tiếc.

Các câu hỏi phần đọc hiểu thường rơi vào một số nội dung như hỏi về phương thức biểu đạt, diễn đạt nội dung thành một câu hoàn chỉnh, các phần về từ ngữ, ngữ pháp Tiếng Việt…

Ở phần làm văn sẽ yêu cầu thí sinh một bài nghị luận xã hội khoảng vài trăm từ và một bài nghị luận văn học. Với phần làm văn, thí sinh cần bám sát kiến thức, phương pháp làm các kiểu bài nghị luận xã hội cũng như nghị luận văn học mà thầy cô đã dạy trên lớp. Một điều mà thí sinh cũng cần chú ý, đó là nên vạch các ý chính ra giấy nháp trước khi làm bài, sau đó mới diễn đạt lời văn vào bài làm.

Với phần nghị luận văn học thường chiếm điểm rất cao trong toàn bộ bài thi, do đó thí sinh cần tập trung vào yêu cầu của đề để làm bài, diễn đạt bố cục thành các phần rõ ràng, sắp xếp ý tứ cho mạch lạc. Bên cạnh đó, với bài thi môn Ngữ văn, thí sinh cần tránh bôi xóa, tránh bỏ dòng, nên viết chữ đẹp, rõ ràng khi làm bài thi.

* CÔ NGUYỄN THỊ KIM UYÊN, TỔ TRƯỞNG TỔ VẬT LÝ:

Đọc kỹ yêu cầu đề bài

Bài thi Khoa học tự nhiên sẽ gồm các môn thi thành phần như Vật lý, Hóa học, Sinh học. Mỗi môn thi thành phần sẽ có thời gian làm bài 50 phút tương ứng với 40 câu trắc nghiệm. Không riêng gì môn Vật lý mà hai môn còn lại, thí sinh phải nắm chắc kỹ năng làm bài.

Nguyên tắc bất thành văn là câu hỏi nào dễ làm trước, khó làm sau. Khi đọc đề, đặc biệt là bài tập, thí sinh không nên chú trọng đến số liệu, dữ kiện bài toán mà cần đọc kỹ qua yêu cầu của đề, để không hiểu sai nội dung, yêu cầu. Vì thế, thí sinh nên cẩn thận gạch chân một số cụm từ khóa khi đọc đề bài. Chẳng hạn, trong vật lý có các thuật ngữ cần phân biệt như cùng pha, ngược pha, vuông pha, sớm pha, trễ pha, lệch pha... để tìm ra đáp án chính xác.

Đến giai đoạn làm bài, thí sinh nên thực hiện theo nguyên tắc làm cẩn thận từ câu dễ đến câu khó, đặc biệt là phải cố gắng làm thật chính xác 20 câu đầu, rồi hãy làm các câu tiếp theo.

Một điểm lưu ý nữa là thí sinh cần tô chính xác nội dung mà mình chọn trong đề thi tương ứng với số thứ tự trong phiếu trả lời trắc nghiệm, lý do là số câu hỏi khá nhiều làm cho thí sinh có thể dễ bị nhầm lẫn. Với những câu hỏi khó, hãy bình tĩnh sử dụng giấy nháp, máy tính và kiến thức để giải quyết vấn đề. Những ngày cuối cùng trước khi bước vào thi tốt nghiệp THPT, thí sinh nên xem lại các công thức, kiến thức cơ bản để có thể làm tốt các bài thi.

* THẦY TRẦN THANH SƠN, TỔ PHÓ TỔ TOÁN:

Không nên chủ quan với câu hỏi dễ

Môn Toán với 50 câu hỏi trắc nghiệm. Việc đầu tiên sau khi nhận đề thi, thí sinh cần đọc lướt qua toàn bộ bài thi. Trong quá trình làm bài, thí sinh cần làm trước những câu hỏi dễ, khó làm sau, tránh trường hợp dồn quá nhiều thời gian cho một câu hỏi.

Với những câu hỏi dễ, thí sinh không nên chủ quan mà cần tính toán lại 1 đến 2 lần để có thể tìm được đáp ứng đúng. Trên thực tế, không ít thí sinh khá giỏi lại sai ở câu hỏi dễ rất đáng tiếc.

Đối với những câu hỏi mang tính chất vận dụng, thí sinh cần đọc kỹ nội dung đề, liên hệ các công thức mà thầy cô đã dạy trên lớp để giải quyết. Với những câu mang tính chất vận dụng cao ở những câu hỏi cuối đề thi để phân loại thí sinh, thì cần linh hoạt áp dụng tổng thể các kiến thức toán học, các biện pháp suy luận loại suy để tìm ra phương án tốt nhất cho bài làm.

Sau khi thực hiện các quy trình ở các câu hỏi, thí sinh cần rà soát lại một lần nữa, tới giờ gần nộp bài nếu chưa tìm được đáp án, thí sinh cũng cần chọn theo yếu tố may mắn, không nên bỏ sót bất kỳ câu hỏi nào.

* CÔ TRẦN THỦY TIÊN, TỔ TRƯỞNG TỔ TIẾNG ANH:

Phân tích câu hỏi, gạch chân tìm từ khóa

Tiếng Anh là môn trắc nghiệm kiến thức ngôn ngữ. Học Tiếng Anh được xem là quá trình tích lũy kiến thức lâu dài, chính vì vậy bài thi Tiếng Anh sẽ kiểm tra các kiến thức Tiếng Anh của thí sinh đã học qua và bám sát với đề thi minh họa đã công bố trước đó.

Đối với môn thi Tiếng Anh, việc đầu tiên thí sinh cần làm là đọc lướt qua đề thi một lần từ đầu đến cuối. Nguyên tắc câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau, không nên mất quá nhiều thời gian cho việc dịch nghĩa từ ngữ và nội dung, nếu gặp từ mới các thí sinh sẽ mất bình tĩnh, ảnh hưởng đến tinh thần làm bài thi.

Với một số câu hỏi trong đề thường sẽ có dấu hiệu nhận biết để tìm đáp án, chính vì vậy thí sinh cần phải nhanh trí, bình tĩnh tìm ra đáp án đúng. Thí sinh cần phân tích các câu hỏi, gạch chân từ khóa trong câu hỏi và các phương án trả lời.

Với dạng bài đọc hiểu, thí sinh cần đọc lướt qua một lần và phân tích từng chỗ trống, vận dụng cách làm bài từ vựng và ngữ pháp để chọn đáp án đúng. Nên nhớ, kỹ năng suy luận, loại suy trong làm bài trắc nghiệm là rất quan trọng, nếu tới giờ cuối mà chưa tìm ra câu trả lời, thí sinh nên chọn phương án mà bản thân nghi ngờ sau khi đã loại suy.

ĐỖ PHI (lược ghi)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202107/giao-vien-chia-se-bi-quyet-lam-tot-bai-thi-tot-nghiep-thpt-928782/