Giáo viên chờ bỏ quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT cho biết, bắt đầu từ tháng 2 tới đây, quy định về việc giáo viên phải có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ (TH-NN) sẽ được loại bỏ. Đây là thông tin khiến đông đảo giáo viên cảm thấy phấn khởi.

Giáo viên Trường tiểu học Phan Bội Châu (H.Thống Nhất) ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn bài giảng. Ảnh: C.Nghĩa

Giáo viên Trường tiểu học Phan Bội Châu (H.Thống Nhất) ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn bài giảng. Ảnh: C.Nghĩa

Việc loại bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ TH-NN trong quá trình tuyển dụng và công tác kỳ vọng sẽ loại bỏ được bệnh hình thức về bằng cấp, cốt chỉ cần “hồ sơ đẹp” nhưng trình độ và khả năng ứng dụng không có.

* Khổ vì … “chứng chỉ con”

Cô P.T.T.T. công tác tại một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa) đến nay đã trên 25 năm. Cô T. cho biết, thời cô được tuyển dụng ngành không đòi hỏi phải có chứng chỉ TH-NN. Việc ngành Giáo dục rà soát các loại chứng chỉ của giáo viên trong thời gian qua đã khiến không ít người cảm thấy lo lắng. “Tuổi của tôi không còn bao lâu nữa là về hưu, giờ có đi học tin học hay ngoại ngữ chắc cũng khó “vô” nổi nên nếu Nhà nước cho nghỉ vì thiếu chứng chỉ cũng đành chịu thôi” - cô T. bày tỏ.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ, trong lúc chờ Bộ GD-ĐT có những thay đổi về bỏ quy định chứng chỉ TH-NN thì không thể xử lý giáo viên một cách cứng nhắc là buộc tạm dừng công tác hay cho thôi việc. TH-NN là những kỹ năng cần thiết, vì vậy ngay cả khi sau này Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT có văn bản chính thức bãi bỏ quy định này vẫn cần có cơ chế động viên, khuyến khích giáo viên tự học, tự nâng cao trình độ, bởi trong thời đại 4.0 giáo viên không thể không có các kỹ năng TH-NN được. Sắp tới, Sở cũng sẽ nghiên cứu, tìm giải pháp bồi dưỡng nâng cao trình độ TH-NN cho giáo viên các bậc học theo hướng đảm bảo thực chất, nâng cao trình độ là để ứng dụng chứ không phải học chỉ để làm đẹp hồ sơ.

Trong khi đó, cô L.T.T.P. là một trong số 26 trường hợp giáo viên mầm non còn đang “nợ” chứng chỉ TH-NN sau đợt rà soát của TP.Biên Hòa. Để sớm có được chứng chỉ TH-NN cho đủ hồ sơ theo quy định, nhiều tháng qua vào mỗi dịp cuối tuần, cô lại tranh thủ đi học thêm. Cô P. chia sẻ: “Tôi rất mừng khi có thông tin sắp tới sẽ bỏ điều kiện “chứng chỉ con” là TH-NN đối với giáo viên. Nếu được như vậy giáo viên chúng tôi sẽ bớt đi áp lực phần nào, bởi thực tế công việc chăm sóc trẻ của giáo viên mầm non như tôi không nhất thiết phải có những loại chứng chỉ này. Theo tôi, chỉ cần khuyến khích giáo viên tự học nếu có điều kiện”.

Theo phản ánh của hiệu trưởng nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, tình trạng giáo viên bị thiếu các chứng chỉ TH-NN khá phổ biến, nhất là giáo viên được đào tạo trước đây, nay đã lớn tuổi và sắp về hưu. Ngay cả giáo viên trẻ được tuyển dụng, dù có đủ cả chứng chỉ TH-NN đi chăng nữa thì khả năng ứng dụng cũng kém. Môi khi cần sử dụng đến kỹ năng TH-NN, không ít giáo viên tỏ ra bối rối, buộc phải vào Google sử dụng công cụ dịch thuật, hoặc vào YouTube tìm video hướng dẫn cách xử lý tình huống.

Hiệu trưởng một trường THCS tại H.Long Thành cho rằng: “Cần loại bỏ sớm những kiểu chứng chỉ mang tính điều kiện như TH-NN, thay vào đó là khuyến khích giáo viên tự học, bởi thực tế nếu giáo viên không tự học là đang tự “đào thải” mình”.

* Khi nào sẽ bỏ chứng chỉ?

Trước các thông tin Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT thống nhất sẽ bỏ điều kiện giáo viên phải có chứng chỉ TH-NN trong quá trình tuyển dụng và công tác, nhiều giáo viên cho rằng đây là một quyết định phù hợp với thực tế, “cởi trói” cho giáo viên, đồng thời có thể ngăn ngừa những tiêu cực trong bằng cấp, chứng chỉ. Bởi để đối phó với quy định của ngành, giáo viên có thể mua chứng chỉ giả để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục của mình mà cơ quan chủ quản rất khó xác minh đó là chứng chỉ giả hay thật.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Lưu Thị Ngọc Quế cho hay, hiện vẫn chưa có văn bản chính thức nào của Bộ GD-ĐT về việc loại bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ TH-NN nên giáo viên vẫn trong tâm trạng nửa mừng, nửa lo. Chừng nào chưa loại bỏ được điều kiện “chứng chỉ con” thì giáo viên còn phải lo “đối phó”. Cũng theo bà Quế, cần sớm loại bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ TH-NN để tránh những khó khăn, rắc rối, bởi giáo viên vốn đã rất áp lực với công việc, thời gian đi học bổ sung sẽ rất khó sắp xếp, học có “vào” hay không, thậm chí có chứng chỉ rồi liệu có phát huy hiệu quả không còn là điều không ai dám chắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn cho rằng trong thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nếu giáo viên thiếu đi 2 kỹ năng TH-NN sẽ là một thiếu sót, ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Phó cục trưởng Cục Nhà giáo Bộ GD-ĐT Đặng Văn Bình cho biết: “Bằng cấp chứng chỉ chỉ là điều kiện cần, còn muốn đủ thì mỗi giáo viên phải tự đối chiếu mình với quy định chuẩn chức danh giáo viên để tự chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ, tự làm mới mình và phục vụ cho chính bản thân mình trong quá trình công tác”.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202101/giao-vien-cho-bo-quy-dinh-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-3038831/