Giáo viên cơ bản vẫn phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo Nghị định 115?

Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng yêu cầu ngoại ngữ, tin học đối với gần như tất cả viên chức khi tuyển dụng, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học khiến cho nhiều thầy cô giáo vui mừng nhưng thực tế trong các Thông tư các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT mà Bộ vừa ban hành vẫn yêu cầu trình độ ngoại ngữ, tin học đối với tất cả giáo viên các cấp.

Là giáo viên đang đứng lớp, chúng tôi rất vui mừng, trân trọng và biết ơn những nỗ lực của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ để bãi bỏ các giấy phép con này. Tuy nhiên, khi đọc kĩ các quy định liên quan về tuyển dụng, thăng hạng viên chức đối với giáo viên mà ngành giáo dục không phải cơ quan có quyền quyết định, chúng tôi không khỏi băn khoăn.

Cụ thể, trong khoản 4 (Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ), Điều 3,4,5 (tương ứng với giáo viên hạng III, II, I), chương II (Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) của 4 Thông tư đều có quy định về trình độ ngoại ngữ và tin học.

Giáo viên vẫn phải học ngoại ngữ và tin học bởi các Thông tư các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT không yêu cầu cụ thể chứng chỉ nhưng trong cả 4 Thông tư đều có yêu cầu: “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin”; “có khả năng sử dụng ngoại ngữ” trong một số nhiệm vụ được giao” đối với giáo viên hạng III, II, I ở cả 4 cấp học.

Ảnh minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.

Ảnh minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.

Yêu cầu ngoại ngữ, tin học không chỉ có trong các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 20, 26/2018 về xét chuẩn nghề nghiệp giáo viên mà trong Nghị định số 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cũng yêu cầu ngoại ngữ, tin học đối với gần như tất cả viên chức khi tuyển dụng, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định rất rõ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và đối tượng được miễn

Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Khoản 3 điều 36 (Hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp) Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng:

"Trường hợp viên chức có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng thì được sử dụng thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học;

Trường hợp viên chức được miễn thi môn ngoại ngữ, môn tin học quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định này thì được miễn chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học;"

Theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 1, Điều 9 thì khi thi tuyển viên chức, những đối tượng sau được miễn thi môn ngoại ngữ và tin học:

c) Miễn phần thi ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, thầy cô ví như "cơn mưa rào đi qua vùng nắng hạn"

Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;

Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

d) Miễn phần thi tin học đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin”.

Cũng tại khoản 6, 7 của Điều 39, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP hướng dẫn về: “Hình thức, nội dung và thời gian thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp” thì những đối tượng được miễn thi ngoại ngữ và tin học, đó là:

6. Miễn thi môn ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:

c) Viên chức có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành ngoại ngữ hoặc có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp dự thi;

d) Viên chức có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học hoặc có bằng tốt nghiệp theo yêu cầu trình độ đào tạo so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp dự thi học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

7. Miễn thi môn tin học đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin”.

Như vậy, chúng tôi thấy rằng giáo viên được xếp vào ngạch viên chức và đã là viên chức thì phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể của pháp luật. Ngoài các đối tượng được miễn thi ngoại ngữ, tin học, hồ sơ dự thi hoặc xét thăng hạng viên chức của các giáo viên còn lại vẫn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học (theo Khoản 3, Điều 36 Nghị định 115/2020/NĐ-CP).

Bộ Giáo dục có bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, thầy cô càng phải học nghiêm túc

Cho dù các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT mà Bộ vừa ban hành dù không yêu cầu cụ thể về chứng chỉ cho từng hạng giáo viên nhưng trong thi tuyển viên chức của giáo viên vẫn yêu cầu trình độ ngoại ngữ, tin học vì các nội dung thi ngoại ngữ và tin học đã được hướng dẫn cụ thể trong Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.

Các thông tư mới của Bộ Giáo dục không thể quy định trái Nghị định 115

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 có những quy định khá chặt chẽ. Cụ thể:

Khoản 1 Điều 14 (Những hành vi bị nghiêm cấm):

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Khoản 7 Điều 7 (Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật):

Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tiết.

Khoản 2 điều 156 (Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật):

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Theo điều 4 (Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật), Luật 80/2015/QH13 thì Nghị định của Chính phủ xếp thứ 5, Thông tư của Bộ trưởng xếp thứ 8. Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Mai (Trường Đại học Luật Hà Nội) phân tích trên Tạp chí Tòa án:

"Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật được xác định dựa trên vị trí của cơ quan ban hành trong bộ máy nhà nước và tính chất pháp lý của văn bản đó." [1]

Vậy nên, việc bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ và tin học trong các Thông tư mà Bộ vừa ban hành theo cách hiểu của người viết, điều này không có nghĩa là giáo viên không phải học bởi ngay từ khâu tuyển dụng đầu tiên lúc mới vào nghề đến khi xếp hạng giáo viên, hạng III, II, I từ cấp mầm non đến trung học phổ thông đều yêu cầu trình độ ngoại ngữ và tin học.

Đồng thời Nghị định 115/2020/NĐ-CP vẫn yêu cầu Hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, trừ một số trường hợp được miễn do có văn bằng chứng chỉ khác.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/thu-bac-hieu-luc-phap-ly-va-nguyen-tac-ap-dung-van-ban-quy-pham-phap-luật

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-co-ban-van-phai-co-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-theo-nghi-dinh-115-post215837.gd