Giáo viên còn gặp nhiều khó khăn khi ra đề kiểm tra Ngữ văn
Làm sao để lựa chọn ngữ liệu đúng và hay cho đề kiểm tra Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những trăn trở của nhiều giáo viên.
Phân bổ thang điểm giữa phần đọc hiểu và viết với tỉ lệ bao nhiêu?
Nhiều trường phổ thông thiết lập ma trận cho đề kiểm tra định kì (giữa kì và cuối kì) môn Ngữ văn là 6 điểm phần đọc hiểu và 4 điểm phần viết. Nhưng cũng không ít trường cho thang điểm phần viết cao hơn phần đọc hiểu hoặc cả hai phần bằng nhau.
Cần biết, khoản 1, Điều 7, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định đánh giá định kì như sau: "Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện."
Yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn phân chia tỉ lệ điểm giữa các kĩ năng (đọc và viết) như sau:
"Thời lượng dành cho các nội dung giáo dục do tác giả sách giáo khoa và giáo viên chủ động sắp xếp căn cứ vào yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp và thực tế dạy học. Tuy nhiên, cần bảo đảm tỉ lệ hợp lí giữa các thành phần sau:
Giữa trang bị kiến thức và rèn luyện kĩ năng (trọng tâm là rèn luyện kĩ năng thực hành, vận dụng);
Giữa các kiểu, loại văn bản đọc, viết, nói và nghe (dành thời lượng nhiều hơn cho đọc văn bản văn học);
Giữa các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe (dành thời lượng nhiều hơn cho việc rèn luyện kĩ năng đọc); cụ thể tỉ lệ thời lượng dành cho các kĩ năng ở từng lớp như sau:
Từ lớp 6 đến lớp 9: đọc (khoảng 63%); viết (khoảng 22%); nói và nghe (khoảng 10%); đánh giá định kì (khoảng 5%).
Từ lớp 10 đến lớp 12: đọc khoảng 60%; viết (khoảng 25%); nói và nghe (khoảng 10%); đánh giá định kì (khoảng 5%).
Như vậy, trường nào chọn cấu trúc đọc 5,0 điểm; viết 5,0 điểm và đánh giá là phù hợp. Còn cấu trúc đọc: 4,0 điểm; viết: 6,0 điểm là không phù hợp với định hướng giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo phân tích ở trên.
Làm sao để lựa chọn ngữ liệu đúng và hay?
Theo trao đổi chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, việc lựa chọn một ngữ liệu chuẩn, đảm bảo các yêu cầu về giá trị thẩm mĩ, giá trị giáo dục với độ dài phù hợp; nội dung hay, phù hợp; nguồn trích dẫn đáng tin cậy,… là khó.
Giáo viên có thể tham khảo các cách sau: Tổ bộ môn cần xây dựng ngân hàng đề, kho dữ liệu dùng chung để ra đề; căn cứ, tham khảo các văn bản trong sách giáo khoa để chọn ngữ liệu; tổ chức phân tích, báo cáo chuyên đề về chọn ngữ liệu trong họp tổ.
Việc chọn ngữ liệu phải gắn với việc xử lí ngữ liệu: cắt lược, lược dẫn, cước chú, thêm chú thích, cung cấp thông tin về bối cảnh (nếu cần),… để hỗ trợ học sinh trong việc đọc hiểu văn bản.
Về độ khó, có thể ngữ liệu ngắn nhưng khó, ngữ liệu dài nhưng dễ do liên quan đến cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, các thuật ngữ, nội dung quen thuộc hay mới lạ, chuyên sâu,…
Tinh thần kiểm tra theo Chương trình mới mới là đánh giá năng lực nên việc sử dụng văn bản mới để đọc hiểu và viết bài phân tích là phù hợp với định hướng dạy học phát triển năng lực. Văn bản được chọn để kiểm tra nên là văn bản ngoài cả 3 bộ sách giáo khoa để đảm bảo công bằng, minh bạch.
Mặt khác, không phải mọi đề kiểm tra đều là đọc hiểu và viết đều là tác phẩm văn học. Còn có văn bản nghị luận, văn bản với các yêu cầu khác nhau về kiểu bài viết. Việc báo trước, rào trước, giới hạn văn bản cho học sinh chuẩn bị là sai với quy định của chương trình.