Giáo viên đau ốm có được quyền từ chối khi hiệu trưởng phân công phụ đạo?
Với trường hợp khi được phân công công việc, giáo viên nếu cảm thấy không phù hợp có thể làm đơn trình hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn hoặc thanh tra nhân dân...
Một bạn đọc có tên Tuong ….. có địa chỉ mail khoah….@gmail.com gửi thư về Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam câu hỏi như sau:
“Tôi là giáo viên nam sinh tháng 5/1967 hiện nay là một giáo viên công tác tại một trường tiểu học công lập. Tôi hiện đang đứng lớp giảng dạy học sinh. Hiệu trưởng phân công tôi ra làm giáo viên dự khuyết. Xong rồi bây giờ lại phân công tôi dạy phụ đạo học sinh yếu. Tôi vừa mới mổ thay van tim, sức khỏe hiện giờ rất yếu, nếu hiệu trưởng phân công tôi dạy học sinh yếu thì tôi có quyền được từ chối không?
Tôi có thể xin nghỉ hưu trước tuổi diện tinh giản biên chế năm 2021 được hay không? Chế độ cụ thể ra sao?".
Về vấn đề này, người viết theo hiểu biết của mình, xin được phép tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề từ chối phân công của Hiệu trưởng:
Căn cứ quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 11 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường tiểu học về nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng được ghi nhận như sau:
“Điều 11. Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng
1. Hiệu trưởng
d) Nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng:
[...] Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền.
Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật, hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Thực hiện các nhiệm vụ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan quản lý giáo dục; xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên; động viên và tạo điều kiện cho giáo viên và nhân viên tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục; thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên, nhân viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển, sắp xếp giáo viên; tổ chức các bước giới thiệu nhân sự đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng.[...]”.
Theo quy định này, hiệu trưởng có quyền phân công công tác đối với giáo viên, nhân viên trong đơn vị giáo dục theo đúng quy định của pháp luật thuộc phạm vi mà hiệu trưởng quản lý.
Bên cạnh đó tại Danh mục khung vị trí việc làm trong trường tiểu học được quy định ở Điều 3 Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có hiệu lực ngày 28/08/2017, theo đó:
1. Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành (02 vị trí):
a) Hiệu trưởng;
b) Phó hiệu trưởng.
2. Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hoạt động nghề nghiệp (01 vị trí): Giáo viên.
3. Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ (08 vị trí):
Thư viện, thiết bị; Công nghệ thông tin; Kế toán; Thủ quỹ; Văn thư; Y tế; Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; Giáo vụ (áp dụng đối với trường dành cho người khuyết tật).
Theo đó, các vị trí việc làm tại trường tiểu học, tôi không thấy có vị trí giáo viên dự khuyết, cũng không có vị trí cho giáo viên dạy phụ đạo học sinh yếu (có thể do tình hình hiệu trưởng có thể phân công giáo viên dạy thiếu tiết đảm nhận).
Do đó, với trường hợp khi được phân công công việc, giáo viên nếu cảm thấy không phù hợp có thể làm đơn trình hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn hoặc thanh tra nhân dân về vấn đề phân công công việc này để thỏa thuận sắp xếp lại công việc được giao.
Nếu trường hợp hiệu trưởng không đồng ý với đơn đề nghị thay đổi phân công thì giáo viên không có quyền từ chối sự phân công công việc này mà phải thực hiện, sau đó nên có ý kiến về Phòng Nội vụ cấp huyện về quyết định phân công mình cho là không hợp lý.
Thứ hai, về nghỉ hưu trước tuổi do sức khỏe yếu:
Theo nội dung bạn trình bày bạn bị mổ thay van tim nên hiện nay sức khỏe yếu, việc dạy không đảm bảo nên tôi khuyên bạn nên đến hội đồng y khoa cấp tỉnh kèm theo các chứng từ sức khỏe yếu: Mổ van tim, huyết áp, tim mạch, tiểu đường, vấn đề sức khỏe khác,… để được giám định sức khỏe.
Đó chính là căn cứ để được nghỉ hưu trước tuổi diện mất sức khỏe hoặc tinh giản biên chế.
Cụ thể: Căn cứ quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
“Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%;
b) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.”
Tại sao nhiều thầy cô từ chối nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?
Theo quy định này, viên chức bị suy giảm khả năng lao động thì có thể được nghỉ hưu trước tuổi. Đối với trường hợp này, thuộc thuộc vào tỷ lệ % giám định để xác định số tuổi được nghỉ hưu trước tuổi như sau:
- Giám định suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%: người lao động được nghỉ hưu khi có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 (Năm 2021, tuối tối đa được nghỉ trước tuổi theo quy định này đối với lao động nam là 55 tuổi 3 tháng, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng).
- Giám định suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: người lao động được nghỉ hưu khi có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 (Năm 2021, tuổi tối đa được nghỉ trước tuổi theo quy định này đối với lao động nam là 50 tuổi 3 tháng, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng).
Về chế độ hưởng lương hưu với đối tượng nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động được tính như quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2% (Theo quy định tại Khoản 3 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Thứ ba, về chế độ khi nghỉ tinh giản biên chế:
Xét với đối tượng tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định 143/2020/NĐ-CP thì bạn là giáo viên nam được nghỉ theo diện tinh giản theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP được xác định là:
Chính sách về hưu trước tuổi áp dụng đối với đối tượng tinh giản biên chế theo quy định trong trường hợp nếu có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và đáp ứng điều kiện đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, tại thời điểm năm 2021, với trường hợp của bạn, khoảng tuổi nghỉ hưu của viên chức theo quy định này là tối thiểu là 55 tuổi 3 tháng và tối đa là 58 tuổi 3 tháng, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng.
Bạn hiện nay 53 tuổi 8 tháng, theo đó, thời điểm hiện tại (năm 2021) bạn chưa đến tuổi nghỉ hưu trước tuổi theo quy định.
Đến năm 2023, tuổi nghỉ hưu tối thiểu theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP được sửa bổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP là 55 tuổi 9 tháng.
Do đó, bạn nếu nghỉ hưu trước tuổi theo diện tinh giản biên chế theo quy định này sẽ nghỉ hưu vào thời điểm kết thúc tháng 2 năm 2023.
Chế độ cụ thể đối với trường hợp này bao gồm:
- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
- Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
- Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 (một phần hai) tháng tiền lương.
- Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.
Trên đây là một số thông tin xin được trao đổi cùng bạn. Phần tư vấn có tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp có cách giải quyết khác nhau.