Giáo viên dạy bơi 'bơi' không hết việc

Mùa hè, nhiều giáo viên thường dạy bơi từ sáng sớm đến tối muộn. Tuy công việc vất vả nhưng họ có nhiều niềm vui.

Một ngày, thầy Nguyễn Xuân Mạnh thường dạy 6 ca, bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc lúc 20 giờ

Một ngày, thầy Nguyễn Xuân Mạnh thường dạy 6 ca, bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc lúc 20 giờ

Kín lịch

Sau vài lần liên hệ, chúng tôi mới gặp được bà Nguyễn Thị Son (50 tuổi), cộng tác viên dạy bơi của Nhà Thiếu nhi tỉnh bởi công việc của bà rất bận rộn. Bà Son dạy 5 ca/ngày, trung bình mỗi ca khoảng 1,5 giờ. Ca sớm nhất bắt đầu lúc 5 giờ 30, ca muộn nhất kết thúc lúc gần 20 giờ.

Các lớp bơi của Nhà thiếu nhi tỉnh chia theo từng mức độ, những học viên lần đầu đến bể bơi sẽ được bà Son hướng dẫn làm quen với nước và tập một số động tác cơ bản. Sau đó, các học viên sẽ chuyển sang các lớp có mức độ cao hơn với những động tác khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng để bơi thành thục.

Mỗi lớp học bơi ở đây thường có tối đa 15 người, đa số là những em nhỏ, có em chỉ mới 4-5 tuổi.

Trong năm học, thầy Nguyễn Xuân Mạnh (40 tuổi) là giáo viên dạy giáo dục thể chất ở một trường THPT trong tỉnh. Khi đến mùa hè, thầy bắt đầu dạy bơi. Cũng giống như bà Son, công việc dạy bơi của thầy Mạnh bận rộn cho đến hết tháng 8. Trong thời gian cao điểm ấy, một ngày thầy Mạnh dạy 6 ca, bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc lúc 20 giờ.

Hơn 3 giờ chiều, chúng tôi gặp thầy Mạnh khi đang dạy bơi cho một số em nhỏ tại một bể bơi ở TP Hải Dương. Thầy tranh thủ trò chuyện nhưng mắt vẫn không rời các em. Kết thúc ca này, thầy Mạnh lại "chạy sô" đến bể bơi Thái HD để dạy 2 ca tiếp theo. Học viên của thầy ở nhiều lứa tuổi, từ những em 4 tuổi cho đến những người từ 55-65 tuổi. Thầy chỉ nhận số lượng học viên vừa đủ để bảo đảm chất lượng dạy và học. Mỗi ngày, thầy Mạnh phải làm việc liên tục, ngâm mình dưới nước nhiều giờ, thời gian nghỉ ngơi rất ít.

Thu nhập cao

Bà Son dạy bơi hơn 20 năm nay. Trước khi đến với công việc này, bà là vận động viên bơi chuyên nghiệp. Việc dạy bơi rất vất vả, nhất là đối với những em từ 4-5 tuổi vì các bé thường nhút nhát, sợ nước. Có nhiều bé còn khóc lóc hoặc bỏ chạy. Bà Son như người mẹ nhẹ nhàng động viên các bé.

Bà Son cho biết mục tiêu Nhà Thiếu nhi tỉnh đặt ra là dạy học viên đến khi nào biết bơi thì thôi. Bởi vậy, thời gian học của một số em không phải tính bằng buổi mà tính bằng tháng với sự kiên trì, nỗ lực của các giáo viên. "Khi xuống bể bơi, tiếng quẫy đạp nước ồn ào khiến cho tôi và các giáo viên khác phải nói nhiều, nói to. Tôi thường phải ngậm thuốc và uống nước chanh đào để không bị mất giọng, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để bảo đảm sức khỏe", bà Son chia sẻ.

Nhiều em nhỏ hiếu động nên thầy Mạnh phải để mắt đến các em suốt cả buổi tập để tránh sự cố. Không những thế, việc dạy bơi còn đòi hỏi phải tâm lý, mỗi học viên đều có tính cách và khả năng khác nhau nên giáo viên phải quan sát, biết điểm yếu, điểm mạnh của từng người.

Trong mỗi buổi dạy, thầy Mạnh thường trò chuyện, tạo trò chơi, tích cực động viên để học viên tiếp thu kỹ năng bơi lội nhanh hơn. Các giáo viên thường dạy kiểu bơi trườn sấp, sau đó tùy từng người có thể dạy thêm những kiểu bơi khác với mức độ khó hơn.

Mùa hè này, anh Hoàng Kim Ngân, giáo viên Trường Tiểu học Thống Nhất (Gia Lộc) dạy bơi cho khoảng 150 học sinh. Trường đặt ra mục tiêu tất cả học sinh lớp 5 khi chuyển cấp đều phải biết bơi. Anh Ngân thường bị bợt da do nhiều giờ ngâm mình dưới nước, dễ bị cảm cúm. Không chỉ dạy bơi, anh còn làm công tác trực, giám sát bể bơi, triển khai cứu nạn nếu xảy ra sự cố... Với anh Ngân, mùa hè không phải là khoảng thời gian nghỉ ngơi mà lại là lúc bận rộn nhất.

Vất vả, bận rộn là vậy nhưng khi chứng kiến học viên bơi thành thục, các thầy cô giáo rất vui. Một số em nhỏ tầm 4-5 tuổi đã vượt qua nỗi sợ của bản thân, tự tin bơi lội. Những học viên cao tuổi biết bơi góp phần rèn luyện sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật.

Anh Mạnh nhớ mãi 1 trường hợp trẻ mắc hội chứng tự kỷ đến với lớp học của mình. Sau khi kiên trì động viên dần dần em đã vượt qua nỗi sợ hãi, hoàn thành khóa học với những sải tay bơi dứt khoát.

Theo tìm hiểu, thu nhập của các giáo viên dạy bơi vào dịp hè cao hơn nhiều so với các tháng khác trong năm. Nhiều giáo viên dạy bơi tối đa 5 ca/ngày với mức thu nhập khoảng 100.000 đồng/ca, 1 tháng họ có thể "bỏ túi" 15 triệu đồng.

Nhiều giáo viên dạy bơi cho biết họ vui khi thấy ngày càng nhiều người biết bơi, góp phần hạn chế những vụ đuối nước thương tâm.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/giao-vien-day-boi-boi-khong-het-viec-141886