Giáo viên dạy học sinh những gì về lòng yêu nước?

Nhiều giáo viên tự hỏi, làm thế nào để học sinh của mình trong hành trình trở thành công dân toàn cầu, các em vẫn giữ trong mình một gốc rễ vững chắc? Làm sao để trong từng nhịp đập, vẫn có một phần ngân vang từ mạch đất nơi các em được sinh ra?

Cô giáo Hoàng Hà Minh, Giám đốc Điều hành Trung tâm giáo dục Westminster Academy (Hà Nội): Thế hệ các em cần tiếp nối bằng trách nhiệm và khát vọng

Hôm nay, giữa những ngày tháng tư rực nắng, khi cả đất nước chung vui cùng đại lễ 50 năm giải phóng miền Nam, giáo viên, những người trồng người tự hỏi: thế hệ trẻ của chúng ta sẽ viết tiếp câu chuyện gì?

Cô giáo Hoàng Hà Minh

Cô giáo Hoàng Hà Minh

Câu chuyện của một dân tộc từng đi qua chiến tranh, hy sinh máu xương để có hòa bình. Câu chuyện của những con người, giờ đây, đang thừa hưởng nền hòa bình ấy như một điều hiển nhiên. Liệu các em có hiểu được rằng, để có thể ngồi trong những lớp học sáng đèn, cầm trong tay những giấc mơ rộng mở, chúng ta đã đánh đổi biết bao nhiêu điều?

Trong những năm làm giáo dục, tôi có dịp đồng hành cùng nhiều bạn học sinh trưởng thành trong môi trường quốc tế. Các em lớn lên trong một thế giới không còn tiếng bom rơi, không còn những đêm sơ tán, không còn những bài học về cách giữ yên ngọn đèn dầu dưới hầm trú ẩn. Thay vào đó là những kỳ thi quốc tế, những ước mơ bay xa đến những chân trời mở rộng. Mình từng hỏi một cô học trò hoàn toàn lớn lên trong môi trường trường quốc tế rằng em có đọc về ngày 30/4 không và thấy trong ánh mắt em sự lăn tăn. Thuật toán của những mạng xã hội mà em tiếp cận – phản chiếu thói quen tìm kiếm của em, đã vô tình để ngoài lề những ký ức lịch sử dân tộc. Không phải vì các em thờ ơ, mà bởi có quá nhiều thứ đang lướt qua màn hình nhanh hơn những trang sách cũ.

Tôi không trách các em. Ngược lại, những khoảnh khắc ấy càng thôi thúc mình tự hỏi: làm thế nào để trong hành trình trở thành công dân toàn cầu, các em vẫn giữ trong mình một gốc rễ vững chắc? Làm sao để trong từng nhịp đập, vẫn có một phần ngân vang từ mạch đất nơi các em được sinh ra?

Một lần khác, khi hướng dẫn một học sinh chuẩn bị hồ sơ du học ngành thiết kế thời trang, tôi đã gợi ý em khai thác nét đẹp của hoa văn thổ cẩm Việt Nam. Không chỉ để tạo sự khác biệt trên bản portfolio, mà để em hiểu rằng: sáng tạo thực sự không chỉ là mô phỏng những điều đã có, mà là biết chắt lọc từ chính bản sắc của mình.

Những khoảnh khắc nhỏ ấy, như những hạt mầm được gieo vào đất. Có thể chưa nảy mầm ngay hôm nay, nhưng mình tin rằng một ngày nào đó, giữa những bận rộn và những chuyến đi xa, chúng sẽ âm thầm vươn lên, nhắc các em nhớ rằng mình đến từ đâu. Nhớ rằng, trong cuộc đua công nghệ khốc liệt, khi AI có thể thay thế con người ở nhiều kỹ năng, thì chỉ có trái tim biết yêu quê hương, biết trân trọng cội nguồn mới khiến các em thực sự khác biệt.

Hòa bình không phải là điều tự nhiên. Hòa bình là một món quà được trả giá bằng những mất mát không thể đong đếm. Có thể các em sẽ không phải cầm súng như ông cha, nhưng các em có trách nhiệm khác: học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng đất nước bằng chính tài năng và tấm lòng của mình. Thế hệ trước đã trao cho chúng ta hòa bình. Thế hệ các em cần tiếp nối bằng trách nhiệm và khát vọng.

Một ngày nào đó, khi đứng giữa những quảng trường thế giới, khi ký những hợp đồng lớn, hay khi đặt những dấu ấn sáng tạo mang tên mình, mình mong các em vẫn sẽ nhớ cội nguồn. Bởi quê hương không chỉ là nơi sinh ra, mà là sức mạnh âm thầm nâng bước ta, dù ta đi xa đến đâu.

Ngày hôm nay, chúng ta thừa hưởng hòa bình. Ngày mai, câu chuyện tiếp theo sẽ do các em viết – bằng lòng tự hào, bằng tài năng, và bằng cả tình yêu bền bỉ đầy nghị lực dành cho đất nước mình.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy Sử, trường THCS Dương Liễu, Hà Nội: Dạy học sinh hiểu hơn về lịch sử nước nhà

Những ngày này, dân tộc chào mừng sự kiện 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi- một giáo viên dạy môn Lịch sử cũng như bao người con đất Việt anh hùng, cảm thấy rất tự hào với trang sử đầy hào hùng và kiêu hãnh của dân tộc.

Chiến thắng của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã tiếp nối những trang sử vẻ vang của dân tộc, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần bất khuất kiên cường của một dân tộc nhỏ bé nhưng dũng cảm.

50 năm đã trôi qua đất nước đã thay da đổi thịt nhưng ký ức về ngày 30/04/1975 ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng không bao giờ phai mờ trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước không chỉ là dịp chúng ta ôn lại trang sử vẻ vang của dân tộc mà còn là dịp để chúng ta thể hiện lòng biết ơn với những người chiến sĩ đã ngã xuống để lại “mãi mãi tuổi 20” trên chiến trường, những người đã hi sinh xương máu cho độc lập, tự do cho đất nước.

Đất nước Việt Nam đã trải qua bao đau thương và mất mát nhưng cũng biết bao lần kiên cường “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Tôi có niềm tin mãnh liệt vào một điều: Dân tộc ta, đất nước ta sẽ mãi trường tồn và ngày càng phát triển!

Với một giáo viên dạy lịch sử, tôi muốn truyền thụ tới học sinh thật nhiều hiểu biết về lịch sử nước nhà, để tự hào về dân tộc Việt Nam hơn nữa. Nếu như học sinh thời thế hệ 8x học sử vẫn theo phương pháp cũ là chính: Nghe các thầy cô giáo giảng và học thuộc lòng các sự kiện lịch sử.

Hiện nay, với sự đổi mới về chương trình sách giáo khoa, phương pháp và kĩ thuật dạy học, học sinh đã có sự chủ động hơn trong quá trình tiếp thu kiến thức. Học sinh được tìm hiểu trước một số thông tin về nội dung kiến thức của bài học; được trình bày cảm xúc, quan điểm, ý kiến ,đánh giá của mình về một nhận vật lịch sử, sự kiện lịch sử... được tham gia trò chơi. Học sinh đóng vai trò chính trong việc tiếp thu và chiếm lĩnh tri thức. Và tôi tin, học sinh sẽ không quay lưng với lịch sử nước nhà.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giao-vien-day-hoc-sinh-nhung-gi-ve-long-yeu-nuoc-post1738591.tpo