Giáo viên gợi ý cách làm bài môn Ngữ văn đạt điểm cao kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Thí sinh lưu ý, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay là năm đầu tiên thi theo chương trình mới và môn Ngữ văn sẽ sử dụng ngữ liệu hoàn toàn ngoài sách giáo khoa. Giáo viên môn Ngữ văn hướng dẫn cách học và cách làm bài để đạt hiệu quả tốt nhất.

Rèn kỹ năng làm bài, phân chia thời gian hợp lý

Cô Hoàng Tuệ Minh, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, nếu như những năm trước, học sinh chỉ cần học kỹ nội dung các bài học trong sách giáo khoa, thậm chí học thuộc để làm bài thi từ kỳ thi năm nay đã có sự thay đổi.

Đề thi sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, do đó, việc đầu tiên, các em cần đó là nắm chắc đặc trưng thể loại. Ngoài ra, phải rèn khả năng đọc hiểu ngữ liệu các đoạn trích trong tác phẩm thơ, truyện… để nắm chắc nội dung, tư tưởng, từ đó mới có thể làm bài đúng.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay diễn ra trong 2 ngày từ 7-8/6.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay diễn ra trong 2 ngày từ 7-8/6.

Quá trình dạy học trên lớp, đối với mỗi thể loại, thầy cô đều đã hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài, dựng khung sườn đủ ý để viết trọn vẹn được các ý. Từ hiểu về thể loại, rèn khả năng đọc hiểu, từ nay đến kỳ thi, các em cũng cần dành nhiều thời gian để luyện đề, tập viết. Sau mỗi bài viết có thể thầy cô giáo chữa, chấm và đúc rút kinh nghiệm, sửa sai để đạt phong độ tốt nhất.

Cô Phạm Thị Hương Thảo, Tổ trưởng tổ Xã hội trường THCS Lê Lợi, Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng khẳng định, với kiến thức nền đã được thầy cô giáo giảng dạy, từ nay đến kỳ thi, học sinh cần dành thời gian rèn cách làm bài thật kỹ.

Trước khi làm bài, học sinh cần đọc đề ít nhất hai lần từ trên xuống dưới để có cái nhìn chung về đề thi, sau đó xây dựng kế hoạch làm bài: Bài nào trước, bài nào sau; phân bổ thời gian làm bài cho từng câu. Ví dụ câu dễ, câu nhiều điểm ưu tiên làm trước.

Đọc kỹ đề, cũng nhằm tránh tình trạng hiểu sai yêu cầu, dẫn đến làm sai và mất điểm. Khi đọc đề, các em cần gạch chân các từ quan trọng đồng thời xây dựng dàn ý ra giấy nháp cho các câu trả lời.

Cũng theo cô Thảo, học sinh chỉ có 120 phút cho đọc đề, dựng đề cương và làm bài do đó cần phân bổ thời gian một cách hợp lí, tránh tình trạng chưa làm xong bài đã hết giờ. Theo quy chế, khi trống đánh hết giờ làm bài, cán bộ coi thi sẽ yêu cầu thí sinh dừng bút. Một bài Ngữ văn chưa hoàn thiện, sẽ mất điểm rất đáng tiếc. Do đó, các em nên dành phần đọc hiểu từ 20 -25 phút; khoảng 30 phút cho phần viết đoạn văn và 60 - 65 phút cho câu nghị luận xã hội và 5 phút cho phần đọc, kiểm tra lại bài viết.

Đánh giá cao sự sáng tạo

Khi bắt đầu làm đề, ở phần I sẽ là phần đọc hiểu. Căn cứ vào đề minh họa cho thấy, đề sẽ có 5 câu hỏi, chiếm 4.0 điểm. Sẽ có các dạng cụ thể như sau, học sinh cần nắm để ôn tập chắc kiến thức:

Dạng 1: Câu hỏi theo đặc trưng thể loại mức độ nhận biết, chiếm 0.5 điểm.

Ví dụ, thơ sẽ gồm các yêu cầu về đề tài; chủ đề; cảm hứng chủ đạo; mạch cảm xúc; thể loại; đặc điểm đặc trưng thể loại…

Truyện yêu cầu nắm chắc về: Đề tài; chủ đề; thể loại; ngôi kể; tình huống truyện; nhân vật chính; nội dung chính; chi tiết có vấn đề…

Cô Phạm Thị Hương Thảo, Tổ trưởng tổ Xã hội trường THCS Lê Lợi, Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Cô Phạm Thị Hương Thảo, Tổ trưởng tổ Xã hội trường THCS Lê Lợi, Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Dạng 2 là những câu hỏi theo đặc trưng thể loại mức độ nhận biết và thông hiểu. Đây là câu hỏi thường được xuất hiện dưới dạng câu hỏi chùm chiếm 1.0 điểm. Trong đó, ý 1, đề sẽ yêu cầu học sinh tìm kiếm hình ảnh, từ ngữ, chi tiết theo một chủ đề, đặc điểm; ý hai là yêu cầu cảm thụ về hình ảnh, từ ngữ, chi tiết, nhân vật, tình cảm, cảm xúc con người qua những gì vừa tìm được.

Dạng 3 gồm câu hỏi về kiến thức Tiếng Việt mức độ thông hiểu chiếm 1.0 điểm. Ở dạng này, đề thường yêu cầu chỉ rõ tên Tiếng Việt cần tìm và qua từ ngữ nào trong văn bản; nêu công dụng, ý nghĩa của vấn đề Tiếng Việt đó.

Ví dụ, công dụng, ý nghĩa đặc trưng của từng vấn đề như: Từ láy; nghĩa của từ; biện pháp tu từ; các kiểu câu phân loại theo mục đích nói; kiểu câu phân theo cấu tạo ngữ pháp; các thành phần biệt lập; phép liên kết; câu chủ động, bị động…

Ngoài ra, học sinh cần nêu công dụng, ý nghĩa cụ thể với văn bản gợi liên tưởng, cảm nhận, cảm xúc gì?

Dạng 4 là câu hỏi cảm thụ theo đặc trưng thể loại mức độ thông hiểu, chiếm 1.0 điểm. Đối với thơ thường sẽ yêu cầu cảm thụ câu thơ, hình ảnh thơ; ý nghĩa nhan đề…

Đối với thể loại truyện, có thể yêu cầu học sinh tìm chi tiết, hành động, lời nói nhân vật; nhan đề…

Dạng 5 là dạng câu hỏi kết nối, chiếm 0.5 điểm. Câu hỏi dạng này sẽ yêu cầu học sinh rút ra bài học, thông điệp gì từ văn bản cũng như điều mà tác giả muốn khuyên người đọc qua tác phẩm; liên hệ với cuộc sống hiện tại.

Phần II là phần viết, đề sẽ có 2 câu với 6 điểm. Trong đó, dạng I là yêu cầu viết đoạn, chiếm 2 điểm, thí sinh có thể được yêu cầu viết đoạn văn phân tích đoạn thơ; phân tích hình ảnh trong thơ; phân tích nhân vật truyện; phân tích chủ đề truyện…

Dạng 2 là yêu cầu viết bài văn nghị luận, chiếm 4.0 điểm. Từ kiến thức các dạng bài đã được học, các em chuẩn bị cho việc có thể viết về một vấn đề trong đời sống, một tư tưởng đạo lý hay viết bài văn nghị luận về một ý kiến (tán thành, phản đối, hai lựa chọn); viết về một thói xấu; vấn đề cần giải quyết; vấn đề đáng quan tâm…

Những dạng bài này, học sinh đã được học rất kỹ nhưng để mở rộng bài làm, các em cần cập nhật thông tin đời sống xã hội, mở rộng liên hệ với thực tiễn để bài viết sinh động, hấp dẫn.

Lưu ý, bài viết cần đảm bảo các yêu cầu về hình thức, nội dung, cách thức diễn đạt. Trong đó, hình thức cần đảm bảo đúng cấu trúc bài văn/ đoạn văn, đúng chủ đề cần nghị luận cũng như các lí lẽ, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục. Lối viết trong sáng, mạch lạc, logic, thuyết phục.

Với chương trình GDPT 2018, học sinh không còn viết rập khuôn, lối mòn một kiểu vào bài, thay vào đó, đề cao sự sáng tạo, cách viết mới mẻ, thể hiện quan điểm cá nhân.

“Do đó, trong bài viết, để đạt điểm cao, bài làm cần thể hiện quan điểm cá nhân, góc nhìn mới lạ, hợp lý, lập luận sinh động, độc đáo mà hiệu quả”, cô Hương nói.

Cũng theo cô Hương, ngay cả trong quá trình học và luyện đề, các em cần rèn thói quen, dành lại 3-5 phút để đọc lại bài, kiểm tra, rà soát nội dung, sửa chữa sai sót nếu có.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay diễn ra trong 2 ngày từ 7-8/6. Môn Ngữ văn sẽ thi đầu tiên, sáng ngày 7/6 với thời gian làm bài 120 phút.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giao-vien-goi-y-cach-lam-bai-mon-ngu-van-dat-diem-cao-ky-thi-tuyen-sinh-lop-10-post1729411.tpo