Giáo viên Hà Nội nhận định gì về đề thi tuyển sinh vào lớp 10?
Nhận định về đề thi vào lớp 10 của Hà Nội, các giáo viên cho rằng đề khá vừa sức. Đề thi môn Ngữ văn có tính gợi mở cao ở câu hỏi nghị luận xã hội trong khi đề Ngoại ngữ thiên về ngữ pháp.
Dù giảm số câu hỏi nhưng cấu trúc đề thi cơ bản không thay đổi giúp thí sinh không bị bất ngờ, yêu cầu của đề thi nhẹ nhàng hơn so với mọi năm, phù hợp với việc học của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh nhưng đồng thời vẫn có sự phân hóa.
Đây là nhận định của một số giáo viên tại Hà Nội về đề thi môn Ngữ văn và môn Ngoại ngữ của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sáng nay.
Đề Ngữ văn giàu tính gợi mở
Chia sẻ về đề thi môn Ngữ văn, cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn Trường Phổ Thông Hermann Gmeiner (Hà Nội) cho hay cấu trúc đề thi vẫn giống mọi năm nhưng được rút gọn hơn, giảm số câu hỏi từ 7 câu xuống còn 5 câu. Yêu cầu đề cũng nhẹ nhàng hơn, không mang tính đánh đố, đảm bảo kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân loại ở phần 2. Ở phần này thí sinh phải hiểu sâu hơn về giá trị của chiều sâu tri thức đối với con người.
Tỏ ra khá tâm đắc với câu hỏi nghị luận xã hội của đề thi, cô Phượng cho rằng đề yêu cầu trình bày suy nghĩ về ý kiến “phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?” giúp học sinh có thể thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình để từ đó khẳng định giá trị của tri thức trong cuộc sống. “Đây cũng là một câu có sức phân loại bởi nó mang tính phản đề được thể hiện dạng câu hỏi,” cô Phượng nhận định.
Đây cũng là chia sẻ của thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn trường Trung học phổ thông Anhxtanh. Theo thầy Hùng, câu hỏi nghị luận xã hội với câu lệnh được đưa ra dạng câu nghi vấn “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?” sẽ giàu tính gợi mở để cho học sinh có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, được tự do thể hiện quan điểm cá nhân. Câu lệnh nghi vấn sẽ giúp học sinh thoải mái thể hiện ý kiến là câu hỏi mang tính khẳng định và đây là điều rất cần thiết.
Đánh giá chung, các giáo viên cho hay dù đề thi không quá khó nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa tốt khi chỉ còn một câu hỏi ở mức nhận biết, hai câu hỏi ở mức thông hiểu và hai câu hỏi ở mức vận dụng cao.
“Dù đề thi không rơi vào các nội dung liên quan đến dịch COVID-19 như nhiều thí sinh và giáo viên nhận định nhưng tôi tin thí sinh vẫn có thể làm tốt đề thi này,” cô Phượng nói.
Đề thi Ngoại ngữ thiên về ngữ pháp
Đề thi thiên về Ngữ pháp và không quá khó là nhận định của một số giáo viên về đề thi môn Ngoại ngữ. Theo thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên môn Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, tính chất đề thi năm nay hông thay đổi nhiều so với năm ngoái nhưng số lượng câu hỏi được giảm 10 câu để phù hợp với thời gian rút ngắn hơn. Khối lượng đơn vị kiến thức nằm gọn trong chương trình Tiếng Anh lớp 8 và lớp 9.
“Từ mới và các chủ đề từ mới gần như hoàn toàn trong chương trình Tiếng Anh lớp 9. Bài đọc hiểu là nội dung mà học sinh đã được tìm hiểu trong các bài đọc trong chương trình trung học cơ sở. Vì thế, nếu học sinh chú ý học trên trường thì đề thi này không thể làm khó các em được. Phổ điểm dự kiến sẽ từ 6,5- 7,5 điểm. Điểm 9, 10 có thể sẽ nhiều hơn năm trước,” thầy Nguyên nhận định.
Đây cũng là nhận xét của cô Nguyễn Thị Mai Hương, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội).
Từ phân tích về đề thi, cô Phương cho rằng học sinh khối 8 năm nay có thể học hỏi kinh nghiệm ở đề thi vào lớp 10 của khối 9 về việc cần tập trung mở rộng vốn từ, ôn tập các chủ đề ngữ pháp trong chương trình trung học cơ sở, nhất là lớp 9.
“Đặc biệt, các em nên rèn luyện kỹ năng đọc hiểu bởi qua các bài đọc, ngoài các kỹ năng làm bài, học sinh còn học được rất nhiều từ và cụm từ theo chủ đề bài đọc, từ đó nâng cao và hỗ trợ phần từ ngữ và cả ngữ pháp,” cô Hương chỉ dẫn./.
Cô Khánh Phương nhận định đề thi môn Ngữ văn.