Giáo viên kiệt sức ở mọi nơi

Không chỉ ở Việt Nam, giáo viên cảm thấy làm việc quá sức và kiệt sức là một tình trạng lâu năm ở Singapore. Một phần nguyên nhân được cho là áp lực từ các bậc cha mẹ.

Mỗi tuần, Sandra kéo một chiếc vali nhỏ từ nơi làm việc về nhà. Không phải là tiếp viên hàng không, cũng không phải là nhà thiết kế thời trang, cô chỉ là một giáo viên mang sách bài tập về nhà để đánh dấu cho học sinh của mình vào cuối tuần.

"Chúng tôi thường đùa rằng chúng tôi giống như những tiếp viên hàng không mang hành lý trở về nhà sau một chuyến bay dài", cô giáo dạy quốc ngữ ở trường tiểu học nói.

Giống như những giáo viên khác đã nói chuyện với TODAY, Sandra chọn nghề giáo vì với cô, đây là một công việc cao quý, cho phép cô định hình một thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, việc phải dành hàng giờ đồng hồ để giải quyết công việc hành chính, lên kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa và trao đổi với phụ huynh đã khiến những giáo viên này mệt mỏi.

"Một ngày kết thúc với tôi là khi tôi kết thúc mọi cuộc họp, tôi cũng đã hoàn thành việc đánh dấu bài tập về nhà của lũ trẻ và đã chuẩn bị cho tiết học ngày mai", Sandra, một giáo viên có thâm niên 4 năm, cho hay.

 Xã hội Singapore đặt kỳ vọng cao lên giáo viên, cho rằng họ sẽ là người tạo nên tương lai của đất nước. Ảnh: Reuters.

Xã hội Singapore đặt kỳ vọng cao lên giáo viên, cho rằng họ sẽ là người tạo nên tương lai của đất nước. Ảnh: Reuters.

Ngoài vật lộn khối lượng công việc khổng lồ, Mandy, một giáo viên trung học, còn phải vất vả "chỉ đường" cho học sinh ngoài giờ làm việc.

“Đôi khi, có những đứa trẻ cần một ai đó để nói chuyện. Đó có thể là một tình huống nguy cấp. Chúng tôi sẽ trò chuyện vào đầu giờ sáng, trong khi giải lao. Tôi cũng rất vui vì mình có thể giúp gì đó", cô giáo có 20 năm kinh nghiệm cho biết.

Tuy nhiên, học sinh không phải là những người duy nhất tìm đến cô.

“Những lần khác, phụ huynh liên lạc với tôi về bài tập về nhà và muốn tôi phản hồi gần như ngay lập tức. Ranh giới giữa công việc và cuộc sống của tôi bị đảo lộn", cô chia sẻ

Việc giáo viên cảm thấy phải làm việc quá sức đến kiệt sức là một vấn đề lâu năm ở Singapore, nơi xã hội đặt nhiều kỳ vọng lên vai trò của nhà trường và giáo viên trong cuộc sống của con trẻ.

Năm ngoái, một bức thư đăng trên Straits Times của chồng một giáo viên đã lan truyền mạnh mẽ với nội dung kêu gọi chính quyền hạn chế khối lượng công việc của giáo viên để vợ anh có nhiều thời gian hơn với gia đình.

"Làm thế nào chúng ta có thể giúp những người giáo viên không bị kiệt sức? Họ đến trường trước khi mặt trời mọc và chỉ về nhà sau khi mặt trời lặn. Ở nhà họ sẽ lại tiếp tục chấm bài và trả lời các cuộc gọi", anh viết.

 Xã hội Singapore đặt nhiều quá nhiều kỳ vọng lên giáo viên và nhà trường. Ảnh: TODAY.

Xã hội Singapore đặt nhiều quá nhiều kỳ vọng lên giáo viên và nhà trường. Ảnh: TODAY.

Khi chính quyền Singapore quyết định lấy ngày 2/9 hàng năm làm Ngày Nhà giáo, các vấn đề lâu năm mà giáo viên phải đối mặt hàng ngày đã được quan tâm và mổ xẻ.

Tháng trước, Bộ Giáo dục Singapore (MOE) cho biết sẽ tăng 5-10% lương giáo viên cũng như người trong ngành giáo dục như một phần nỗ lực giữ chân những người làm giáo dục giỏi.

Trong những năm qua, MOE cũng đã đưa ra một loạt sáng kiến để hỗ trợ giáo viên tốt hơn, gần đây nhất là ra đời ứng dụng sức khỏe tinh thần dành riêng cho đối tượng này, Mindline. Tuy nhiên, các giáo viên tin rằng chính quyền có thể làm được nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề then chốt là khối lượng công việc khổng lồ.

Một cách để giải quyết vấn đề này là giảm bớt một số công việc hành chính và hoạt động ngoại khóa để giáo viên có thể, như Sandra đã nói, "quay trở lại mục đích cốt lõi của những gì một giáo viên phải làm, dạy học".

Trả lời các câu hỏi của TODAY, MOE cho biết họ đã có vài động thái giúp giảm bớt khối lượng công việc của giáo viên, chẳng hạn sử dụng công nghệ giải quyết các quy trình hành chính và cung cấp thêm kinh phí để các trường thuê nhân viên hành chính.

MOE cũng đã áp dụng các biện pháp để hỗ trợ nhân viên như dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp tại nhà và đường dây nóng tư vấn 24/7 của "toàn chính phủ" dành cho công chức.

Ngoài ra, Liên minh Giáo viên Singapore (STU) cũng cung cấp một bộ các dịch vụ huấn luyện và tư vấn nghề nghiệp. Tổng thư ký STU Mike Thiruman nói rằng những dịch vụ trên được đưa ra là để giúp các thành viên "xác định và vượt qua thách thức tại nơi làm việc".

Hiện tại, Singapore có khoảng hơn 32.000 giáo viên với tỷ lệ từ chức "tương đối thấp và ổn định ở mức từ 2 đến 3% trong vài năm qua", theo MOE.

Nhưng vấn đề lớn nhất của giáo viên tại Singapore là tương tác với các bậc phụ huynh. Chủ đề có thể là về việc kỷ luật con họ, họ muốn can thiệp vào cách giáo viên truyền đạt kiến thức hoặc bày tỏ mong muốn giáo viên có thể là "cha mẹ thay thế" hay "người trông trẻ".

Trước tình trạng này, MOE nhấn mạnh rằng nỗ lực giúp đỡ giáo viên của bộ cũng phải được sự đồng lòng của phụ huynh.

"Phụ huynh có thể hỗ trợ sức khỏe của giáo viên bằng cách tôn trọng thời gian và không gian cá nhân cũng như giảm thiểu những tương tác không quan trọng với họ về con mình ngoài giờ hành chính", MOE gợi ý.

Ngoài ra, MOE cho rằng phụ huynh và giáo viên cũng nên có mối quan hệ đối tác chặt chẽ và tích cực. Các bậc cha mẹ cũng nên đặt kỳ vọng phù hợp vào trách nhiệm của giáo viên đối với sự phát triển của con em chúng ta.

*Tên nhân vật đã được thay thế.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giao-vien-kiet-suc-o-moi-noi-post1352614.html