Giáo viên mầm non: Nhiều tin vui từ lương mới

Từ ngày 1/7 lương cơ sở chính thức tăng, cùng với đó, giáo viên mầm non được đề xuất là nghề nặng nhọc, nguy hiểm và có thể được nghỉ hưu sớm hơn tuổi. Đó là những điểm mới trong chính sách lương mới đã và đang đem đến niềm vui cho đội ngũ giáo viên mầm non cả nước.

Cô trò Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Cô trò Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Niềm vui nhân đôi

Theo Kết luận 83-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong khu vực công, giáo viên mầm non là viên chức sẽ được tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tương đương tăng thêm 30%. Bên cạnh đó, giáo viên mầm non cũng như công chức, viên chức khác thực hiện chế độ tiền thưởng từ 1/7/2024. Trong đó, quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản. Như vậy, so với thu nhập trước thời điểm 1/7, giáo viên mầm non còn nhận thêm khoản lương tăng thêm khoảng 30%, phụ cấp giữ nguyên và được bổ sung tiền thưởng. Mức lương cao nhất giáo viên mầm non có thể được hưởng là gần 15 triệu đồng/tháng dành cho giáo viên mầm non hạng 1 bậc 8 trong khi mức thấp nhất là 4,9 triệu đồng cho giáo viên mầm non hạng 3 bậc 1.

Với giáo viên mầm non là người lao động, mức lương được thực hiện theo thỏa thuận với các cơ sở giáo dục nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Bộ Chính trị đã chỉ đạo Chính phủ thực hiện tăng mức lương tối thiểu vùng 6% so với năm 2023, áp dụng từ ngày 1/7/2024, mức tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng so với mức lương hiện hưởng.

Về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo sẽ chia theo từng mức cụ thể. Trong đó, mức phụ 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa còn lại giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục khác hưởng mức phụ cấp 35%.

Đối với mức phụ cấp thâm niên nhà giáo, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm được tính thêm 1%.

Những chính sách mới góp phần tạo động lực cho đội ngũ giáo viên mầm non. Ảnh: NTCC.

Những chính sách mới góp phần tạo động lực cho đội ngũ giáo viên mầm non. Ảnh: NTCC.

Tiếng lòng của giáo viên mầm non

Bên cạnh việc tăng lương, giáo viên mầm non cũng đang hy vọng về đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ sớm trở thành hiện thực. Cụ thể, đó là việc xét công nhận nghề giáo viên mầm non thuộc ngành nghề nặng nhọc và độc hại. Trước đó, nhiều ý kiến phân tích của Bộ GDĐT, các chuyên gia cũng chỉ ra giáo viên mầm non chịu vất vả về điều kiện làm việc, thời gian làm việc nhiều, liên tục, yêu cầu trách nhiệm cao…

Mới đây, Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu về hiện trạng điều kiện lao động của giáo viên bậc học mầm non. Khảo sát thực hiện trên 440 giáo viên mầm non đang giảng dạy và thu được số liệu của 418 giáo viên cả 4 nhóm lớp: nhà trẻ, mẫu giáo bé; mẫu giáo nhỡ; mẫu giáo lớn. TS Nguyễn Thị Hiền - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho hay,thời gian làm việc của giáo viên mầm non trung bình khoảng 10h/ngày, từ 7 giờ sáng mở phòng đón trẻ, làm việc liên tục tới khi rời trường lúc 17 giờ, thậm chí muộn hơn.

Về điều kiện lao động, nghiên cứu chỉ ra có 92,82% đối tượng khảo sát có điều kiện làm việc tương đương với lao động được xếp loại 4 (nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm). Bên cạnh đó, giáo viên mầm non cũng thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn của trẻ, cao hơn tiêu chuẩn cho phép; mức hoạt động não lực khi làm việc, mức độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh tương đương điều kiện lao động loại 4.

Với điểm trung bình cộng của các yếu tố trong điều kiện lao động tương đương với điều kiện lao động loại 4, nhóm nghiên cứu đề xuất các cơ quan quản lý xem xét đưa ngành giáo viên mầm non vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Việt Nam.

Nếu đề xuất này được thông qua, giáo viên mầm non có thể được hưởng một số chính sách như được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu thông thường; được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương với thời gian dài hơn, 14 ngày làm việc so với 12 ngày khi làm công việc trong điều kiện bình thường…

Hiện Dự thảo Luật Nhà giáo đang được lấy ý kiến toàn dân cũng đề cập đến việc giáo viên mầm non được đề xuất nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 46.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân thông tin, khảo sát của ngành GDĐT, trong số 10.698 ý kiến gửi về có tới 96% ý kiến đồng tình việc giáo viên mầm non được về hưu ở tuổi 55. Qua những chuyến công tác, tìm hiểu thực tế ở địa phương của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các cô giáo mầm non cũng luôn bày tỏ nguyện vọng không phải làm việc đến năm 60 tuổi. Đây cũng là tiếng lòng của nhiều giáo viên mầm non hiện nay khi công việc áp lực, đòi hỏi sự nhanh nhẹn về thể chất trong khi ở tuổi hơn 50, bị hạn chế về sức khỏe, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc cũng kém đi, các thầy cô rất khó để hoàn thành tốt.

Để đề xuất không còn nằm trên giấy

Theo báo cáo mới đây của Bộ GDĐT, cả nước hiện có 378.381 giáo viên mầm non, tỷ lệ 1,86 giáo viên/lớp. Nhiều địa phương vẫn thiếu giáo viên mầm non, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu công nghiệp tập trung và những vùng có điều kiện kinh tế xã hội chậm phát triển. Riêng tỉ lệ giáo viên/lớp ở một số tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (1,66), vùng Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (1,62) rất thấp, chưa đảm bảo đủ theo quy định hiện hành.

Việc tuyển dụng giáo viên mầm non ở nhiều địa phương trong năm học vừa qua cũng gặp khó khăn vì thiếu nguồn tuyển, chưa kể lượng giáo viên nghỉ việc vì các lý do khác nhau. Tại tỉnh Nghệ An, thống kê của Phòng GDĐT TP Vinh cho thấy, tính từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố có hơn 30 giáo viên xin nghỉ việc ở cả ba cấp học, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non. Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh (Trường Mầm non Hưng Dũng 2, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) dù đã hơn 10 năm công tác nhưng mức lương của chị cho đến khi nghỉ việc chỉ chưa đến 6 triệu đồng. Trong khi đó, chị còn phải nuôi 2 con nhỏ và lo lắng chi tiêu cho cả gia đình nên không thể tiếp tục công việc mình đã chọn, đã được đào tạo bài bản và gắn bó suốt một thời gian dài.

Tâm tư của cô giáo Nguyễn Thị Hạnh cũng là nỗi lòng của nhiều giáo viên mầm non hiện nay. Niềm vui tăng lương, tăng thu nhập từ các khoản lương thưởng, phụ cấp chính là sự ghi nhận đối với những nỗ lực của họ để mỗi học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Bên cạnh đó, nhiều thầy cô cũng chia sẻ về nỗi lo tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi giá cả được giữ ổn định ở mức tương đối, nhất là với mặt hàng thiết yếu chứ không phải lương tăng, giá cũng tăng theo.

Ông Nguyễn Quang Huân (ĐBQH đoàn Bình Dương) cũng chỉ ra lần gần nhất thực hiện cải cách tiền lương là năm 2003, khi đó, GDP của Việt Nam chỉ 43 tỉ USD. Tới nay GDP của Việt Nam đã là 450 tỷ USD, tức là tăng khoảng hơn 10 lần. “Nếu tiền lương chỉ tăng theo cách chống lạm phát hoặc đảm bảo đời sống thì không khuyến khích cán bộ, công chức viên chức trong khu vực công” – ông Huân thẳng thắn nêu quan điểm và cho rằng người làm khu vực công ngoài tự hào về vị trí thì phải yên tâm về thu nhập mới có thể gắn bó lâu dài.

Việc tăng lương cơ sở cũng như tăng thu nhập của giáo viên mầm non là một nỗ lực lớn của Chính phủ song nếu có cách nào đó để khi GDP tăng lên một mức nào đó đủ lớn thì sẽ thay đổi tiền lương và không phải cải cách tiền lương nữa thì sẽ đảm bảo lâu dài, ổn định.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam:

Đảm bảo quyền lợi cho giáo viên

Chủ trương lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp tại Nghị quyết 29 năm 2013, sau 11 năm đến nay vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai. Những đề xuất của Bộ GDĐT, gần đây nhất là dự thảo Luật Nhà giáo đã đề cập rõ những mong muốn cải thiện chế độ lương thưởng, thu nhập của giáo viên mầm non nói riêng và giáo viên nói chung với một mong mỏi khắc khoải bao năm nay: Làm sao để giáo viên sống được bằng lương?

Nhiều giáo viên tâm sự với tôi, cứ làm việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo và động viên nhau, cùng chờ đợi và hy vọng rồi một ngày nào đó sẽ có sự thay đổi lớn về chính sách tiền lương đối với nhà giáo. Nhưng trước tiên là những đề xuất về ngành nghề độc hại đối với giáo viên mầm non đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện và chỉ ra, tôi hy vọng sẽ sớm được thực hiện.

Một số trường chất lượng cao đã và đang thực hiện tự chủ với những khởi sắc về lương, thưởng cho giáo viên, cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, cũng có những đơn vị sự nghiệp công lập về lĩnh vực giáo dục khi tự chủ gặp khó khăn, thậm chí không đảm bảo được nguồn để tăng lương cho cán bộ, viên chức tới đây. Mong Chính phủ sớm chỉ đạo, hướng dẫn về vấn đề này để các trường có thể giải bài toán khó, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giao-vien-mam-non-nhieu-tin-vui-tu-luong-moi-10284670.html