Giáo viên mầm non tư thục khốn đốn vì dịch

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các cơ sở giáo dục mầm non phải dừng hoạt động kéo dài. Đời sống của giáo viên mầm non, nhất là ở các trường tư thục vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Thay vì lên lớp, nhiều tháng nay, chị Nguyễn Thị Loan, giáo viên Trường Mầm non Tuệ Tĩnh trở thành cô giáo tại nhà cho 2 con nhỏ

Chị Vũ Thị Huệ, giáo viên Trường Mầm non Tuệ Tĩnh cơ sở 2 (phường Thạch Khôi, TP Hải Dương) phải nghỉ việc hơn 2 tháng nay. Đã đi dạy gần 2 năm, mức lương của chị Huệ được 4,2 triệu đồng/tháng, tuy không cao nhưng cũng tạm đủ trang trải cuộc sống. 2 tháng gần đây, chị không có thu nhập. “Trước đây, tiền lương của tôi không cao nhưng ổn định. Bây giờ nghỉ việc đã lâu, làm trường tư nên cũng không có hỗ trợ gì ngoài tiền đóng bảo hiểm, tôi phải thắt chặt chi tiêu hằng ngày để cân đối qua mùa dịch”, chị Huệ cho biết.

Hoàn cảnh của chị Huệ cũng là cảnh ngộ chung của gần 1.000 giáo viên mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh lúc này.

Theo chị Nguyễn Thị Oanh, giáo viên Trường Mầm non Ban Mai Xanh (phường Thanh Bình, TP Hải Dương), giáo viên trường tư chỉ mong sau ngày 17.3 được đi dạy trở lại nhưng dịch bệnh kéo dài, trường mầm non buộc phải đóng cửa ít nhất hết tháng 3. Tìm công việc thời vụ rất khó mà cũng vì yêu nghề, chị không đành bỏ. Nghĩ đến những ngày được trở lại cùng những học trò nhỏ đáng yêu mình từng gắn bó, tôi thêm động lực và hy vọng chờ đợi. Chị Oanh cho biết tiền lương của giáo viên mầm non ngoài công lập do nhà trường tự chi trả. Dịch bệnh khiến trường đóng cửa, không có nguồn thu nên hầu hết giáo viên không được hỗ trợ. Nhiều trường phải thuê mặt bằng, không đủ năng lực tài chính để duy trì buộc phải đóng cửa.

Trường học đóng cửa dài ngày vì dịch bệnh khiến hệ thống giáo dục mầm non tư thục gặp khó khăn

Trường học đóng cửa dài ngày vì dịch bệnh khiến hệ thống giáo dục mầm non tư thục gặp khó khăn

Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Trường Mầm non Tuệ Tĩnh cơ sở 2 cho biết: “Dịch bệnh bùng phát nhiều lần liên tiếp khiến hoạt động của trường bị ảnh hưởng không nhỏ. Thời gian trường còn được phép hoạt động, nhưng e ngại dịch bệnh, nhiều cha mẹ học sinh đã không cho con đến lớp khiến doanh thu đã bị sụt giảm từ đó. Đợt nghỉ dịch tháng 2 năm ngoái, trường vẫn cố gắng hỗ trợ thanh toán bảo hiểm hằng tháng cho toàn bộ giáo viên nhưng đến nay, nguồn vốn hao hụt cộng thêm mất doanh thu hoàn toàn do dịch bệnh, trường có thể sẽ không đủ năng lực để hỗ trợ giáo viên.”.

Nghỉ việc kéo dài khiến cuộc sống của những giáo viên mầm non tư thục vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Thay vì những ngày lên lớp trông trẻ, chị Loan ở nhà tạm thời làm cô giáo tại gia cho 2 đứa con nhỏ. Chị Huệ cũng đã tìm cho mình một công việc tạm thời là bán hàng trực tuyến. Mỗi ngày, chị đăng bài đều đặn trên trang Facebook cá nhân, đủ các mặt hàng từ thực phẩm đến quần áo, giày dép, phụ kiện… “Thu nhập từ việc bán hàng online chẳng thể ổn định như lúc đi làm nhưng cũng giúp mình trang trải cuộc sống những ngày nghỉ dịch. Hơn nữa, nó cũng khiến mình vui hơn vì có việc để làm, bớt nhớ nghề, nhớ học sinh”, chị Huệ cho biết.

Toàn tỉnh có trên 50 trường mầm non tư thục với khoảng 800 cán bộ, giáo viên. Nếu dịch Covid-19 còn kéo dài, nhiều trường mầm non tư thục, nhất là những trường phải thuê địa điểm có nguy cơ phá sản. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết trước mắt sẽ chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát, nắm tình hình khó khăn tại các cơ sở để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo tháo gỡ.

PHẠM TUYẾT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc---tuyen-sinh/giao-vien-mam-non-tu-thuc-khon-don-vi-dich-162199