Giáo viên mong ngành giáo dục triển khai học bạ điện tử trên cả nước

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thí điểm triển khai học bạ điện tử nhằm giảm thủ tục hành chính và áp lực cho giáo viên được hầu hết thầy cô giáo ủng hộ và chờ đợi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Vụ, Cục thí điểm triển khai sử dụng học bạ điện tử trên toàn quốc. Ảnh: MD

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Vụ, Cục thí điểm triển khai sử dụng học bạ điện tử trên toàn quốc. Ảnh: MD

Khuyến khích các nhà trường sử dụng học bạ điện tử

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông tin với truyền thông rằng rằng, sẽ thí điểm triển khai học bạ điện tử nhằm giảm thủ tục hành chính và áp lực cho giáo viên và các nhà trường.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cơ quan này đã có Thông tư khuyến khích các nhà trường sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử. Các trường học, địa phương cũng đã bắt tay triển khai, trong đó có những nơi đã triển khai trong phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, các trường khác tỉnh không đồng nhất.

"Học bạ điện tử là một dạng điện tử của học bạ, có chữ ký xác thực của người và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý và có thể sử dụng như học bạ giấy và sử dụng trên môi trường số. Nếu làm được học bạ điện tử sẽ mang lại lợi ích xã hội, cho nhà trường, giáo viên, học sinh rất lớn", đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói thêm.

Chính vì thế, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Vụ, Cục phải thí điểm triển khai việc này trên toàn quốc, và sau đó đánh giá chính xác kết quả mô hình, sẽ có hướng dẫn, thể chế để thực hiện. Hiện nay, các Vụ, Cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình thực hiện.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc lưu trữ, quản lý và sử dụng học bạ ở các nhà trường có nhiều ưu điểm như: học bạ điện tử lưu trữ dữ liệu rất tốt còn học bạ giấy dễ nhàu nát, để lâu có thể bị mối mọt, bị hỏng.

Cùng với đó, học bạ điện tử giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ nghiên cứu để tái cấu trúc, quy trình học bạ điện tử để làm sao cho đảm bảo yêu cầu nhưng đơn giản.

Ngoài ra, học bạ điện tử góp phần minh bạch hóa quá trình quản lý kết quả học tập, rèn luyện và đặc biệt hạn chế các bất cập về sửa kết quả học tập học sinh.

Nỗi khổ của giáo viên khi sử dụng học bạ giấy

Chia sẻ về việc sử dụng học bạ giấy hiện nay, thầy giáo Phan Anh, giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn dạy những những môn ít tiết như Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật… rất mệt mỏi.

Thầy giáo Phan Anh cho biết, vào đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lớp 10 phải ghi thông tin học sinh vào trang bìa 1, bìa 2 và các trang ruột của học bạ. Cụ thể, ở trang bìa 2 ghi sơ yếu lí lịch học sinh kèm nhiều thông tin về nhân thân của các em. Trang tiếp tục ghi họ và tên học sinh, lớp, năm học, ban, các môn học nâng cao.

Sau khi học sinh kiểm tra định kì (học kì 1, học kì 2) và kiểm tra lại (trong hè) hoàn tất, giáo viên bộ môn bắt đầu ghi học bạ với nhiều công đoạn khác nhau: nhập điểm học kì 1, học kì 2, cả năm; nhập điểm hoặc xếp loại học lực học sinh sau khi các em kiểm tra lại (nếu có) và kí tên xác nhận.

Nếu giáo viên bộ môn nhập điểm nhầm hoặc sai sót thì thầy cô giáo phải sửa bằng mực đỏ, có kí xác nhận và nhân viên văn phòng đóng dấu vào chỗ sửa chữa. Có trường hợp do bất cẩn, giáo viên ghi sai hàng loạt thông tin khiến học bạ bị sửa chữa dày đặc, màu mực xanh đỏ lẫn lộn, gây mất thẩm mỹ và mất cả độ tin cậy.

Nếu trang học bạ sai sót nhiều, dơ bẩn, bắt buộc giáo viên phải thay bằng cuốn mới cho học sinh. Lúc đó, tất cả giáo viên bộ môn lại phải ghi chép điểm số, nhận xét từ đầu, khiến thầy cô giáo rất mất thời gian, công sức và không tránh khỏi tâm lí mệt mỏi, căng thẳng.

Sau khi tất cả các giáo viên bộ môn nhập điểm xong là đến công việc của giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm ghi chú học bạ sửa chữa bao nhiêu chỗ, thuộc môn học nào và kí tên xác nhận rõ ràng.

Tiếp đến, giáo viên chủ nhiệm phải ghi các thông tin bắt buộc: xếp loại hạnh kiểm; học lực; chứng chỉ nghề phổ thông đạt loại (nếu có); khen thưởng đặc biệt khác; được lên lớp thẳng hay kiểm tra lại và phê học bạ.

Nếu một học sinh nào đó bị kiểm tra lại, cho dù kết quả có đạt hay không thì giáo viên chủ nhiệm cũng phải ghi học bạ lần hai. Công việc này giáo viên chủ nhiệm phải hoàn thành sau khi học sinh kiểm tra lại có kết quả trong hè để các em có thể rút học bạ chuyển trường, học nghề...

Sau khi hoàn tất học bạ, giáo viên chủ nhiệm tiến hành kiểm tra chéo học bạ các lớp xem có sai sót gì hay không. Thầy cô giáo phải đối chiếu từ sơ yếu lí lịch học sinh cho đến điểm số từng môn học, điểm tổng kết, xếp loại học lực, hạnh kiểm... trong học bạ so với bản chính xem có khớp hay không.

Vì vậy, hầu hết giáo viên bậc phổ thông mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm quy định hành lang pháp lý của học bạ điện tử để các nhà trường phổ thông triển khai đồng bộ trên cả nước trong thời gian tới, nhằm giảm thủ tục hành chính và áp lực cho thầy cô giáo.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-mong-nganh-giao-duc-trien-khai-hoc-ba-dien-tu-tren-ca-nuoc-179231023140144476.htm