Giáo viên năng động, học sinh tự tin khi học chương trình mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) trải qua một học kỳ đưa vào áp dụng đã ghi nhận những 'quả ngọt' đáng kể.
“Hôm nay là sinh nhật của voi con nhưng nó bị ốm và đang buồn bã. Bỗng voi con nghe tiếng gọi, thì ra các bạn đến chúc mừng sinh nhật voi… Thỏ trắng mang cà rốt, gấu đen mang theo nải chuối….
Voi con vui ơi là vui, nó khua vòi mấy vòng cảm ơn các bạn”.
Tiếng đọc vach vách của Phan Anh Tú, học sinh lớp 1A5, Trường Tiểu học Dân Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Học sinh đọc tốt, viết thạo
Không giấu khỏi niềm vui khi nghe các học sinh của mình, chỉ vừa hết học kỳ đã đọc thông, viết thạo, cô Phan Thị Hải Yến, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5 chia sẻ, nếu như so với lứa học trò trước, thời điểm này các con vẫn đang học vần 3 âm thì lứa này học sinh đã đọc được khá tốt.
“Ngay với các bạn học chậm nhất lớp thì những bài đọc các con đều có thể hoàn thành tốt. Chương trình giáo dục phổ thông mới có thay đổi các con rất nhiều. Bản thân tôi thấy rất hay, các con có thể làm chủ và phát triển nhiều hơn về năng lực phẩm chất. Nắm bắt kiến thức tốt, phát huy khả năng của mình, được trải nghiệm và khám phá nhiều. Ngoài ra các con được làm việc nhóm nhiều, tự tin hơn” – cô Yến nhận xét.
Cô Hoàng Thị Anh Thơ, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Trần Cao, Hưng Yên cũng chia sẻ, nhiều năm giảng dạy lớp 1, đây là năm đầu tiên cô thấy rõ sự thay đổi của các học trò.
Trải qua 1 học kỳ nhưng học trò của cô đã biết đọc lưu loát, viết tốt. Điều đáng nói là với cách vận dụng nhiều ngữ liệu bên ngoài, các em tự tin hơn để trao đổi.
“Có thể ban đầu, cách dạy còn mới các giáo viên chưa quen nên xảy ra lúng túng. Tuy nhiên, sau thời gian dạy theo phương pháp mới, giáo viên vào guồng nhanh hơn và cảm thấy nhiều tích cực trong giảng dạy” - bà Đào Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân Tiến (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đánh giá. “Các em đã mạnh dạn đứng lên đặt câu hỏi trong các buổi giao lưu, phụ huynh cũng khẳng định với chúng tôi rằng các con có sự tự tin tương đương với học sinh lớp 2 lớp 3” – cô Thơ bày tỏ.
Chị Nguyễn Cẩm Tú (Ninh Bình), phụ huynh có con học lớp 1 phấn khởi, lúc bắt đầu năm học, khi nghe nói con mình học chương trình mới cả gia đình đều khá lo lắng.
"Thế nhưng sau 8 tuần học bộ sách Cánh Diều con tôi đã đọc được khá ổn. Đến giờ thì đọc trôi chảy và hào hứng với việc tự mình luyện viết. Tôi cảm nhận được con mình nhanh nhạy hơn, lanh lẹ hơn trước" - chị Tú bày tỏ.
Giáo viên phải thay đổi rất nhiều
Những năm học trước, việc giảng dạy của cô Phan Thị Hải Yến, Trường Tiểu học Khoái Châu chỉ xoay quanh với phấn, bảng. Đa phần các tiết học cô giáo đọc, học sinh viết. Tuy nhiên nửa năm nay, cô Yến “vất vả” hơn rất nhiều.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi giáo viên năng động hơn, từ đó cô Yến bắt đầu làm quen với phương pháo dạy học mới, mày mò cắt ghép ảnh, video trên máy tính, sử dụng công nghệ thông tin thành thạo hơn.
“Vất vả hơn, mày mò nhiều hơn nhưng tôi thấy vui và hài lòng khi có nhiều sự thay đổi tích cực” – cô Yến nói.
Cô Hoàng Thị Anh Thơ, Trường Tiểu học Trần Cao cũng không ngoại lệ, cô nhận xét: “Ở chương trình này cô giáo đầu tư hơn, mất thời gian hơn để tìm tòi cho học sinh. Bài giảng đa dạng, nhiều chương trình thì học trò mới hứng khởi” – cô Thơ nói.
Cô Trần Thị Tú Uyên, Trường Tiểu học Dân Tiến cho hay, để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô đã phải đầu tư khá nhiều cho kỹ năng công nghệ thông tin.
“Bản thân tôi thấy mình đã dám thay đổi, tư duy nhiều hơn, sáng tạo nhiều cách dạy học, không còn cứng nhắc như trước” – cô Uyên nói.
Cô Vũ Thị Quyên, Tổng phụ trách đội trường Tiểu học Trần Cao là người tiên phong nhất trong việc thay đổi dạy và học trong chương trình mới, tiết chào cờ mỗi tuần cô đều mày mò tìm hiểu thêm các hoạt động múa hát, khởi động phát triển kỹ năng.
“Sau 18 tuần hoạt động, học sinh của tôi rất tự tin. Trong buổi giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa tuần trước, các em chủ động hỏi nhà thơ, chương trình lớp 1 năng động đã kéo theo các học sinh lớp 2,3,4 hào hứng tham gia” – cô nói.
Ngay cả cách đánh giá, khen học sinh nhà trường cũng chú trọng khá nhiều.
Ông Phan Xuân Quyết, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên cho hay, chương trình phổ thông mới có độ mở tốt, việc này tạo điều kiện cho giáo viên được linh hoạt trong nội dung bài dạy, có thể giãn bài học hoặc rút ngắn tùy vào từng đối tượng học sinh.
Kết quả đánh giá toàn tỉnh chưa có nhưng nắm bắt sơ bộ các học sinh lớp 1 và các giáo viên đều chia sẻ cảm thấy tự tin hơn khi được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, bài học. Cho đến nay các phản ánh khá tích cực.