Giáo viên nghỉ ốm mỗi năm trên 40 ngày, có được tinh giản biên chế?

Bạn đóng bảo hiểm trên 30 năm nên nếu bạn nghỉ ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế 2 năm liên tiếp là trên 60 ngày thì mới xem là vượt số ngày nghỉ việc do ốm đau.

Bạn đọc, có tên M.M có địa chỉ email mai…@gmail.com gửi thư về Tòa soạn có nội dung như sau: “Tôi M.M là nam, sinh ngày 24/09/1966, đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/9/1990. Tôi hiện đang công tác tại trường một trường Trung học Cơ sở, có hệ số lương 4,98 - Hai năm qua tôi đều nghỉ bệnh lần lượt hơn 40 ngày ở năm 2019 và hơn 60 ngày ở năm 2020.

Theo Nghị định 143/2020/NĐ-CP về tinh giản biên chế thì tôi có đủ điều kiện xin nghỉ do tinh giản biên chế vào 31/12/2021 hoặc ngày 01/01/2022 hay không? Xin chân thành cảm ơn.”

Giáo viên nghỉ bệnh mỗi năm trên 40 ngày, có được tinh giản biên chế? (Ảnh minh họa: Nld.com.vn)

Giáo viên nghỉ bệnh mỗi năm trên 40 ngày, có được tinh giản biên chế? (Ảnh minh họa: Nld.com.vn)

Bằng các kiến thức cá nhân, căn cứ các quy định pháp lý, người viết xin được tư vấn cho đồng nghiệp như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP quy định về đối tượng cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

“[…]

g) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

[…]”

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“Điều 26. Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

[...]”

Vì sao ít có giáo viên đủ điều kiện nghỉ hưu theo chế độ tinh giản biên chế?

Như vậy, bạn đóng bảo hiểm xã hội từ năm 1990 đến năm 2020 trở đi là trên 30 năm nên nếu bạn nghỉ ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế 2 năm liên tiếp là trên 60 ngày thì mới xem là vượt số ngày nghỉ việc do ốm đau, nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội để được tinh giản biên chế theo khoản trên.

Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo các điều kiện khác xem mình có thuộc các điều kiện khác để nghỉ việc diện tinh giản biên chế hay không dưới đây:

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, đươc bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP và được sửa đổi bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP thì các trường hợp nghỉ hưu do tinh giản biên chế của cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Trưởng hợp 1: Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

Trường hợp 2: Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

Trường hợp 3: Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Trường hợp 4: Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Trường hợp 5: Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Trường hợp 6: Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

Trường hợp 7: Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

Trường hợp 8: Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

Một số thông tin trao đổi cùng bạn. Phần tư vấn có tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có cách giải quyết khác nhau.

BÙI NAM

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-nghi-om-moi-nam-tren-40-ngay-co-duoc-tinh-gian-bien-che-post215616.gd