Giáo viên nói gì về đề văn dành cho mọi thí sinh thi vào Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội?
Nhìn chung, đề thi Ngữ văn dành cho mọi thí sinh thi vào Trường THPT chuyên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay bám sát chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 9, phù hợp với yêu cầu của đề chung cho các thí sinh thi những môn chuyên khác nhau.
Là đánh giá của thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội). Phân tích sâu vào đề, thầy Hùng nói: Câu 1 yêu cầu đọc hiểu với các câu hỏi đều ở mức độ nhận biết, chỉ cần nắm chắc các kiến thức về tiếng Việt, kĩ năng đọc hiểu là các em có thể làm tốt câu này.
Câu 2 yêu cầu viết đoạn nghị luận xã hội. Đề ra dưới dạng mở khi yêu cầu nêu suy nghĩ về vai trò chủ động của mỗi cá nhân trong việc kiến tạo cuộc đời của chính mình. Lời nhận định “Mỗi người đều tự viết nên câu chuyện đời mình” vừa giàu hình ảnh, đồng thời gợi nhiều liên tưởng và suy nghĩ cho thí sinh làm bài.
Câu 3 là câu nghị luận văn học với nội dung đề hỏi không khó nhưng đòi hỏi thí sinh cần biết cách chọn lọc chi tiết, hình ảnh để tập trung phân tích, giúp bài văn đúng trọng tâm, không bị lan man. Bên cạnh đó, cần làm sáng tỏ âm điệu và cảm hứng ngợi ca (khúc tráng ca) của tác phẩm mới giành được điểm số cao.
Nhìn chung, đề thi Ngữ văn dành cho mọi thí sinh thi vào vào Trường THPT chuyên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay bám sát chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 9, phù hợp với yêu cầu của đề chung cho các thí sinh thi những môn chuyên khác nhau. Các em học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, có kĩ năng làm bài tốt, có thể giành điểm số khá.
Còn theo cô Đỗ Khánh Phượng, Giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định: Phần nghị luận xã hội: Đề hướng về một vấn đề rất thực tế: làm chủ bản thân. Lệnh đề đưa ra là một câu khẳng định về vai trò , chính kiến của bản thân trong việc tạo dựng tương lai. Đây là một quan điểm khá cấp thiết trong xã hội hiện đại phương Đông, khi nhiều phụ huynh vẫn cho mình cái quyền can thiệp vào đời sống cá nhân của con cái, sắp đặt tương lai cho chúng; còn giới trẻ lại mong muốn tự khẳng định mình, tự tìm con đường đi cho mình.
Với đề này, học sinh phải biết kết hợp thao tác lập luận phân tích để chỉ ra cái lợi, cái hại; cái hay cái dở khi “tự viết nên câu chuyện đời mình”. Đồng thời phải biết lấy dẫn chứng những tấm gương tự lập để chứng minh. Hình thức yêu cầu là đoạn văn diễn dịch, dung lương 12 câu và câu chủ đề là: “Mỗi người đều tự viết nên câu chuyện đời mình.”
Phần nghị luận văn học: Đây là một phần khá cơ bản, văn bản quen thuộc trong Ngữ văn 9, kì 1 “Đoàn thuyền đánh cá” – Huy Cận. Tuy nhiên các khổ thơ lại được lựa chọn rải rác trong văn bản, đây đều là những khổ xuất hiện rõ nét vẻ đẹp của những con người lao động thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đề có một chút lắt léo khi đưa ra một nhận định của chính Huy Cận về tác phẩm: “khúc tráng ca,” ca ngợi con người trong lao động”. Một chút kiến thức lí luận đã được đưa ra “khúc tráng ca”.
Muốn làm rõ khái niệm này, học sinh phải nêu được hoàn cảnh sáng tác, phải thể hiện được tư thế làm chủ cuộc đời, làm chủ thiên nhiên của những ngư dân vùng đất Quảng Ninh. Và cao hơn hết là giá trị của lao động, thể hiện rõ nét qua thành quả lao động. Hình thức là một bài văn hoàn chỉnh, yêu cầu kết hợp nhiều thao tác lập luận, thao tác bình luận được đề cao (cảm nhận).
Với phần Đọc - hiểu nội dung cơ bản, lớp 9 được ôn tập nhiều, nên dù ngữ liệu cũ vẫn không làm khó được học sinh. Đối với câu nghị luận xã hội, học sinh bên cạnh việc biết lập luận, cần có hiểu biết thực tế, cần sự già dặn trong tư duy của thí sinh mới có thể đáp ứng được yêu cầu đề.